Nỗi đau không sao bù đắp được

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi những cơn gió lạnh mang theo mùa xuân về đã cận kề, thì thôn Ia Rôk, xã Chư H'drông, TP. Pleiku lại bị bao trùm bởi không khí tang tóc, đau thương đặc quánh.
 

Trong căn nhà nhỏ xập xệ, vợ chồng anh Phạm Công Tiến và chị Trương Thị Hạnh vẫn lặng người đi vì không thể tin rằng 2 đứa con của mình đã ra đi vĩnh viễn. Chị Hạnh đờ đẫn đến điên dại. Chị gào tên hai đứa con. Anh Tiến ngồi lặng im, nước mắt lăn dài trên gương mặt đã nhiều lắm những vết nhăn. Khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông 32 tuổi này như già thêm vài chục tuổi. Người đàn ông mạnh mẽ nhất, nơi làm chỗ dựa, làm lá chắn cho gia đình có lẽ cũng đã gục ngã trước nỗi đau vô bờ. 
 

Người dân thôn Ia Rôk chia sẻ nỗi đau cùng gia đình anh Tiến. Ảnh: Văn Ngọc
Người dân thôn Ia Rôk chia sẻ nỗi đau cùng gia đình anh Tiến. Ảnh: Văn Ngọc

Câu chuyện về hai đứa con luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào. Anh Tiến kể: Như thường lệ, khoảng hơn 17 giờ 22-1, hai đứa con của anh là em Phạm Kiều Vi (sinh năm 2004, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nay Der) cùng đứa em trai của mình là Phạm Văn Đồng (sinh năm 2006, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Nay Der) trở về nhà sau buổi chiều đi học. Hai vợ chồng anh chị đi làm chưa về, nên hai chị em Vi dắt nhau đi chơi xung quanh ngôi làng nhỏ.

Khoảng 18 giờ, hai vợ chồng anh Tiến trở về nhà sau ngày làm bốc vác thuê mệt nhọc. Anh bỗng cảm thấy thiếu điều gì đó. Con ngõ vào nhà mọi khi vẫn ríu rít tiếng hai đứa con đón bố mẹ nay bỗng im bặt mà lạnh tanh. Anh Tiến cất tiếng gọi vang nhưng không một ai trả lời. Đúng lúc này, chị Quách Thị Phượng-hàng xóm nhà sát bên của anh Tiến chạy sang bảo: “3 đứa nó đi học về rủ nhau đi chơi rồi”. Chị Phượng cùng chồng là anh Nguyễn Ngọc Lân cũng vội vàng cất tiếng gọi con của mình là cháu Nguyễn Trọng Phát (sinh năm 2005, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nay Der) nhưng cũng không thấy tiếng đứa trẻ nào cất lên.

 

Ảnh: Văn Ngọc
Ảnh: Văn Ngọc

Linh tính có điều chẳng lành, mọi người liền sục sạo tìm kiếm khắp nơi xung quanh. Khi đến hồ nước cách nhà khoảng hơn 500 mét, anh Tiến phát hiện chiếc dép của con mình nổi trên mặt nước. Anh thẫn thờ, chết lặng nhưng vẫn hy vọng nhỏ nhoi rằng không có điều gì đáng tiếc. Anh nghẹn ngào: "Tôi rùng mình, sợ các cháu bị rơi xuống hồ, nhưng tôi không dám nghĩ đến nữa, tôi không bao giờ dám tin đó là sự thật cả". Đến khi một thanh niên trong làng lặn xuống hồ sâu hơn 2 mét để bế thi thể 3 đứa bé lên thì mọi hy vọng đó đã bị dập tắt. Thay vào đó là nỗi đau tột cùng không chỉ cho hai gia đình mà cũng khiến những người làng Ia Rôk quặn thắt lòng. Ba sinh linh bé bỏng ôm lấy nhau giữa hồ nước lạnh lẽo sẽ mãi mãi hằn sâu vào tâm trí những người dân ở đây.

Tối 22-1, hai ngôi nhà nhỏ ở thôn Ia Rôk đặc nghẹn những tiếc khóc, tiếng gào. Người làng kéo nhau đến, mỗi người một tay cùng gia đình lo tang lễ cho những đứa bé xấu số. Nhiều người đã không thể kìm được nước mắt trước hoàn cảnh của hai gia đình. Không có nhiều đất đai canh tác, vợ chồng anh Tiến đành đi bốc vác thuê để kiếm tiền nuôi hai đứa con kháu khỉnh được ăn học như chúng bạn. "Mỗi ngày làm việc vất vả cũng không được bao nhiêu tiền. Nhưng mỗi khi về nhà, lại được thấy chúng nô đùa, lại nghe tiếng chúng cười, khóc, nũng nịu thì mọi nỗi mệt nhọc cũng được xua tan cả. Vợ chồng tôi cố làm thêm vài ngày cuối năm này để sắm sửa cho hai đứa bộ đồ mới thế mà..." -anh Tiến run run.

Gia cảnh của nhà anh Lân, chị Phượng cũng chẳng khá hơn. Chị Phượng bị bệnh tim, nên sau khi sinh cháu Phát bác sĩ đã khuyến cáo không nên sinh đẻ thêm. Lao động duy nhất trong gia đình là anh Lân. Một mình đôi vai người đàn ông này đã gánh vác mọi công việc để kiếm những đồng tiền ít ỏi cho vợ chữa bệnh, cho con cắp sách đến trường.

Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, những đứa bé chính là món quà lớn nhất của gia đình anh Tiến, anh Lân. Thế nhưng, chỉ trong một khoảnh khắc, anh chị đã mất đi "báu vật", máu mủ ruột già của mình. Rồi tháng ngày sắp tới của anh chị sẽ là những hoang hoải, những khoảng trống vô tận, nơi chỉ có nỗi đau không thể bù đắp.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm