Niềm vui từ cây cầu qua suối Đục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 tuần nay, người dân làng Điện Biên (xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) rất phấn khởi vì ước mơ về một cây cầu mới đã thành hiện thực, giúp bà con đi lại dễ dàng. 
Trước đây, để đi đến khu vực sản xuất có diện tích 200 ha, người dân làng Điện Biên phải đi qua suối Đục. Con suối không chỉ gây trở ngại về giao thông mà còn tiềm ẩn nguy hiểm mỗi khi nước lũ tràn về.
Để vượt qua suối Đục, năm 2011, người dân đã dựng cầu tạm bằng những tấm ván gỗ ghép vào nhau. Cây cầu gỗ tạm bợ này chỉ đủ chỗ cho người đi bộ, đi xe máy chạy qua. Vào mùa mưa, nước tràn qua, cuốn phăng mọi thứ, hiểm họa luôn chực chờ. Vì vậy, dân làng gặp muôn vàn khó khăn khi đi lại và vận chuyển nông sản.
Ông Đinh Rơ Rứa còn nhớ như in những mùa mưa bão dữ dội, cuốn phăng mọi thứ trên cây cầu gỗ chông chênh, tạm bợ ấy. “Mỗi khi mùa mưa đến, dù rất sợ, nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng đi qua cầu để đến rẫy cà phê. Năm nào lũ cũng cuốn trôi vài tấm ván gỗ cùng 2-3 người đi qua cầu. Nhưng may mắn là họ đều biết bơi nên thoát chết. Cây cầu cũng đã phải chắp vá rất nhiều lần khi bị hư hỏng”-ông Rứa kể.
Có cây cầu mới, người dân làng Điện Biên (xã Sơn Lang, huyện Kbang) thuận lợi trong việc đi lại. Ảnh: Ngọc Thu
Có cây cầu mới, người dân làng Điện Biên (xã Sơn Lang, huyện Kbang) thuận lợi trong việc đi lại. Ảnh: Ngọc Thu
Nỗi ám ảnh về cây cầu gỗ mất an toàn của người dân làng Điện Biên đã được xóa bỏ khi công trình cầu dân sinh bắc qua suối Đục đã được khánh thành. Cây cầu có chiều dài 12,2 m, rộng 4 m được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.
Trong đó, nguồn kinh phí huyện hơn 111,7 triệu đồng, nguồn kinh phí do bà Nguyễn Thị Mai Phương-Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cùng với Sở Khoa học và Công nghệ vận động hỗ trợ 380 triệu đồng. Các đơn vị tài trợ gồm: Công ty TNHH một thành viên Hưng Thịnh Phát, Công ty Airtech Thế Long-Hà Nội, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Gia Lai... Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, thi công đảm bảo chất lượng, đúng theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Ngọc Cường-Chủ tịch Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: “Ngay sau khi thống nhất các nội dung hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ đã nhanh chóng phối hợp với UBND huyện Kbang để lựa chọn công trình tại vùng sâu, vùng khó khăn của huyện. Đồng thời, mời đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế công trình, dự toán kinh phí và lựa chọn đơn vị thi công đảm bảo đáp ứng được yêu cầu chất lượng cũng như tiến độ, tiêu chí công trình đã đề ra. Ngoài ra, Sở cũng vận động các nhà tài trợ hỗ trợ 50 suất quà giúp người dân làng Điện Biên vượt qua khó khăn”.
Sau gần 40 ngày thi công, công trình đã hoàn thành, thay thế cây cầu gỗ xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn. Cây cầu mới kết nối từ trung tâm làng Điện Biên sang khu vực sản xuất rộng hơn 200 ha. 
Cây cầu mới được khánh thành trong sự hân hoan của dân làng Điện Biên
Cây cầu mới được khánh thành trong sự hân hoan của dân làng Điện Biên (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Thu
Ông Lê Quý Truyền-Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho hay: “Sau khi nhận được quyết định xây dựng cây cầu mới cho dân làng Điện Biên, xã phối hợp với đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Đồng thời, nhanh chóng vận động bà con giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đơn vị thi công bằng cách góp ngày công đổ bê tông, ráp khung sắt và những phần việc cần lao động phổ thông khác để công trình sớm hoàn thành. Đến nay, cây cầu mới được đưa vào sử dụng, bà con càng thêm vui mừng, yên tâm lao động sản xuất”.
Ông Đinh Minh Bang phấn khởi nói: “Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, tôi không dám đi qua cầu đến nơi sản xuất. Giờ có cây cầu mới vững chắc rồi, tôi rất vui vì có thể đi lại an toàn, tiếp tục lao động sản xuất và chở cà phê, phân bón qua cầu dễ dàng”.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương chia sẻ: Qua khảo sát, vận động, chúng tôi đã quyết định chọn xây dựng cây cầu bắc qua suối Đục của làng Điện Biên để thay thế cây cầu cũ. Cây cầu mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ giúp bà con thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản; thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Sắp đến, tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ để giúp đỡ bà con ở các xã nghèo của tỉnh Gia Lai bằng nhiều cách khác nhau; hỗ trợ các em học sinh đến trường, xây nhà tình thương, sửa chữa các cây cầu...
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm