Phóng sự - Ký sự

Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ 1: Trích máu, nhịn ăn để vào Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc chiến thống nhất đất nước đầy máu xương, có một lực lượng đặc biệt tình nguyện đi B với… balô đầy sách. Thay vì cầm súng, họ lại cầm phấn, bút, dạy chữ phục vụ kháng chiến và tái thiết đất nước hậu chiến.
Thầy Hà Ngọc Đào với những kỷ vật đi B - Ảnh: TRUNG TÂN
Thầy Hà Ngọc Đào với những kỷ vật đi B - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong cuộc chiến thống nhất đất nước đầy máu xương, có một lực lượng đặc biệt tình nguyện đi B với… balô đầy sách. Thay vì cầm súng, họ lại cầm phấn, bút, dạy chữ phục vụ kháng chiến và tái thiết đất nước hậu chiến.
Có rất nhiều câu chuyện đặc biệt chưa kể về những thầy giáo - chiến sĩ này.
45 năm sau ngày đất nước thống nhất, đọc lại những trang nhật ký đã viết 55 năm trước, thầy giáo Hà Ngọc Đào (nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Đắk Lắk) vẫn bồi hồi như thời tuổi 20. Những trang nhật ký rực lửa hào khí tuổi trẻ "bạt Trường Sơn đi cứu nước".
Những đêm sắp lên đường, tâm trạng tôi thật khó tả, vừa mong nhanh về với các bà, các má trong Nam, với ruộng đồng thuở chăn trâu, cắt cỏ, nhưng cũng buồn vì sắp phải chia xa miền Bắc, nơi đồng bào đã nhịn ăn nhịn mặc nuôi học sinh miền Nam...
Trích nhật ký đi B của thầy Hà Ngọc Đào
Viết thư bằng máu để được đi B
"Chộn rộn quá. Tin thắng trận trong Nam bay ra càng dồn dập, càng náo nức hơn. Làm sao để nhanh chóng đứng trong hàng ngũ quân giải phóng. Cứ nghĩ đến hình ảnh anh giải phóng quân đội mũ tai bèo, mặc quân phục, thắt lưng mang lỉnh kỉnh biđông nước, nào võng, nào đạn... mà rạo rực, sướng rơn cả người" - trong nhật ký trước khi được duyệt đi B giữa năm 1965, thầy Hà Ngọc Đào, lúc đó 22 tuổi, viết.
Thời điểm lịch sử đó, thầy giáo Hà Ngọc Đào lo lắng mình sẽ không được chọn cho đi B vì quá nhẹ cân, lại là con trai độc nhất của một cán bộ tập kết. "Có phải ai xin cũng được đi đâu. Mình lại trong diện con một ở ngoài Bắc. Mình đi thì sướng đường mình, nhưng nghĩ thương ông cụ", nhật ký trước khi viết đơn xin đi B của nhà giáo Hà Ngọc Đào.
Thầy Đào kể lúc đó rất bất ngờ vì được ba đồng ý ngay bằng lá thư vắn tắt: "Vắng con, xa con, ba sẽ rất buồn. Nhưng không sao. Con hãy an lòng lên đường. Ba mong con chân cứng đá mềm, chúc con mạnh khỏe trưởng thành". 
Được ba ủng hộ, nhưng để được đi B, thầy Đào còn phải vượt qua đợt sát hạch gắt gao của Bộ Giáo dục và Bộ Quốc phòng. Một số kế hoạch và biện pháp được vạch ra trong đầu. "Chọn đi chọn lại, cuối cùng mình viết một bức thư bằng máu để gây ấn tượng với hai bộ", thầy Đào nhớ lại.
Tiếp đó, thầy Đào bí mật thực hiện kế hoạch nhịn ăn một tuần để luyện tập sức chịu đựng cho sau này vào chiến trường, nhưng vẫn đi dạy bình thường. Kèm theo huyết tâm thư là 18,41 đồng, tiền lương 3 tháng ủng hộ Bộ Quốc phòng. 
"Với chừng ấy nỗ lực, tháng 8-1965, phòng tổ chức cán bộ Sở Giáo dục Thanh Hóa mời tôi lên phổ biến chủ trương, kế hoạch chuẩn bị tập trung ra Hà Nội thao luyện để lên đường đi B", thầy Đào vui mừng.
Nhật ký thầy Đào còn có nhắc đến người yêu tên Chúc, những dằn vặt mà tuổi đôi mươi ông phải vượt qua để lên đường vì Tổ quốc. Khi đã vào tuổi "thất thập cổ lai hi", ông viết những dòng tâm sự cho tình yêu đẹp đầu đời: "Vì đất nước, vì cuộc chiến khốc liệt kéo dài, chúng ta không thành vợ thành chồng là điều dễ hiểu và phải chấp nhận. Nhưng chúng ta còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những đồng chí đã ngã xuống cho ngày hôm nay. Chúng ta phải làm sao để những đồng chí, bạn bè được an nghỉ và chúng ta không hổ thẹn".
Những trang nhật ký đầy hào khí yêu nước tuổi 20 - Ảnh: TRUNG TÂN
Những trang nhật ký đầy hào khí yêu nước tuổi 20 - Ảnh: TRUNG TÂN
Sách là vũ khí để vào Nam
Những ngày trước khi lên đường đi B, thầy Hà Ngọc Đào kể có đầy ắp kỷ niệm. Hàng ngàn giáo viên tập trung về Trường bổ túc Công nông trung ương (đóng tại Giáp Bát, Hà Nội) để huấn luyện. Họ được chia thành các "chi" tập luyện để sau này hành quân đi các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Thầy Đào kể ba tháng huấn luyện, ban ngày các giáo viên được giới thiệu về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam hoặc tình hình đối phương, lực lượng cách mạng các vùng miền. Lý thú nhất là lúc các đoàn cán bộ, chiến sĩ trong chiến trường đến thăm và báo cáo kinh nghiệm hoạt động trong vùng đối phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở sông nước, nội thành...
"Chúng tôi đặc biệt chú ý kinh nghiệm hành quân, tổ chức ăn uống hoặc chống càn quét, chống chiến tranh tâm lý. Ngoài ra là những mẹo nhỏ đi đường rừng khỏi lạc, nấu nướng vào mùa mưa, tránh khói lửa, chống vắt, rắn rết cắn, tránh lũ đột ngột... Bởi chẳng bao lâu nữa, những bài học lý thuyết này sẽ giúp chúng tôi trên hành trình đi B", thầy Đào hồi tưởng.
"Những buổi nghỉ, chúng tôi tập sắp xếp đồ đạc vào balô, vào thắt lưng để đưa được nhiều sách và thuốc men nhất. Nghiên cứu, học hỏi những đoàn đi trước, chúng tôi ưu tiên đưa thật nhiều sách giáo khoa. Phương án tối ưu để đưa thật nhiều là các cuốn sách đều bị lột bỏ bìa, những trang không có nội dung thiết thực (lời nói đầu, mục lục) và mỗi trang xén ba mặt phần không có chữ. Tính toán thật kỹ đã giảm được 20% trọng lượng mỗi cuốn.
Nhờ vậy, khi lên đường chúng tôi mang được thơ Tố Hữu, Truyện Kiều của Nguyễn Du, cuốn Sống như anh - nói về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hay Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Nikolai A. Ostrovsky... Những cuốn sách làm đi bộ thêm kiệt sức, oằn vai vì băng dốc, trượt ngã khi lội suối, nhưng không ai muốn bỏ lại. Những lúc mưa tầm tã không có củi khô, nhóm bếp lại cầm sách ra mân mê, nhưng rồi lại cất kỹ vào đáy balô", thầy Đào kể lại.
Nói thêm về việc bảo vệ sách giáo khoa, tài liệu như sinh mạng của mình, thầy giáo Nguyễn Trúc (nguyên phó Ty Giáo dục Đắk Lắk) kể trên đường hành quân dài gần nửa năm trời từ Hà Nội vào Đắk Lắk nếu không có những cuốn sách, những cuốn sổ nhật ký, những thầy giáo như ông sẽ mất đi nhiều sức mạnh tinh thần.
Thầy Trúc kể có một dạo trời mưa tầm tã suốt một tuần lễ, mỗi lần nhóm bếp để bắc cơm, nấu nước là phải đánh vật vài tiếng đồng hồ dưới cơn mưa rừng tầm tã. "Cô giáo Phương (Nguyễn Thị Phương, chuyên toán cấp 2, sau chuyển về TP.HCM, đã nghỉ hưu) phải tiếc đứt ruột, cắn răng xé chỉ một vài trang sách để lửa cháy, hong khô những chiếc cành nhỏ để nhóm bếp", thầy Trúc nhớ mãi.
Viết nhật ký như... nấu cơm không khói
Theo thầy Nguyễn Trúc, một trong những điều tối kỵ của chiến sĩ là viết nhật ký trên đường hành quân. Thế nhưng vốn có máu văn chương, lại thêm cái hào hùng cách mạng, vẻ đẹp thiên nhiên Trường Sơn đã thôi thúc những người thầy cầm bút ghi lại.
"Nguyên tắc là không được viết cụ thể về hành trình, điểm trú quân, kế hoạch... vì nếu bị bắt, mất tư trang sẽ lộ đường giao liên, nguy hiểm cho đồng đội. Vì vậy, dù chăm viết nhật ký, tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc này, như việc nhóm bếp không khói giữa rừng vậy", thầy Trúc lý giải.
Còn thầy Hà Ngọc Đào cho biết hành quân trên Trường Sơn hàng tháng trời và cuộc trường kỳ chiến đấu mấy chục năm thì radio và bút, sổ nhật ký là người bạn để người lính tựa vào, trút bầu tâm sự. Những cuốn nhật ký, những mảnh hồi ức ghi chép lại trong thời chiến đang được lưu giữ là tài liệu vô cùng quý giá trong thời bình hôm nay.
"Ngày 22-12-1965: nhai cơm vắt, uống nước nguội lúc 4h sáng. Lạnh ngắt từ miệng vô bụng. Ngày đi bộ đầu tiên. Balô nặng quá. Đường đất đỏ nhì nhoẹt vì mưa, vì sương mù, vì hơi nước từ núi nhả ra...".
Kỳ tới: Nhật ký vượt Trường Sơn
TRUNG TÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm