Phóng sự - Ký sự

Nỗi đau thời bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ngay trong thời bình, một cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Đó là cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy ám ảnh và đau thương giữa nhiều người, nhiều gia đình và cả xã hội với hậu quả chất độc da cam để lại từ chiến tranh.

Ngày 10/8 năm nay thật đẹp, với trời xanh, mây trắng, nắng vàng và gió nhẹ. Từ sáng sớm nhà chị H. đã có khách, là đại diện hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên xã đến thăm cháu T- con chị.

Mấy người hàng xóm cũng ghé qua chơi, giúp chị H. tiếp khách. Cuộc trò chuyện có làm vơi bớt nét u sầu trên gương mặt gầy gò của chị H.

Trong khi đó, T- một thiếu niên 14 tuổi, đối tượng của cuộc thăm hỏi hôm nay, nằm trên chiếc chiếu nhựa trải giữa nhà. Cậu sẽ cười khi vui, gồng cứng người khi khó chịu, và lúc lắc đầu khi không hài lòng điều gì.

Thỉnh thoảng cậu ta mỉm cười với mọi người. Nhưng cũng thỉnh thoảng lại gào thét. Đó là chuyện "thường nhật", theo nghĩa đen, trong đời sống của gia đình chị H. Nhiều năm qua, mọi người đã quen với điều này.

Có ai mà ngờ được, số phận của cậu bé đang nằm trên tấm chiếu giữa nhà, và rất nhiều người khác, lại được định đoạt từ… hơn 60 năm về trước.

Chăm sóc trẻ em bị khuyết tật do di chứng từ chất độc da cam tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: TH

Chăm sóc trẻ em bị khuyết tật do di chứng từ chất độc da cam tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: TH

Ngày 10/8/1961, chuyến bay đầu tiên rải chất diệt cỏ xuống những cánh rừng dọc đường 14 ở Kon Tum, đánh dấu việc Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường Việt Nam.

Liên tiếp trong các năm 1962, 1963, 1964, 1965, 1969, 1970 và 1971, hơn 20.000 chuyến bay đã rải 31 nghìn lít chất độc màu xanh lá, 464 nghìn lít chất độc màu hồng, 548 nghìn lít chất độc màu tím, 8,2 triệu lít chất độc màu lam, 19,8 triệu lít chất độc màu trắng, 44 triệu lít chất độc màu da cam xuống núi rừng, sông ngòi, đồng ruộng miền Nam, Tây Nguyên.

Riêng ở Kon Tum, các cánh rừng đã phải gánh chịu 346.000 lít chất độc hóa học, trong đó có hơn 34.000 lít chất độc da cam. Chất độc da cam là một trong 4 loại chứa dioxin, lần lượt theo hàm lượng từ cao tới thấp, là hồng, xanh lá, tím và da cam.

Những màu sắc vốn đem lại nét đẹp cho cầu vồng sau mưa lại trở thành biểu tượng của chết chóc, đau thương kéo dài nhiều thế hệ.

Và rất nhiều chiến sĩ Quân giải phóng đã đi dưới “cầu vồng hóa học” rực rỡ ấy. Trong số đó, có ông nội của T., tức bố chồng của chị H. Khi ấy ông đang ở độ tuổi đôi mươi.

Trong nhiều cánh rừng mà ông bước qua trong chiến tranh, có những cánh rừng phủ một lớp chất lỏng được máy bay Mỹ rải xuống. Họ biết đó là thuốc diệt cây cỏ, nhưng không biết rằng thứ chất lỏng ấy sẽ quyết định phần đời của mình nhiều năm về sau.

Giải ngũ, ông không về quê mà ở lại Kon Tum lấy vợ sinh con. Trong suy nghĩ của ông không hề có khái niệm về “chất độc da cam”, dù các con ông đều có khuyết tật bẩm sinh.

Thế hệ thứ hai lớn lên, lần lượt lập gia đình. Những đứa cháu cũng lần lượt ra đời, may thay có những đứa lành lặn, nhưng vài đứa bị dị tật. Còn T. thì nặng nhất, em được phát hiện bại não khi 5 tuổi.

Súng đạn không làm những chiến binh chùn bước, nhưng họ lại gục ngã khi đối diện với việc con cháu bị dị dạng, dị tật, đang ngày đêm sống trong trong đau khổ, nghèo đói và bệnh tật bởi di chứng của chất độc da cam để lại.

Cách đây 3 năm bố T. mất vì ung thư. Còn ông nội cũng không còn sức lao động, tay chân cứ sưng lên, đau nhức và mất cách đây chưa lâu.

Nhiều người tin rằng chất độc da cam đã để lại di chứng tới đời thứ ba trong gia đình ông. Chị H. cũng cho là vậy.

“Chất độc da cam” bây giờ trở thành tên gọi chung cho dioxin và những nỗi đau mà nó để lại trên cơ thể con người, với các căn bệnh nan y gây tử vong; các bệnh lý nghiêm trọng, dị tật bẩm sinh, tổn thương thần kinh không thể phục hồi.

Nhiều gia đình có ít nhất một thành viên khuyết tật. Lực lượng lao động bị ảnh hưởng khi người lớn khỏe mạnh trong các gia đình phải dành một phần thời gian để chăm sóc những người thân bị tàn tật.

Thu nhập hộ gia đình thấp trong khi chi phí chăm sóc y tế cao khiến đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Hơn ai hết, họ rất cần nhận được sự trợ giúp.

Ít nhất là sự thừa nhận “tư cách nạn nhân chất độc da cam” cho thế hệ thứ 3, thứ 4, để có khoản trợ cấp nhất định hàng tháng.

Nhưng không phải cứ muốn là được. Các cơ quan chức năng thì không thể thừa nhận điều đó, dù muốn, bởi sự ràng buộc từ các quy định hiện hành.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 cũng chỉ có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ được hưởng trợ cấp, nhưng đến cháu thì không.

Số liệu đến năm 2022 ghi nhận, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 3.700 gia đình với gần 8 nghìn người nghi bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tin rằng trong đó có nhiều nạn nhân thế hệ thứ 3, thậm chí thứ 4.

Nhưng tính đến tháng 3/2023, mới có 846 nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, bao gồm 609 người hoạt động kháng chiến, 237 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Tham quan Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” tổ chức tại tỉnh Kon Tum, tháng 8/2022. Ảnh: TH

Tham quan Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” tổ chức tại tỉnh Kon Tum, tháng 8/2022. Ảnh: TH

Phải khẳng định rằng, đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta có nhiều sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề hậu quả chất độc da cam, trong đó có những chủ trương chính sách đúng đắn và kịp thời như trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông.

Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Đồng thời xác định khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Ở Kon Tum, các chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam luôn được quan tâm thực hiện hiệu quả. Hàng chục năm qua, không thể đo đếm được tình cảm, sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng và người dân dành cho nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động, huy động hàng trăm tỷ đồng để giúp chất độc da cam làm nhà, sửa chữa nhà, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp.

Điều đó đem lại sự động viên, khích lệ lớn lao; tạo điểm tựa vững chắc cho nạn nhân chất độc da cam và thân nhân trong hành trình vượt qua gian khó để đứng vững, để vươn lên.

Cùng với quá trình khắc phục hậu quả, làm dịu nỗi đau cho nạn nhân chất độc da cam, các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm phát huy nội lực, ý thức tự lực, tinh thần vượt khó của chính nạn nhân da cam và gia đình họ.

Và trên thực tế, có nhiều tấm gương nạn nhân chất độc da cam, thân nhân nạn nhân mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Dù vậy, điều đau đáu là làm thế nào để tất cả nạn nhân chất độc da cam được hưởng đúng và đủ chính sách. Và nạn nhân da cam thế hệ thứ ba được công nhận, được bổ sung vào chính sách. Từ đó được hưởng trợ cấp hàng tháng, được tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ.

Trở lại cuộc thăm hỏi ở nhà T. Trong câu chuyện, cũng có lúc chị H. cười tươi, khi kể về việc chị nhận được sự quan tâm, hỗ trợ như thế nào.

Nhưng niềm vui ấy cũng chỉ như ánh nắng chiều thu vụt lóe lên rồi tắt, khi con trai chị lại gào thét.

Dù mạch đời vẫn không ngừng xuôi chảy, nhưng nỗi đau thời bình không dễ gì xóa được.

Có thể bạn quan tâm