Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nơi gặp gỡ của những tâm hồn nghệ sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được tổ chức hàng năm, năm nay, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Việt Nam chọn Gia Lai là nơi tiếp thêm mạch nguồn cảm xúc trong sáng tạo văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ đến từ 8 tỉnh khu vực Tây Nguyên và Trung Trung bộ.

Đến Gia Lai trong một tâm trạng hứng khởi, với các văn nghệ sĩ thuộc chuyên ngành Văn học và Nhiếp ảnh đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thì đây là dịp tốt để tìm hiểu tình hình kinh tế-xã hội cũng như khám phá những nét đẹp văn hóa của Gia Lai, từ đó tạo thêm những nguồn cảm hứng mới trong lao động nghệ thuật.

 

Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm trong ngày bế mạc trại sáng tác. Ảnh T.B
Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm trong ngày bế mạc trại sáng tác. Ảnh T.B

Theo chân các văn nghệ sĩ trong những chuyến đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh tôi lại càng hiểu sâu sắc hơn niềm đam mê, khả năng sáng tạo cũng như ý thức trách nhiệm với từng tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia trại sáng tác lần này.

Trong số họ, có những người mới đặt chân đến Gia Lai lần đầu, có người thì mảnh đất đầy nắng và gió này đã là tình thân, quen thuộc đến từng ánh mắt; tuy nhiên, mỗi lần đến là mỗi lần cảm xúc được thăng hoa với những góc nhìn mới trong hành trình sáng tạo. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Duy Thương (Hội Văn học nghệ thuật Đak Lak) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Gia Lai, vậy nên phong cảnh, con người và những nét văn hóa riêng của Gia Lai thực sự thu hút tôi, đem đến cho tôi sự hứng thú mới mẻ. Tôi đã chụp rất nhiều, chắc chắn sẽ có những tác phẩm ưng ý qua đợt đi thực tế thú vị này.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, những gì thu được trong thực tế kết hợp với sự hoạt động hài hòa mọi mặt của trại viết đã tạo ra một trại viết tràn đầy không khí vui vẻ và đoàn kết. Chính vì thế, kết quả mang lại rất đáng kể, cụ thể: 45 tác phẩm văn xuôi gồm truyện ngắn, tùy bút, tản văn; 79 tác phẩm thơ trong đó có 1 chùm tứ tuyệt và 1 chùm thơ văn xuôi; 20 tác phẩm nhiếp ảnh; phản ánh được cuộc sống đa chiều, muôn mặt.

Nếu các truyện ngắn của Hxiu Hmoc (Hội Văn học nghệ thuật Đak Lak) hiện rõ nét sinh hoạt của người Êđê trên cao nguyên (truyện ngắn Khi một con chim bay về với đàn); Ngô Thị Thanh Vân (Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai) lặng người trong xúc cảm với người dân Bahnar ở làng A Chông, xã Ayun (truyện ngắn Về A Chông) thì Nguyễn Hoàng Dương (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi) lại lãng mạn với chùm tản văn của người xứ Quảng (Hoa tím bên thềm, Bên khung cửa mùa hạ). Nếu Bùi Tấn Xương (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi) khắc khoải nỗi niềm thương mẹ (Bài Mẹ ơi), mênh mông trong xúc cảm khi lần đầu đặt chân tới Gia Lai (bài Bất chợt) thì Nguyễn Giúp (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam) lại có một cách nhìn khác về đất và người Gia Lai, trong một niềm thương cảm đến vô cùng: “Em vặn vẹo lưng chị/ da nâu nhèm mặt trời/ cao nguyên vặn vẹo/ đôi bò đực nhẫn nại kéo rờ moóc/ thu lu tóc vàng mắt đen răng trắng mở ngày cồn cào/ vung điệu móng guốc ráo hoảnh niềm siêu thị thảo mộc/ phố thơm nhưng khuôn mặt những hàng cây những con đường say/ thổ ngữ bình minh bazan…” (Bài Một thoáng A Chông).

Nhà văn Đỗ Kim Cuông- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Việt Nam cho biết: Trong thời gian 15 ngày dự trại sáng tác, cùng với việc dành thời gian cho việc sáng tạo và hoàn thiện các tập bản thảo, 23 văn nghệ sĩ được đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, từ đó tạo thêm những nguồn cảm hứng mới trong lao động nghệ thuật.

Trong phần lớn tác phẩm mà chúng tôi nhận được từ trại sáng tác này đều là những sáng tác mới, có tính sáng tạo và mang đậm hơi thở cuộc sống về mảnh đất và con người Gia Lai. Hy vọng, những thành quả này sẽ nhận được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là sự yêu mến của những người yêu văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm