Khi người thợ đến mời chụp hình, một thanh niên cầm chiếc điện thoại xịn ném xuống biển rồi lượm lên chụp hình 'tự sướng', kèm câu hỏi khiến người thợ ảnh chạnh lòng: 'Máy ông bằng máy tui không mà mời ?'.
Dở khóc dở cười
Đa số các “phó nhòm” mưu sinh ở các bãi tắm TP.Vũng Tàu sử dụng một số loại máy ảnh cũ, giá rẻ. Thời tiết khắc nghiệt khiến cho chiếc máy càng thêm cũ kỹ, trở nên lạc hậu trong mắt một số du khách.
Ông Thạch, 57 tuổi, một thợ chụp hình lâu năm tại Bãi Sau, cho biết có những chuyện dở khóc dở cười liên quan đến nghề kiếm cơm của mình. Một lần, ông Thạch đeo máy ảnh Nikon D80 đến mời chụp ảnh, một thanh niên cầm chiếc điện thoại xịn ném xuống biển rồi lượm lên chụp hình “tự sướng”, kèm câu hỏi thẳng thừng: “Máy ông bằng máy tui không mà mời?”. Ngoài ra, có những du khách không ngần ngại bình phẩm: “Thời đại công nghệ 4.0 rồi còn mang cục sắt đi mời à?”; “Thời này mà còn chụp hình, rửa hình làm gì nữa!”...
Thợ ảnh hành nghề ở biển dễ gặp sự cố bị ướt máy ảnh |
Tại bãi tắm công cộng kế bên điểm ông Thạch mưu sinh, một phó nhòm 63 tuổi cũng chạnh lòng khi vài du khách tỏ vẻ ngạc nhiên về đồ nghề của ông: “Con không ngờ bây giờ chú còn chụp hình bằng... cục sắt”. Chia sẻ với chúng tôi, thợ ảnh này bộc bạch: “Máy hình chụp ở biển rất dễ bị dính nước muối, gỉ sét và mau hư. Hơn nữa, công việc của tụi tui hiện nay ế ẩm, nên đâu có tiền mua máy xịn. Thành ra, mình kiếm đầu kiếng (kính) được một chút để chụp cho ra nét thôi, chứ không thể đầu tư máy tốt như khi chụp các đám tiệc”.
Trên thực tế, thỉnh thoảng giữa thợ ảnh và khách cũng xảy ra xích mích, chủ yếu liên quan đến cách hành xử. Một thợ ảnh gần 60 tuổi kể rằng có du khách trẻ kêu ông lội nước ra chụp hình cảnh họ tắm biển. Chưa kịp vui vì có mối chụp ảnh, ông như bị tạt gáo nước mặn khi khách quát: “Tao bảo mày ra ngoài này nè !”.
Bên cạnh đó, có khi khách và thợ còn bất đồng về giá cả, số lượng ảnh chụp... Chúng tôi từng chứng kiến một nữ du khách cự nự một phó nhòm ở Bãi Sau: “Sao tôi kêu chụp 4 tấm ảnh mà anh giao 5 tấm?”. Người thợ phản hồi: “Hồi nãy chị nói chụp 7 kiểu, sau đó bỏ bớt 2 kiểu”. Có lẽ nhận thấy số hình chênh lệch không đáng kể và tấm ảnh tăng thêm đó cũng khác kiểu, nên người khách chịu trả tiền lấy 5 tấm.
Ở chiều ngược lại, một thợ ảnh kỳ cựu với 32 năm trong nghề cho hay ông cũng gặp một số tình huống ngoài ý muốn: “Nhất là khi khách có hứng chụp hình, họ nói mình chụp thiệt nhiều ảnh. Đến lúc trả tiền, họ nhận thấy lỡ kêu chụp quá nhiều, nên kỳ kèo đôi co. Bản thân tui không thể cầm cọc hình đứng đó tranh cãi, vừa mệt vừa mất thời gian lại vừa khiến người ngoài nghĩ không hay về thợ ảnh. Do vậy tui phải giải quyết lẹ, chịu đôi chút thiệt hại trong khả năng của mình để còn đi giao hình và làm việc khác”.
Một thợ ảnh thường xuyên nhặt mảnh chai, vật nhọn tại khu vực Bãi Sau, vì lo ngại du khách đạp trúng |
Thà mời lầm còn hơn bỏ sót !
Vài phó nhòm thừa nhận việc mưu sinh ế ẩm, quá nhiều người từ chối nên họ không còn hào hứng mời chào khách chụp hình.
Trong khi đó, đa số khẳng định: “Thà mời lầm còn hơn bỏ sót !” Ông T. (62 tuổi), có thâm niên 30 năm chụp ảnh dạo ở Bãi Sau, nêu kinh nghiệm: “Nhiều khi ngộ lắm nha. Mình nghĩ người ta không chụp hình nên không mời, nhưng người ta thấy mình không mời họ, họ tới đằng kia chụp ở thợ khác. Chắc họ tưởng mình khinh họ không có tiền... Trường hợp này tui bị hoài, nên sau này khách nào tui cũng mời !”.
Gắn bó 32 năm với nghề chụp ảnh dạo, ông Trần Công Lý (69 tuổi) cảm nhận rằng thời trước nhiều du khách cần chụp hình, còn thời này không hẳn như vậy vì họ có điện thoại di động. Theo ông Lý, hiếm khi khách tự động kêu thợ đến chụp hình, mà thợ phải đi mời. Đặc biệt, cách mời rất quan trọng, khách nghe cảm tình thì họ mới có thể chụp hình. Đã có không ít trường hợp khách thấy thương những phó nhòm dãi dầu mưa nắng kiếm sống, nên chịu chụp hình ủng hộ.
Thợ ảnh Nguyễn Văn Nỉ (63 tuổi) cảm kích kể cách đây vài tháng, có một thanh niên kêu ông chụp tấm ảnh duy nhất rồi đưa 100.000 đồng. Chàng trai không những tin tưởng đưa tiền trước cho ông mà còn “bo” luôn mấy chục ngàn đồng tiền thừa, kèm câu nói ân cần: “Chú làm hình cho con nhé, con chỉ cần một tấm kỷ niệm thôi. Nãy giờ con thấy chú một mình đi vòng vòng buồn quá à”.
Một số đồ nghề của “phó nhòm” ở biển. Ảnh: Như Lịch |
Không biết... bắt đền ai !
Đồ nghề của các “phó nhòm” ở biển, ngoài chiếc máy ảnh còn có cuốn sổ - cây viết ghi địa chỉ của khách, vài chiếc kính râm tạo kiểu và đặc biệt không thể thiếu cái khăn hoặc giấy để lau máy ảnh. Một số người thợ còn cẩn thận lấy khăn quấn quanh máy hình trước khi xuống biển hành nghề.
Mặc dù chú trọng bảo quản đồ nghề, song đã có không ít lần các phó nhòm sững sờ nhìn chiếc máy ảnh thân thuộc bị tắm trong nước muối. Ông Nỉ kể: “Có những khách tạt nước, đá nước chơi với nhau vô tình văng trúng máy của mình. Rồi mấy đứa nhỏ cầm súng nước bắn thẳng vào máy hình... Trời đất ơi, máy bị hư nhiều lắm, phải đi sửa thường xuyên. Sửa không được nữa thì phải mua máy khác”. Tính đến nay, riêng ông Nỉ đã phải thay 5 cái máy ảnh.
Một đồng nghiệp của ông Nỉ trong lúc lom khom chụp hình đã bị một cơn sóng ập tới đẩy du khách nằm trên phao tắm va trúng từ hướng sau lưng. Người thợ ảnh đó mất trớn té nhào xuống biển, khiến chiếc máy ảnh bị ngập trong nước mặn và thành đồ phế thải. “Những sự cố như trên, mình đâu thể bắt đền ai được. Bởi đây là bãi biển công cộng”, một số thợ ảnh ngậm ngùi nói.
Hằng ngày lội nước tới ngực, thậm chí tới cổ để chụp ảnh cho khách, ông Trần Công Lý được xem là thợ ảnh duy nhất ở TP.Vũng Tàu có trang bị hộp chống nước cho máy ảnh. Tuy vậy, ông không hề chủ quan mà luôn tìm cách phòng tránh nguy cơ máy ảnh bị dính nước. Ông Lý lưu ý: “Chỗ nào có đông người tắm và họ đập nước lung tung thì mình càng phải cẩn thận. Thí dụ thấy bà khách ôm phao tắm, mình đừng đứng sau lưng bả, đề phòng hai chân bả đập tung tóe. Còn lúc chụp hình cho khách xong, mình phải né qua một bên rồi mới ghi địa chỉ này nọ. Vì khi đó nếu mình đứng trước mặt khách, sóng đánh làm khách ngã nhào vô người mình rồi cả thợ lẫn máy đều bị ướt... Nói chung, mình phải tinh ý phán đoán tình thế”.
Đặc biệt, trong mùa gió bấc (từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau), biển có sóng lớn, gió thổi ầm ầm, hơi nước và cát bay mịt mờ. Hơi nước muối thường xuyên làm mù ống kính, thợ ảnh phải lau liên tục nhưng máy ảnh cũng dễ bị hư. Và đó cũng là khoảng thời gian thợ ảnh mưu sinh khó khăn hơn, do ảnh hưởng thời tiết và lượng khách tắm có hạn. (còn tiếp)
Tham gia hỗ trợ du khách
Bên cạnh lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp túc trực trên bãi biển, thợ ảnh cũng hay quan sát xung quanh nên có thể phát hiện sớm một số vụ đuối nước hoặc hướng dẫn giúp du khách tránh những chỗ tắm nguy hiểm. Trước đây, đã có một số thợ ảnh ở Vũng Tàu tham gia cứu hộ du khách tắm biển bị đuối nước. Ngoài ra, khi thấy con nít đi lạc, có những thợ ảnh sẵn lòng dẫn lên nhờ Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu thông báo tìm kiếm người thân cho đứa trẻ...
|
Theo Như Lịch (TNO)