Niềm vui của người dân vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều thanh niên ở các xã vùng biên giới Ia O, Ia Chía của huyện Ia Grai vô cùng phấn khởi được khoác trên mình bộ quần áo công nhân màu xanh lục, từ mũ đến giày họ đều được cấp, họ thấy mình “thay đổi” hẳn. Vui hơn thế họ đã trở thành công nhân cao su của Công ty 715 (Binh đoàn 15).

Tinh thần gắn bó lâu dài

Hôm nay Siu H’Đuin làng Bía, xã Ia Chía cùng với 99 thanh niên của 14 làng thuộc 2 xã Ia O và Ia Chía rất vui mừng, phấn khởi. Siu H’Đuin dậy từ rất sớm, mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh đầy hy vọng để đi dự lễ “Tiếp nhận lao động người địa phương vào làm công nhân” của Công ty 715.

Siu H’Đuin tốt nghiệp trung cấp văn thư lưu trữ nhưng ra trường không xin được việc làm, 20 tuổi bắt chồng, 22 tuổi chồng Siu H’Đuin chết vì tai nạn lao động khi đang là công nhân của nhà máy thủy điện. Siu H’Đuin vô cùng đau buồn.

 

Công nhân mới đang được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cao su. Ảnh: P.L
Công nhân mới đang được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cao su. Ảnh: P.L

Không có việc làm, nương rẫy chả có là bao, cảnh mẹ góa con côi khiến H’Đuin như chới với giữa dòng nước xoáy. Trong lúc cơ cực thì Công ty 715 có chủ trương tuyển người địa phương tại chỗ vào làm công nhân. Siu H’Đuin như người sắp chết đuối vớ được phao bơi, nén đau thương, H’Đuin làm hồ sơ xin được làm công nhân và đã trúng tuyển. H’Đuin tâm sự: “Mình nghĩ làm công nhân cho Công ty là một điều tốt vừa gần nhà mà có thu nhập ổn định. Nhờ ông bà trông con mình có thể vượt qua gắn bó lâu dài với Công ty”.

Không riêng gì Siu H’Đuin mà tất cả 100 công nhân được tuyển dụng đợt 2 này đều rất phấn khởi. Họ vào làm công nhân với một tinh thần là làm sao để gắn bó lâu dài với Công ty. Đợt tuyển dụng này 100 công nhân đều là người dân tộc Jrai thuộc 14 làng của 2 xã Ia O và Ia Chía. Trong đó Ia Chía có 30 lao động, Ia O có 70 lao động. Trước đó Công ty 715 đã tuyển 79 lao động thuộc xã Ia O.

Thay đổi cách nghĩ cách làm

Dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, Công ty 715 được thực hiện 800 ha. Theo đó Công ty ký cam kết với tỉnh và huyện tuyển người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống xóa đói giảm nghèo tại vùng dự án.

Ông Phan Trung Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Thực hiện dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su Công ty có ký cam kết với địa phương là sẽ tuyển 70% là người tại chỗ vào làm công nhân. Để thực hiện cam kết này thì vừa qua, huyện phối hợp với Công ty thành lập Ban chỉ đạo để xuống từng xã tổ chức tuyên truyền vận động thu hút thanh niên tại chỗ vào làm công nhân. Bước đầu tuyển được 79 lao động tại chỗ vào làm giai đoạn I. Hiện nay tiếp tục giai đoạn II tuyển dụng thêm 100 lao động. Để đảm bảo tỷ lệ là 70%, Công ty đã thực hiện đúng cam kết này và đã làm rất tốt”.

Để đảm bảo dự án đạt hiệu quả, cây cao su phát triển tốt đạt năng suất, nâng cao đời sống cho công nhân là một quá trình hết sức nan giải. Muốn làm được điều này ngoài những điều kiện của Công ty đối với công nhân thì điều quan trọng là người công nhân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phải thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” thay đổi “phong tục tập quán” lạc hậu mới có thể “đổi đời”. Khi công nhân tuyển dụng mới phải thử việc 2 tháng.

Trong thời gian thử việc người lao động phải làm quen với nội quy lao động như: chấp hành tốt thời gian làm việc; thực hiện nghiêm quy định kỹ thuật chăm sóc vườn cây cao su… Sau 2 tháng thử việc công ty kiểm tra đủ điều kiện người lao động trở thành công nhân chính thức và được hưởng chế độ theo quy định. Mỗi công nhân sẽ được giao khoán chăm sóc, bảo vệ, khai thác 4 ha cao su, lương ban đầu 5 triệu đồng/tháng.

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp công nhân địa phương tại chỗ sau 2 tháng thử việc đã không đạt yêu cầu. Cũng có nhiều trường hợp quen với lối lao động “trưa không vội tối không cần” nên đã tự ý nghỉ việc gây khó khăn cho Công ty thực hiện cam kết. Làm sao để người lao động gắn bó đời mình với vườn cây cần sự phối hợp của chính quyền địa phương với Công ty và người lao động.

Đến nay Công ty 715 có 4.000 ha cao su, trong đó có 2.100 ha cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Công ty có 1.800 công nhân, trong đó có 400 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ và những công nhân này đều có mức thu nhập ổn định.

Phương Loan

Có thể bạn quan tâm