Phóng sự - Ký sự

Những "tiều phu" giữa Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hơn 12 năm nay, cái nghề “tiều phu” mót củi thật sự đã trở thành một nghề kiếm sống của hàng chục hộ dân nghèo tại ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Mưu sinh tại bãi rác cây xanh

Hàng ngày, hàng chục chiếc xe chở đầy cành cây, gốc cây gãy đổ ở khắp nơi trên địa bàn thành phố nối đuôi nhau tập kết đổ bỏ tại khu đất trống của công ty Công viên cây xanh thành phố, thuộc địa phận ấp 3, xã Đông Thạnh, Hóc Môn.

 

Bà Nguyễn Thị Ra (74 tuổi) ngày ngày vẫn đi mót và tự tay chặt từng nhánh củi.
Bà Nguyễn Thị Ra (74 tuổi) ngày ngày vẫn đi mót và tự tay chặt từng nhánh củi.

Dưới cái nắng như đổ lửa, hàng chục con người đang hì hục kéo từng cành cây trong một đống cành lá hỗn độn, được trút ra từ một chiếc xe tải lớn. Tiếng cưa máy phát ra giòn giã, tiếng “cọc cạch” của người đang chặt củi thật hối hả, chẳng ai nói chuyện với ai, mỗi người một góc, mạnh ai nấy làm.

Cứ thế, công việc của họ diễn ra liên tục, hết xe này rồi đến xe khác, thi thoảng họ mới tạm dừng tay nghỉ ngơi, mắc võng rồi đun nước uống ngay bên dưới cái lán dựng tạm, có người đã gắn bó với bãi rác cây xanh này từ những năm 1986, cũng có người mới vào đây sau hàng chục năm nhặt ve chai, làm công nhân… Nhưng điểm chung là tất cả họ đều đã già.

 

Kho chỉ ở rừng sâu, núi thẳm,… mới có nghề mót củi, thì điều đó thật sự sai lầm.
Kho chỉ ở rừng sâu, núi thẳm,… mới có nghề mót củi, thì điều đó thật sự sai lầm.

Củi tại đây sau khi được róc sạch lá, sẽ được bà con chặt khúc và chất thành đống ngay ngắn hai bên đường, với giá 250.000 đồng cho một xe ba gác củi, nếu có người mua thì trung bình mỗi ngày họ cũng kiếm được khoảng trên 300.000 đồng. Số tiền đó họ không dám xài vì sợ cuối tháng lại không đủ tiền đóng tiền nhà.

Ngồi trong lán, mặt nhễ nhại mồ hôi, bà Võ Thị Châu (50 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, Hóc Môn) cầm chiếc nón lá cũ mèm phe phẩy quạt, nói: “Đâu phải ngày nào cũng bán được, củi càng ngày càng nhiều, chất thành đống riết mục hết mấy chú thấy không, làm thì cực nhưng tiền không có bao nhiêu, có ngày nắng quá xỉu luôn”.

 

Củi sẽ được chặt thành khúc nhỏ, rồi chất thành đống ngay ngắn.
Củi sẽ được chặt thành khúc nhỏ, rồi chất thành đống ngay ngắn.

Có mặt từ rất sớm, bà Lê Thị Hồng (52 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, Hóc Môn) sục sạo trong đống cây, mà xe rác của công ty Công viên cây xanh vừa mới đổ, để tìm những cành to đem ra róc lá. Chỉ làm một mình nên đống củi của bà Hồng hơi "khiêm tốn" so với các hộ dân khác. Bà Hồng tâm sự: “Lúc trước tôi nhặt ve chai gần khu đất này, hàng ngày lục lọi trong đống xà bần để tìm sắt, nhưng nay bãi rác đó đã đóng cửa nên tôi mới vào đây nhặt củi”.

Nhặt củi hay hay nhặt sắt cũng vậy, tất cả đều vất vả như nhau, vì mưu sinh họ phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những đống củi của họ mỗi ngày chất cao hơn, nhưng người đến mua thì mỗi ngày một ít đi...

"Cuộc sống thì phải ráng thôi, chứ cực thấy mồ”

 

Hàng chục xe rác cây xanh đến đổ tại bãi rác này mỗi ngày.
Hàng chục xe rác cây xanh đến đổ tại bãi rác này mỗi ngày.

Bà Hồ Thị Tho (56 tuổi) làm công việc này đã mười mấy năm nay. Bà có một người con gái, nhưng vì không đủ điều kiện nên chỉ học đến lớp 11 rồi nghỉ. Chồng bà Tho làm phụ hồ, lương ba cọc ba đồng. Bà thì đi mót củi thế này, cũng chẳng được bao nhiêu.

Đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bà Tho tâm sự: “Sáng tôi tranh thủ làm xong công chuyện nhà, khoảng 8 giờ mấy là ra đây mót củi. Ai cũng phải đi sớm dọn dẹp cho gọn gàng đống củi của mình trước khi các xe rác lại về đổ đống. Đứng bóng thì nghỉ trưa một lát, rồi lại làm đến tận 5 - 6 giờ chiều. Cuộc sống thì phải ráng thôi, chứ cực thấy mồ”.

Bà Tho bám nghề nhặt củi này đã mười mấy năm nay. Đều đặn mỗi ngày, công việc của bà là lôi những nhành có thể lấy củi trong đống rác khổng lồ từ các xe thải cây xanh khắp thành phố đổ về. Sau đó bà róc sạch lá, tỉa gọn gàng và đưa lên xe đẩy chuyển ra điểm tập kết. Buổi chiều bà lại phải chặt củi thành từng khúc 3 tấc để chất thành đống và chờ khách đến mua. Mỗi xe ba gác chở 2 mét vuông củi được khoảng 250 nghìn. Mỗi tháng nhiều lắm bà cũng chỉ gom được 4 xe như thế.

 

Bà Lê Thị Hồng (52 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, Hóc Môn) sục sạo trong đống cây để tìm những cành to.
Bà Lê Thị Hồng (52 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, Hóc Môn) sục sạo trong đống cây để tìm những cành to.

Bà Lê Thị Hồng (52 tuổi) lại nhờ nghề “tiều phu” mà nuôi 2 đứa con cho đến ngày dựng vợ gả chồng. Chồng bà mất sớm, một mình bà bươn chải mưu sinh bằng đủ nghề: “Cây lá có khi đầy sâu, đụng phải là ngứa ngáy khắp người! Ngày nắng thì xuống sức lẹ lắm, có lần tôi mệt quá xỉu luôn. Còn trời mưa thì chỗ này lầy lội khỏi nói, đẩy xe không đi. Mà nắng mưa gì cũng ráng làm. Chén cơm mà”, bà Hồng bộc bạch về khó khăn trong công việc.

Tại bãi tập kết rác cây xanh này, lửa âm ỉ cháy suốt ngày đêm. Người ngoài không quen vào sẽ bị ngộp ngay, trong khi các “tiều phu” nơi đây lại phải hít thở bầu không khí khói bụi mỗi ngày. Còn chuyện xây xát, đứt tay đứt chân xảy ra như cơm bữa.

Làm việc “năng suất” nhất ở nơi đây có lẽ là gia đình bà Võ Thị Châu (50 tuổi), vì “đội ngũ tiều phu” gồm cả vợ chồng lẫn con rể bà. Bà trang bị cả cưa máy để tiện cắt củi to. Thường củi to sẽ có giá khá hơn, được thu mua để chuyển về các lò sấy gỗ, sấy hạt điều. Củi nhỏ sẽ bán cho các hàng quán cần hầm xương hoặc nấu bánh chưng, bánh tét…

 

Bà Hồ Thị Tho (56 tuổi) làm nghề này đã mười mấy năm nay.
Bà Hồ Thị Tho (56 tuổi) làm nghề này đã mười mấy năm nay.

Giải thích về nghề dân dã giữa Sài thành nhộn nhịp, bà Châu chỉ nói đơn giản: “Lúc đầu thấy người ta đổ bỏ cây xanh ở đây nên vào nhặt củi về chụm. Sau thấy nhiều quá nên gom lại bán đi, lâu dần thì thành cái nghề vậy thôi”.

Còn bà Nguyễn Thị Ra  vẫn ngày ngày đi mót và tự tay chặt từng nhánh củi dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Đang thoăn thoắt cây rựa trên tay, bà ngẩng đầu móm mém đùa khi thấy chúng tôi: “Có muốn làm nghề này không? Nắng mưa riết khỏe người lắm. Như tôi này, hoài không chết thấy không?”. Gia đình kêu bà nghỉ đi, nhưng bà bảo làm riết quen. Hôm nào bỏ là tay chân bà cứ bứt rứt không chịu được, vả lại còn có đồng ra đồng vô phụ con cháu.

Cứ vậy, những đống rác cây xanh cứ được tận thu hằng ngày nơi đây. Cái nghề tưởng chừng chỉ có ở núi rừng lại tồn tại giữa lòng đô thị sôi động bậc nhất đất nước, với những mảnh đời nghèo khó lầm lũi gom nhặt từng que củi mưu sinh. Những thứ vốn đã bỏ đi lại trở thành nguồn sống của họ và cả gia đình.

Phan Định - Hoài Nhân/thanhnien

Có thể bạn quan tâm