Nỗi đau của người mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Con có ăn cắp gì của ai? Sao mẹ lại nói con như thế?”- nói xong Siu Ngoan cười khanh khách rồi ngùng ngoằng bỏ đi. Bà Thảo lắc đầu “đó là giây phút nó tỉnh nhất đấy, chú à”...

Từ niềm hy vọng

Trong căn nhà cũ kỹ của người chồng sau, bà Thảo ngồi như bất động kể về những biến cố của gia đình mình. Siu Sáng (SN 1978), Siu Ngoan (SN 1981) và Siu Phượng (SN 1984) là ba người con của bà với ông Siu Bu (chồng trước). Từ nhỏ cho đến khi học THPT, cả ba đều học rất giỏi và ngoan hiền. Siu Sáng là học sinh của Trường Thiếu sinh quân Gia Lai, năm nào cũng là học sinh giỏi. Năm 1996, khi ông Siu Bu qua đời, Sáng bỗng nhiên hoảng loạn rồi lâm vào tình cảnh lúc tỉnh, lúc điên. Sau đó, Sáng được nhà trường cho về chữa bệnh. Một thời gian sau, khi bệnh thuyên giảm, Sáng được nhận vào làm việc tại Ủy ban MTTQ huyện Kông Chro. Tại đây, Sáng luôn là người năng nổ và hoàn thành tốt công việc. Lúc này, Siu Ngoan đang học năm thứ 2 Trường Trung cấp Y tế Gia Lai. Cả hai là niềm hy vọng của gia đình. Nhưng niềm vui Sáng hết bệnh chưa được bao lâu thì Ngoan bắt đầu có những biểu hiện lạ, thường đi lang thang, im lặng trước mọi người và rất sợ nước. Ngoan cũng phải bỏ học giữa chừng.

Bà Thảo bên căn phòng của các con. Ảnh: Lê Anh
Bà Thảo bên căn phòng của các con. Ảnh: Lê Anh
Nhưng chẳng bao lâu sau, Siu Sáng phát bệnh trở lại. Thời gian trôi qua, bệnh tình của Ngoan và Sáng ngày càng nặng dần trong sự bất lực của gia đình và các bác sĩ. Niềm hy vọng cuối cùng của bà Thảo dồn cho người con trai út- Siu Phượng. Nhưng nỗi đau lại một lần nữa ập đến, khi đến năm lớp 12, Phượng lầm lì, ít nói và trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì. Dù cố gắng không tin, nhưng bà Thảo lại thêm một lần đón nhận tin dữ: Phượng cũng mắc bệnh như anh, chị mình.


Đến nỗi ám ảnh

Bà Thảo dẫn tôi xuống căn nhà dưới dành riêng cho ba người con của bà. Chỉ tay vào chiếc giường xếp có người đang trùm chăn nằm ngủ, bà buồn rầu: “Con Siu Ngoan đấy chú. Nó ăn ngủ, đi vệ sinh cũng ở đó luôn. Năm trước, tôi có đưa nó xuống bệnh viện tâm thần ở Quy Nhơn nhưng không biết bằng cách nào nó trốn ra được, thuê xe ôm về nhà, rồi bắt con heo trong chuồng ra trả. Giờ tôi không biết làm sao, nước mắt cũng cạn rồi…”. Đoạn, bà chỉ lên di ảnh của Siu Phượng: “Năm ngoái, nó đi lang thang rồi rơi xuống ao chết đuối”.

Ánh mắt của người đàn bà vừa bước sang tuổi 60 ngấn lệ. Nỗi ám ảnh của bà không phải căn bệnh của con, vì nó xảy ra lâu quá rồi, bà cũng quen dần và trở nên chai sạn. Bây giờ, bà sợ nhất là Siu Sáng, Siu Ngoan đi lang thang rồi ăn cắp, đập phá tài sản của người khác: “Lâu lâu lại có người đến báo tụi nó ăn cắp, đập phá nhà họ. Tôi phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền để đền rồi. Nhiều khi thằng Sáng cũng tìm đường về nhà nhưng cứ lén lút như người ăn trộm, hở ra cái gì nó lấy cái đó rồi mang đi. Có ba mảnh đất cũng đã bán hết để chạy chữa cho chúng. Giờ chỉ còn dựa vào đồng lương ít ỏi của tôi và tiền trợ cấp 360.000 đồng của chúng để sống thôi…”. 

Những lúc bệnh nặng, Sáng, Ngoan vác cuốc, búa đuổi đánh mẹ đến bầm tím cả người... Hơn mười năm, bao nhiêu bất hạnh đổ xuống, giờ tóc bà Thảo bạc trắng. Nhiều khi bà muốn kết thúc cuộc đời mình để thoát khỏi cảnh đau buồn nhưng nghĩ đến những đứa con, bà lại tiếp tục sống: “Tôi mà chết đi, không biết tụi nó sẽ sống ra sao. Con mình rứt ruột đẻ ra, dù thế nào cũng không thể bỏ chúng được”- bà tâm sự trong nước mắt.
…Trong cái nắng gắt của trưa tháng 8, người mẹ già lại xách ăng-gô cơm lầm lũi đi tìm Siu Sáng.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm