Những sáng chế có giá trị trong sản xuất từ… phế liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Mai Hoài Thuận, 42 tuổi, thôn Trung, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa được nhiều người biết đến với những sáng chế ra máy móc giúp giải phóng sức lao động, tăng giá trị sản xuất cho người nông dân. Điều đặc biệt là những máy móc do ông Thuận sáng chế ra đều tận dụng từ… phế liệu.

Từ máy thái chuối đa năng…

Xưởng cơ khí của ông Thuận nằm ngay bên bờ sông Cái, đoạn qua thôn Trung, xã Diên Lâm. Nói là xưởng cơ khí nhưng thật ra chỉ là ngôi nhà cấp bốn mới được xây dựng với diện tích chỉ khoảng 10 m2; mặt tường bên ngoài còn chưa trát vữa. Ông Thuận, cho biết: Mới trở về quê lập nghiệp nên chưa có điều kiện mở rộng xưởng sản xuất. Với lại ở vùng quê thuần nông này cũng chưa cần có xưởng quy mô lớn.

 

Ông Thuận với máy thái chuối do chính mình sáng chế. Ảnh: Bình Nguyên
Ông Thuận với máy thái chuối do chính mình sáng chế. Ảnh: Bình Nguyên

Thế nhưng, cái xưởng cơ khí có diện tích khiêm tốn này của ông Thuận lại luôn thu hút đông người đến tìm hiểu, hỏi mua các loại máy móc. Chuyện là thời gian gần đây, nhiều người biết tin ông Thuận sáng chế ra chiếc máy thái chuối có giá thành rẻ, công suất thái nhanh gấp nhiều lần so với các máy thái chuối hiện có trên thị trường.

Theo ông Thuận, máy thái chuối này có cấu tạo rất đơn giản, gồm có: một mô tơ cũ công suất hai mã lực, chạy bằng dòng điện một pha; hệ thống dao thái gồm hai lưỡi dao, khi hoạt động thì quay tròn như cánh quạt; bộ phận khung tròn bảo vệ dao được làm bằng tôn hoặc tấm thép cũ; bộ phận chân máy giúp giữ thăng bằng; máy có trọng lượng khoảng 25 kg.

Điều đáng chú ý là tất cả bộ phận của máy thái chuối đều được làm từ tận dụng phế liệu sắt, thép, tôn, mô tơ cũ. Qua đó giúp máy có giá thành khá rẻ, chỉ khoảng gần 2 triệu đồng; trong khi chất lượng và công suất thái không thua kém bất cứ máy cùng loại nào.

Để chứng minh cho mọi người thấy, ông Thuận khởi động máy rồi đưa cây chuối dài hơn 1,5 mét vào máy thái. Chỉ trong một phút chiếc máy đã thái xong cây chuối. Chuối thái xong có thể sử dụng làm thức ăn cho heo, gà… được ngay vì đã xay nhuyễn. Ngoài thái chuối, máy còn thái được các loại rau, bèo và nhiều phụ phẩm nông nghiệp khác.


Theo ông Thuận, ý tưởng chế tạo máy thái chuối nảy sinh khi chứng kiến một người trong nhà dùng dao để băm chuối trong nhiều giờ liền mới nhuyễn khiến tay bị phồng rộp. Đang chăn nuôi 30 con heo, ông Nguyễn Bá Hùng, người cùng địa phương, cho biết: Chăn nuôi quy mô lớn thì phải cần nhiều lao động để chuẩn bị thức ăn. Kể từ khi dùng máy thái chuối của ông Thuận đã giúp giảm công lao động, rút ngắn thời gian chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi; qua đó, giúp tăng doanh thu.

 

Máy làm nhang do ông Thuận sáng chế. Ảnh: Bình Nguyên
Máy làm nhang do ông Thuận sáng chế. Ảnh: Bình Nguyên

… Đến các máy thông dụng và hơn thế nữa

Ngoài máy thái chuối, ông Thuận còn chế tạo ra máy làm nhang mà bộ phận chính làm từ nhông, xích xe máy đã bỏ đi. Máy làm nhang này không những giúp tăng năng suất lao động mà còn nâng chất lượng cho từng sản phẩm làm ra. Do máy có công năng nén nguyên liệu vào từng chiếc tăm rất chặt để tạo ra những que nhang tròn, đều và chắc.

Ngoài máy thái chuối, làm nhang; ông Thuận còn chế tạo ra máy nén có lực nén lên đến 50 tấn. Ông Thuận cho biết: Sắp tới sẽ cho “ra mắt” một số loại máy móc nữa vốn đã ấp ủ sáng chế từ lâu nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi...

Máy móc do ông Thuận sáng chế đã và đang được nhiều người tiêu dùng chấp nhận; đồng thời cũng đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bằng sáng chế. Nhưng ít ai biết được rằng, ông Thuận chỉ mới học đến lớp 11 rồi phải bỏ giữa chừng vì gia đình quá nghèo. Sau đó, ông Thuận vừa đi làm thuê vừa học nghề cơ khí ở một xưởng tư nhân trong thời gian ngắn. Sau khi dành dụm được ít vốn, ông Thuận theo học sơ cấp về đóng tàu với khoảng thời gian hơn hai năm. Ra trường, ông Thuận tự tìm việc để làm. Với “tay nghề” cao, ông Thuận được một công ty đóng tàu nhận vào làm việc. Trước khi trở về quê lập nghiệp tháng 7-2012, ông Thuận làm tổ trưởng tổ sản xuất trong công ty đóng tàu với mức lương 17 triệu đồng/tháng.

Sau hơn 10 năm làm ở công ty đóng tàu, ông Thuận trở về địa phương mở xưởng cơ khí với khoản đầu tư gần 100 triệu đồng. Ông Thuận, tâm sự: Về quê để được gần gia đình và dạy các con học tập. Hơn nữa, thấy người nông dân quê mình lao động cực nhọc nên muốn mở xưởng cơ khí, chế tạo ra máy móc giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn.

Bình Nguyên

Có thể bạn quan tâm