Phóng sự - Ký sự

Những phận người tỉnh mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ánh mắt vô hồn, những bước đi trong vô thức cộng với tiếng gào thét, lảm nhảm... tất thảy hình ảnh, âm thanh ấy tại Bệnh viện Tâm thần kinh khiến chúng tôi ám ảnh khôn nguôi.
Đây là lần thứ 2 chúng tôi quay trở lại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh. Khoảng cách giữa 2 lần chỉ cách nhau chưa đầy 1 tháng, ấy thế mà một vài thứ nơi đây đã thay đổi. Dễ nhận thấy nhất là thêm vài khung cửa sổ bị vỡ, khóa cửa bị hư, cánh cửa khu điều trị bị bong tróc lớp sơn... Nguyên nhân là do mỗi khi bị kích động, bệnh nhân không kiểm soát được hành vi nên làm hư hại. 
Bên trong những khung cửa
Cánh cửa khu bệnh nhân nam vừa mở, nhác thấy bóng blouse trắng, một số bệnh nhân nam ở hành lang bệnh viện tiến lại, vây quanh bác sĩ. Người sờ tóc, kéo áo, kẻ ôm hôn, có người lại hỏi han về bệnh tình của mình như một người... rất tỉnh! Số khác cứ đi qua, đi lại, miệng lẩm nhẩm những điều vô nghĩa, thỉnh thoảng còn áp tay lên tai, hét lên: “Alô, Alô...”. 
Vừa thấy người lạ bước vào phòng, 1 bệnh nhân còn khá trẻ với nhiều hình xăm trổ trên cánh tay đứng bật dậy, miệng hét lớn: “Ma quỷ đến bắt người!” và cứ thế lao ra phía cửa. Mẹ của thanh niên này vội bỏ tô cơm đang ăn dở xuống ghế, chạy theo ôm chặt lấy cậu con trai. Có lẽ đã quá quen với việc này nên bà phản ứng khá nhanh nhạy, vừa ôm con vừa dỗ dành. Nhìn về phía chúng tôi, bà ái ngại phân trần: “Cô chú thông cảm, cháu nó nghiện ma túy nên bị ảo giác, cứ thấy người lạ là tưởng ma quỷ đến bắt mình”.
 Niềm vui của y-bác sĩ khi thấy sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã khỏe mạnh, lành bệnh. Ảnh. Ảnh: P.D
Niềm vui của y-bác sĩ khi thấy sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã khỏe mạnh, lành bệnh. Ảnh: P.D
Ngay sát giường thanh niên bị ảo giác do nghiện ma túy là một bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần và hành vi do nghiện rượu. 7 lần nhập viện trong tình trạng co giật, anh Nguyễn Văn V. (thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đã trở thành “khách quen” của các y-bác sĩ trong bệnh viện. Tận tay đút từng muỗng cơm cho chồng, chị Hoàng Thị Q. trải lòng: “Nhà cũng có vài sào cà phê nhưng mỗi ngày ông ấy chỉ làm khoảng 2 tiếng đồng hồ là phải nghỉ đi uống rượu, nếu không mồ hôi vã ra như tắm, tay chân co giật, miệng nói nhảm không ngừng”. Câu chuyện còn đang dở dang nhưng chúng tôi buộc phải rời đi vì có 1 bệnh nhân bỗng nhiên lên cơn, mắt lờ đờ và cứ lao vào người khác đòi... ôm.
Không ồn áo, náo động như khu bệnh nhân nam, ở khu dành cho bệnh nhân nữ, không khí có phần nhẹ nhàng hơn với hình ảnh người mẹ ngồi chải tóc cho con gái, người em giúp chị lau mặt, rửa tay... Dừng ở giường của bệnh nhân Siu HL. (làng Dư, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) ngay sát cửa ra vào, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Thiên-Trưởng khoa Điều trị nữ-cho hay: “Sau 2 ngày điều trị, tinh thần bệnh nhân đã ổn định nhiều rồi”. Chị Siu HN.-mẹ của Siu HL.-bộc bạch: “Cháu đang học lớp 8 và trước giờ không có biểu hiện gì bất thường. Cách đây vài ngày, gia đình thấy cháu đang ngủ mà khóc. Sau đó, miệng và tay chân cứng đơ. Gia đình gọi cháu dậy hỏi chuyện, cháu nói là thấy 1 người phụ nữ mặc đồ màu trắng rủ đi cùng, cháu không đi thì bị đánh...”. Nghe xong câu chuyện của con, chị Siu HN. ngất đi vì sợ. Sáng sớm hôm sau, chị HN. khăn gói đưa con lên bệnh viện huyện khám và được tư vấn lên Bệnh viện Tâm thần kinh. “Giờ cháu đã ăn ngon, ngủ ngon và muốn về nhà để đi học cùng các bạn. Bác sĩ nói, chỉ cần cho uống thuốc đều đặn trong vòng 6 tháng, bệnh tình của cháu sẽ khỏi hoàn toàn, mình mừng lắm!”-chị Siu HN. phấn khởi.
Ngồi giường bên cạnh, bệnh nhân Siu HV. (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) cứ nhìn ra phía ngoài cửa như chờ đợi điều gì. Vừa kịp lúc, cậu em trai Siu H. bê 1 tô cơm từ thiện về phòng. Nói về bệnh tình của chị gái, anh Siu H. chia sẻ: “Khi mới 6 tuổi, trong một lần theo gia đình lên rẫy, chị gái mình bị sét đánh. Tuy nhiên mãi đến năm tròn 25 tuổi (năm 2010) chị mới có những biểu hiện kỳ lạ như: nói lung tung, bỏ nhà đi lang thang, ăn bất cứ thứ gì lượm được, thỉnh thoảng còn đập đầu vô tường, rồi la hét, trừng mắt nhìn mọi người xung quanh... Ai nhìn thấy cũng sợ! Mãi sau này, nhờ người quen chỉ dẫn, gia đình mới biết để đưa chị vào đây điều trị và giờ thấy chị tươi tỉnh, vui vẻ hơn nhiều...”.
Hết lòng vì bệnh nhân
 
Bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh: “Lúc cao điểm, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân, còn ngày thường duy trì 30-40 bệnh nhân. Hiện tại, ngoài điều trị nội trú, ngoại trú, định kỳ, Bệnh viện còn phối hợp với 70 trạm y tế xã để cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh tại cộng đồng. Bệnh viện phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 10 xã có người bệnh được hỗ trợ từ chương trình cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần để giúp người bệnh sớm ổn định sức khỏe, ổn định cuộc sống”.

Thấy chúng tôi có vẻ hoảng sợ khi bệnh nhân lại gần sờ máy ảnh, điện thoại, bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Trưởng khoa Điều trị nam-cười nói: “Ngay cả bác sĩ chúng tôi lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân cũng phát khiếp khi cứ thấy họ xáp lại, rồi nhe răng cười vô cớ”. Ấy thế mà như một cái duyên, bác sĩ Thanh lại có tới gần 30 năm gắn bó với công tác điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt này. Theo bác sĩ Thanh, có 4 nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần, đó là các nguyên nhân thực tổn dẫn đến chấn thương sọ não, nhiễm trùng thần kinh (viêm não, viêm màng não), nhiễm độc thần kinh (ngộ độc rượu, ma túy...); những áp lực trong cuộc sống hàng ngày, mâu thuẫn vợ chồng...; những cấu tạo thể chất bất thường. Cũng có trường hợp không rõ nguyên nhân.
Có khoảng 60% bệnh nhân ở khu điều trị nam thuộc nhóm nguyên nhân thực tổn, nhập viện do nghiện rượu, nghiện ma túy... Cũng theo vị bác sĩ này, xã hội ngày càng phát triển, con người dễ bị căng thẳng, rồi thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, tai nạn lao động, lạm dụng các chất kích thích... nên độ tuổi nào cũng có khả năng bị rối loạn tâm thần. Có người mắc chứng hoang tưởng, cứ nghĩ vợ mình ngoại tình với hàng xóm dẫn đến ghen tuông, đánh đập; có người bị ảo giác thấy người đối diện là ma quỷ hiện về bắt vợ, bắt con hoặc nghe trong tai có người đang thúc giục phải làm điều gì đó... “Bệnh nhân tâm thần không bao giờ họ thừa nhận mình bị bệnh, thậm chí họ còn cho rằng mình thông minh, tài giỏi và có thể phát minh ra nhiều thứ hơn người... Việc điều trị rất khó khăn do bệnh nhân không hợp tác, họ sẵn sàng chống đối, đập phá, la hét, đánh cả bác sĩ”-bác sĩ Thanh cho hay.
Có lẽ vì vậy mà mỗi khi vào phòng bệnh, các y-bác sĩ luôn trong tư thế cảnh giác cao độ, ngay cả các vật dụng có khả năng gây sát thương cũng nghiêm cấm tuyệt đối không được mang vào khu điều trị. Điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hà-Khoa Điều trị nữ-chia sẻ: “Có lần, mình đang phát thuốc cho các bệnh nhân trong phòng thì bị 1 bệnh nhân lên cơn kích động đánh mạnh vào sau lưng. Mình hoảng quá, vội chạy ra phía ngoài tìm người hỗ trợ, vậy mà cũng bị rượt chạy hết khu hành lang”. Không chỉ bị bệnh nhân hành hung, các y-bác sĩ còn thường xuyên phải đối mặt với việc bị bệnh nhân ôm, ghé tai nói nhảm, giật trang sức, thậm chí chửi bới... Dẫu vậy, giải pháp đầu tiên các y-bác sĩ lựa chọn luôn trò chuyện nhỏ nhẹ, khuyên nhủ, trừ trường hợp không thể kiểm soát được mới phải nhờ đến lực lượng hỗ trợ. Những trường hợp không kiểm soát được đa phần do người nhà bệnh nhân không tuân thủ các quy định của bệnh viện, lén mang vật dụng sắc, nhọn vào phòng bệnh khiến bệnh nhân vô tình nhặt được.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng các y-bác sĩ nơi đây luôn dốc hết sức với phương châm “Tất cả vì sức khỏe của bệnh nhân tâm thần”. Và niềm vui của họ cũng thật giản đơn, đó là chứng kiến người bệnh bình phục, trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục những công việc còn dang dở trước đó. Bác sĩ Nguyễn Đình Thiên kể: “Cách đây vài giờ, tôi nhận được điện thoại của 1 bệnh nhân ở buôn HYú (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Nội dung đơn giản chỉ là “Cảm ơn bố, cảm ơn bệnh viện”, nhưng chúng tôi thấy rất vui!”. Bác sĩ Thiên cho biết, bệnh nhân này sinh năm 2000, bị rối loạn phân liệt cảm xúc, cứ khóc, cười vô cớ, luôn nghĩ là mẹ muốn giết mình. Do nhận thức hạn chế, tưởng con bị ma nhập nên thay vì đưa đến bệnh viện, gia đình lại bán hết ruộng vườn, trâu bò, thậm chí vay mượn để tìm thầy cúng về trừ tà. Ròng rã nhiều tháng liền mà “con ma” vẫn còn. Trong lúc hoang mang, gia đình được 1 người quen hướng dẫn đưa con lên Bệnh viện Tâm thần kinh và chỉ sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, xuất viện về nhà.
Chứng kiến người thân được trở về, hòa nhập với cuộc sống đời thường là ước mơ cháy bỏng của người nhà những bệnh nhân tâm thần. Và hẳn nhiên đó cũng chính là mục tiêu mà các y-bác sĩ Bệnh viện Tâm thần kinh đang ngày đêm nỗ lực thực hiện, dù mỗi ngày phải đối mặt với bao vất vả, thử thách.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm