Nỗi buồn Plei Bông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Xu Man-cái tên không xa lạ với những ai yêu văn hóa và nghệ thuật Tây Nguyên. Đó là người họa sĩ tài năng, được “sinh ra để vẽ” với các tác phẩm từng gây ấn tượng mạnh với công chúng về đề tài Bác Hồ với Tây Nguyên… Gần 10 năm rời khỏi cõi trần, họa sĩ Xu Man vẫn được các thế hệ đời sau nhắc tới với sự ngưỡng mộ, yêu mến và kính phục. Và câu chuyện xoay quanh cố nghệ sĩ tài hoa-niềm tự hào của người dân Tây Nguyên vẫn còn đó nhiều trăn trở…
 

 Ngôi nhà của cố họa sĩ Xu Man, nay là nơi ở của gia đình con trai út. Ảnh: Lê Hòa
Ngôi nhà của cố họa sĩ Xu Man, nay là nơi ở của gia đình con trai út. Ảnh: Lê Hòa

1. Một chiều tháng 6 nắng chói chang, tôi tìm về Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang)-quê hương của cố họa sĩ Xu Man. Con đường nhựa nhỏ len dưới những tán thông xanh ngắt, xa xa là những dãy núi xanh thẫm, vời vợi uy nghi của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nắng chiều vàng rực rỡ, mùi khói thơm của rơm rạ ngày mùa như khiến lòng người cảm thấy yên bình hơn, gần gũi, thân thuộc hơn.

…Đường dẫn vào nhà cố họa sĩ Xu Man được một người dân chỉ lối tốt bụng đánh dấu bằng ngôi trường học. Từ trục chính rẽ vào chừng trăm mét, “ngôi nhà nào xây kiểu cổ nhất thì ấy chính là nhà họa sĩ Xu Man. Nhà của Nhà nước xây tặng ông ấy đấy”-chị chỉ đường tận tình mô tả.

Nhà cũ kỹ và im ắng, chỉ có đám trẻ con vui đùa ngoài bóng cây mít sát đường. Gọi mãi, Tra-con dâu của cố họa sĩ lấp ló nhìn qua ô cửa sổ, ngơ ngác vì thấy khách lạ. “Mình ốm nên ở nhà nghỉ và chăm đứa con út. Chồng con lên rẫy hết”-chị Tra bảo.

Chị Tra là con dâu út của cố họa sĩ Xu Man. Ông có 2 người con trai, con lớn tên Chạy hiện sống cùng vợ con trong ngôi nhà sát bên. Vợ chồng con trai út tiếp quản và sinh sống trong ngôi nhà trước đây cố họa sĩ từng sống. “Vợ chồng anh Chạy có 9 người con, chúng đều bắt vợ, bắt chồng và ở làng làm nương rẫy. Vợ chồng mình cũng có tới 8 người con, đứa út mới 4 tuổi thôi. Cả nhà có mỗi cái Daih vẽ rất đẹp nhưng chỉ học hết lớp 9 hệ bổ túc xong rồi nghỉ. Không có ai theo được nghiệp của ông nội hết”-chị Tra chậm rãi kể.

Trong ngôi nhà xưa nơi vợ chồng họa sĩ Xu Man từng sống và nay là nơi cư ngụ của 10 con người cả con và cháu không có một vật dụng nào đáng giá. Già Ngiưng, năm nay 87 tuổi, từng là bạn rất thân thời nhỏ khi Xu Man còn sống ở làng nói: “Ngày nhỏ Xu Man nó lanh lợi lắm. Nó vẽ đẹp thì cả vùng này ai chẳng biết, nhiều lúc người lớn người nhỏ còn rủ nhau kéo đến nhà Xu Man để xem nó vẽ. Ấy vậy mà giờ làng có giữ bức tranh nào của nó đâu. Có kể lại với con cháu thì cũng biết nói vậy thôi…”.

2. Mộ của họa sĩ tài hoa cũng giống như hàng trăm ngôi mộ khác trong khu nhà mồ của làng, thậm chí còn giản dị hơn. Mộ ông và vợ nằm cạnh nhau. Trên tấm bia ghi những dòng thông tin ít ỏi và cũng không được thẳng thớm, nắn nót về họ tên, ngày tháng năm sinh/mất của hai người. Theo lời Khách-một đứa cháu họ của cố họa sĩ thì, gia đình đã làm lễ bỏ mả được khá lâu nhưng thi thoảng vẫn có người tới thăm nom, dọn dẹp để nơi yên nghỉ của cố họa sĩ và vợ luôn sạch sẽ, tươm tất.

Trước đó, trong một buổi nói chuyện trà dư tửu hậu, họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Gia Lai, từng chia sẻ tâm trạng băn khoăn, ngậm ngùi của nhiều văn nghệ sĩ tỉnh bạn khi được đưa đến thăm mộ cố họa sĩ Xu Man. “Tuy họ không trách ra mặt nhưng trách trong lòng. Vì ngôi mộ của một cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên, người đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh năm 2012 dường như vẫn chưa tương xứng với tầm vóc sự nghiệp của ông”-họa sĩ Lê Hùng nói. Vì vậy, ước mong của anh em họa sĩ và văn nghệ sĩ nói chung là tỉnh  có sự quan tâm để cố họa sĩ Xu Man có một ngôi mộ đẹp hơn, khang trang và xứng tầm hơn.

 

 Daih và những bức tranh em đã vẽ. Ảnh: Lê Hòa
Daih và những bức tranh em đã vẽ. Ảnh: Lê Hòa

3. Daih mặt vẫn lấm lem bùn đất, gương mặt đen sạm, già hơn so với tuổi 23 của em. Daih đưa cho tôi xem những bức tranh em vẽ, hàng chục bức chân dung khắc họa những nhân vật do em tưởng tượng ra. Bức thích nhất, em treo vào một chiếc khung kính cũ kỹ và không vừa vặn bởi được em tận dụng ở đâu đó.

- Em vẽ những bức tranh này lúc nào?

- Hết giờ làm trên rẫy, thường tối, trưa hay ngày thảnh thơi em vẽ.

- Em có thích làm họa sĩ không?

- Em rất thích vẽ và mơ ước được làm cô giáo dạy vẽ nhưng nhà em nghèo, em phải nghỉ học và đi làm rẫy.

Mắt cô bé ngấn lên vì xúc động và có lẽ, xen một chút tủi thân. Tôi bảo với Daih rằng, ông nội Xu Man là họa sĩ tài hoa lắm nhưng ông chỉ vẽ tranh tập thể thôi. Chị đọc báo thấy bảo, cứ đụng đến chân dung là ông “ngán” lắm. Vậy nhưng, em lại chỉ thích vẽ chân dung. Em bù vào mảnh đất mà ngày xưa nội “bỏ ngỏ” đấy. Daih ngơ ngác “dạ!”.

Khách-cậu bé họ hàng xa từng đi bộ đội về, rất thông thạo tiếng Kinh và tự tin giao tiếp với người lạ, kể lại rằng: Ngày em đi bộ đội, cái Daih nó viết thư cho em. Nó bảo nó thích được vẽ, thích được dạy vẽ và nhờ em tư vấn cho nó phải làm sao?... Em nói với nó nhiều lắm. Rằng ở trên phố có Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai dạy giáo viên vẽ hoặc nó có thể học tại Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật cũng có, Daih cố gắng học lên đi. Vậy nhưng, Daih nó bảo, nhà nó nghèo, đông em, tiền đâu đi học. Ít lâu sau thì được tin nó nghỉ học rồi, từ đó ở nhà làm rẫy và vẽ cầm chừng.

Không hiểu sao, lúc ấy trong lòng tôi dấy lên một nỗi buồn khôn tả…

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm