(GLO)- Dải biên cương của Tổ quốc đang khởi sắc từng ngày. Đằng sau sự thay da, đổi thịt ấy, có biết bao câu chuyện cảm động về những người lính Biên phòng đang ngày đêm bám trụ giữa “mưa rừng, gió núi”. Bằng những việc làm thiết thực, họ trở thành điểm tựa vững chắc, giúp người dân trên vùng biên viễn thoát khỏi đói nghèo và thắp sáng tương lai cho những mảnh đời bất hạnh…
Giúp dân phát triển kinh tế
Đến tận bây giờ, ông Rah Lan Khoan (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cũng không thể ngờ cuộc sống gia đình mình thay đổi nhanh đến vậy. Đã qua rồi cái thời lo chạy ăn từng bữa, bây giờ cuộc sống gia đình ông bước sang trang mới với bao niềm vui và hy vọng: “Trước đây, dù đất đai rộng, nhưng gia đình cũng chỉ biết trồng lúa rẫy, mì, bắp… Thế nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giúp đỡ giống, kỹ thuật để chuyển đổi 0,3 ha đất sang trồng tiêu, cuộc sống gia đình mình đã thay đổi, thu nhập ổn định hơn, không còn lo thiếu ăn…”-ông Khoan tâm sự. Cũng từ 340 trụ tiêu trồng thí điểm tại gia đình nhà ông Khoan, đến nay đã phát huy hiệu quả khi hàng chục người dân trong làng Mook Đen 2 học tập, nhân rộng lên đến hơn 3.000 trụ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ia Puch giúp dân thu hoạch mì. Ảnh: Lê Anh |
Cũng nhờ bàn tay của những người lính Đồn Biên phòng Ia Puch, từ cánh đồng hơn 20 ha bị bỏ hoang nhiều năm đã trở thành vựa lúa của người dân làng Chư Kó, xã Ia Puch, huyện Chư Prông. Có được kết quả này là hành trình gian nan sau nhiều đêm bám làng để vận động bà con. Dù vất vả giải thích, nhưng ban đầu cũng chỉ có gia đình ông Rơ Lan Hun tin lời bộ đội nói. Để có thể chứng minh cho bà con thấy hiệu quả từ việc trồng lúa nước, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Puch lại phải xắn tay xuống ruộng làm mẫu. Sau vụ đầu tiên, 1 ha lúa nước của gia đình Hun đã thu gần 5 tấn, cao gấp 5 lần so với trồng lúa rẫy. Thấy vậy, bà con ai nấy đều tự nguyện làm theo, chẳng mấy chốc cánh đồng lúa nước ở xã Ia Puch đã được phủ kín.
Ngoài những mô hình giúp dân làm kinh tế trên, còn nhiều mô hình khác như: mô hình trồng lúa nước Đồn Biên phòng Ia Nan, trồng cao su tiểu điền ở Đồn Biên phòng Pô Cô, mô hình cải tạo vườn điều ở Đồn Biên phòng Ia Mơr… tất cả đều phát huy hiệu quả, giúp người dân vùng biên thoát nghèo. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các đồn và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã giúp người dân lao động sản xuất trên 10.000 ngày công, làm mới 42 nhà vệ sinh, 500 mét đường cấp phối, tổ chức khám-chữa bệnh cho hàng ngàn người dân, giúp xóa đói, giảm nghèo cho 198 hộ dân và xây dựng 15 căn nhà nghĩa tình Trường Sơn với tổng kinh phí 675 triệu đồng, cùng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa khác... Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho biết: “Việc thực hiện các mô hình kinh tế giúp người dân các xã biên giới xóa đói, giảm nghèo là chủ trương của Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người lính với bà con nơi biên cương của Tổ quốc. Qua những việc làm thiết thực này, hình ảnh Bộ đội Biên phòng trở nên gần gũi, là điểm tựa vững chắc của nhân dân…”.
Những “người con” của lính Biên phòng
Trong những chuyến hành trình ngược lên vùng biên giới, giữa trùng điệp của núi rừng biên cương, chúng tôi được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về những người lính Biên phòng khi nhận đỡ đầu cho các em nhỏ mồ côi, các em có hoàn cảnh khó khăn...
Các chiến sĩ Biên phòng trò chuyện cùng bà con. Ảnh: Lê Anh |
Cha mất sớm, nhà nghèo, bản thân sinh ra đã bị những khiếm khuyết về cơ thể, tuổi thơ của cô bé Rơ Lah Bek (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) tưởng chừng sẽ trôi qua trong nỗi u buồn, lặng lẽ. Em chỉ ước, đến một ngày nào đó, em cũng được cắp sách đến trường, được đùa vui như những bạn bè cùng trang lứa. Nhưng gánh nặng mưu sinh khiến cho ước mơ của em trở nên xa vời, nếu không có một điều kỳ diệu của 4 năm về trước. Qua công tác nắm địa bàn, biết được hoàn cảnh khó khăn của em, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr đã quyết định quyên góp lập quỹ để hàng tháng giúp em và gia đình có nguồn kinh phí trang trải cuộc sống và để con đường đến trường của Rơ Lah Bek trở nên gần hơn. Thời gian thấm thoắt trôi, Rơ Lah Bek đã là cô học trò lớp 4, được sống giữa tình yêu thương của những người lính Biên phòng, nụ cười đã trở lại với em sau những tháng ngày buồn: “Em sẽ cố gắng học để sau này trở thành cô giáo và để không phụ lòng các chú đã giúp đỡ gia đình em…”-Rơ Lah Bek hồn nhiên chia sẻ với chúng tôi.
Trong số những “người con” của lính Biên phòng, em Siu H’Ly, làng Kuk, xã Ia O, huyện Ia Grai là người có hoàn cảnh éo le nhất. Sau cái đêm kinh hoàng của 8 năm về trước, chứng kiến cảnh cha mẹ bị dòng nước dữ cuốn trôi khi cố gắng vượt biên đi tìm “miền đất hứa”, em may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi được người dân cứu sống. Không gia đình, họ hàng người thân đều nghèo khó, những tưởng phía trước với em là một tương lai bất định, nhưng từ vòng tay yêu thương của những người lính Đồn Biên phòng Pô Cô đã thắp sáng lại cuộc đời em. H’Ly được nhận làm con nuôi của Đồn, 8 năm trôi qua, bây giờ em đã là cô học trò ngoan của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện, là niềm tự hào của những người cha mang tên… lính Biên phòng.
Cũng từ trái tim hồng của những người lính nơi biên giới, hàng tháng 9 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kinh phí học tập 200 ngàn đồng/tháng. Tổ chức bếp ăn tình thương cho 11 em học sinh dân tộc thiểu số thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, vận động 462 học sinh bỏ học trở lại trường, trích kinh phí gần 10 triệu đồng mua tặng dụng cụ học tập cho học sinh hiếu học…
Lê Anh