Phóng sự - Ký sự

Nơi hạnh phúc tái sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhắc đến làng phong Quy Hòa, không ít người liên tưởng ngay đến câu chuyện của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đây là nơi lưu dấu những tháng ngày đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần của thi sĩ trước khi rời bỏ cuộc đời năm mới 28 tuổi. 
Không chỉ thế, làng phong Quy Hòa còn là chốn nương tựa, điều trị của hàng ngàn bệnh nhân phong ở dải miền Trung - Tây Nguyên từ đầu thế kỷ XX đến nay. Những mảnh đời chắp vá, sứt sẹo nương nhau để chống chọi với bệnh tật, nối dài chuỗi ngày sống trọn một kiếp người.

Gia đình anh Đinh Zit, chị Ksor H’Veo sống trong ngôi nhà tập thể do Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cấp
Gia đình anh Đinh Zit, chị Ksor H’Veo sống trong ngôi nhà tập thể do Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cấp
Chiếc ghe gỗ của linh mục
Lịch sử hình thành của khu điều trị phong ở Quy Hòa phải kể đến 2 người Pháp là bác sĩ Le Moine và linh mục Paul Maheu. Trước năm 1929, thung lũng Quy Hòa chỉ là bãi cát hoang vắng, với những cánh đồng sình lầy, cây cối rậm rạp, lọt thỏm giữa đèo đá heo hút. Lúc ấy, dưới sự hỗ trợ của bác sĩ Le Moine, linh mục Paul Maheu đã chèo chiếc ghe gỗ men theo bờ biển Ghềnh Ráng, qua thung lũng Quy Hòa để đặt nền móng cho khu điều trị phong đầu tiên ở miền Trung Việt Nam.
Ngày đầu cực kỳ gian khổ, trại phong chỉ là khóm nhà vách nứa, lợp cây lá đơn sơ. Mùa mưa, bão biển ập tới, cả khu điều trị phong bị vùi dập xơ xác, chỉ còn những mảnh đời bệnh tật đầy tổn thương. Năm 1932, một số nữ tu sĩ người Pháp đã đến tiếp quản khu điều trị phong Quy Hòa, bắt đầu phục hồi, xây dựng lại nơi này thành bệnh viện phong; thiết lập khu trú ngụ kiên cố, lâu dài cho người bị bệnh phong dựa vào việc kêu gọi các nguồn tài trợ, phúc lợi bên ngoài. Từ đó, nhiều nữ tu ở khắp nơi đã đổ về Quy Hòa để tình nguyện chăm sóc, điều trị và làm “bà đỡ” cho các bệnh nhân phong…
Dù trải qua nhiều biến cố, nhiều lần thay đổi pháp nhân, chính thể bảo hộ, song khu điều trị phong Quy Hòa vẫn được duy trì, “hồi sinh” cuộc đời cho hàng chục ngàn bệnh nhân phong. Trước năm 1975, với những mạng lưới của các đơn vị Công giáo, thông qua các sơ, nữ tu đã tìm kiếm, cứu vớt hàng ngàn bệnh nhân phong bị bỏ rơi ở khu vực miền núi, vùng quê nghèo. Từ năm 1976, trại phong Quy Hòa chính thức bàn giao cho Bộ Y tế, đổi tên thành Khu điều trị Phong Quy Hòa, rồi phát triển thành Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, bệnh viện hạng 1 (TP Quy Nhơn, Bình Định). Hiện, khu điều trị phong Quy Hòa (cơ sở 2) đã được nâng cấp cả cơ sở vật chất, lẫn đội ngũ y bác sĩ lên đến hàng trăm người, đáp ứng điều trị các bệnh hoa liễu, HIV/AIDS và phong cho 11 tỉnh, thành trong khu vực.
Tình yêu nảy mầm
Cho đến hôm nay, chị Ksor H’Veo vẫn còn ám ảnh bởi quá khứ trước kia của mình. H’Veo sinh ra trong một ngôi làng Jrai (xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) phía Bắc sông Ayun. Mới sinh ra, bé H’Veo còn đỏ hỏn nhưng người làng Jrai đã dự báo tương lai con bé sẽ mang bệnh cùi. Bởi, cha H’Veo mắc bệnh cùi, khiến cả làng khiếp sợ.
Trong một lần bị buôn làng xua đuổi, cha của H’Veo đã lên núi treo cổ tự tử, để lại mẹ con H’Veo sống lây lất. Đúng như dự báo của buôn làng Jrai, năm lên 5, trên người H’Veo xuất hiện những vết sẹo lở loét, dần ăn mòn chân tay, thân thể. Do áp lực từ buôn làng và thiếu hiểu biết nên mẹ H’Veo đành vứt bỏ con vào rừng. Nhiều lần bị mẹ bỏ rơi, H’Veo vẫn tìm được đường trở về làng, rồi sống chui lủi bên xó bếp, sau nhà. Biết chuyện, một tu sĩ của giáo phận ở huyện Ia Pa đã tìm đến cưu mang, đưa H’Veo đi cứu chữa.
Điều trị mãi ở Quy Hòa đến năm 2011, bệnh tình đã bớt hành hạ, chị H’Veo tìm thấy tình yêu của mình. Một buổi sáng đi bắt cá dưới suối, H’Veo thấy chàng trai người dân tộc Ba Na tên Đinh Zit cũng mang thân thể sứt sẹo. “Thấy ảnh hiền, dù bệnh tật nhưng lúc nào trên mặt vẫn vui vẻ, lạc quan nên mình thích”, chị H’Veo bộc bạch.
So với chị, anh Zit có phần may mắn hơn, vì dù mang bệnh phong nhưng anh vẫn được người thân đùm bọc. Gợi chuyện, anh Zit kể: “Ngày ấy, mình yêu nhau cũng có biết tỏ tình gì đâu. Đến ngày cưới cũng chẳng có gì, vậy mà về ở với nhau đến nay đã sinh được 3 đứa con rồi”. Vừa rồi, để làm hộ khẩu cư trú Quy Hòa, chị H’Veo lần đường trở lại làng cũ của mình. Ngày trở về, H’Veo rớm nước mắt vì nhớ lại ký ức xưa, nhưng chị cũng dằn lòng vì quá khứ đã qua rồi. Hôm đó, H’Veo về làng như là một minh chứng sáng sủa, thay đổi hẳn mọi định kiến của buôn làng Jrai về căn bệnh cùi đã ám ảnh họ mấy thế kỷ qua.
Và ước nguyện
Về ở với nhau được gần 20 năm, vợ chồng anh Zit sinh được 3 đứa con trắng trẻo, lành lặn. Vì tôn trọng tục lệ bên vợ, anh Zít đều đặt tên các con theo họ mẹ, lần lượt là Ksor H’Mia (17 tuổi), Ksor Guillơ (8 tuổi) và Ksor Út (1 tuổi). Trong 3 đứa, cái tên Guillơ (tiếng Ba Na) rất ý nghĩa đối với gia đình anh Zit. Guillơ nghĩa là cuộc gặp gỡ, hay lần gặp đầu tiên. Đồng nghĩa với cuộc đời anh Zit và chị H’Veo, khi gặp được nhau và làm nên cuộc đời mới.
Giữa tháng 5 năm ngoái, chị H’Veo sinh đứa con út, nhưng lại khiến cả làng phong Quy Hòa một phen chết lặng. Bởi, chị sinh con non hơn 1 tháng, nên phải chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định mới cứu được cả mẹ lẫn con. Thấy anh Zit không có tiền lo cho vợ, dân làng phong Quy Hòa xúm nhau lại, quyên góp mỗi người vài chục ngàn đồng để giúp gia đình anh. Các y bác sĩ bệnh viện phong cũng đóng góp mỗi người vài ba trăm ngàn đồng, rồi đứng ra kêu gọi nhiều nguồn hỗ trợ khác, qua mạng xã hội giúp vợ chồng anh Zít tai qua nạn khỏi…
“Ở đây, ngoài được hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh, được bố trí nhà ở tập thể, mỗi tháng chúng tôi được hỗ trợ 400.000 đồng/người. Con cái được tạo điều kiện vào TP Quy Nhơn học tập. Nhiều năm qua, bệnh viện cũng tạo điều kiện cho tôi có công ăn việc làm. Tôi đến quét rác, tưới cây xanh, nhặt cỏ mỗi tháng 1,5 triệu đồng để có thêm thu nhập”, anh Zit tâm sự.
Câu chuyện của anh Zít - chị H’Veo là điển hình cho hàng trăm hoàn cảnh, cặp vợ chồng ở làng phong Quy Hòa này. Mỗi người một cảnh ngộ, từng trải qua tột cùng nỗi đau để thấu hiểu, để gắn kết cùng vượt qua nghịch cảnh. Đối với người dân làng phong Quy Hòa, kỳ tích của họ chính là được điều trị khỏi bệnh, được sống, được yêu và có danh phận như một người bình thường.
“Bây giờ, chúng tôi chỉ có một ước nguyện, mong Nhà nước quan tâm, có chính sách tạo công ăn việc làm, chỗ ở ổn định cho con em bệnh nhân phong có cuộc sống mới tốt hơn, tương lai tươi sáng hơn bố mẹ chúng”, ông Lê Văn Mãn, bệnh nhân làng phong Quy Hòa, đến từ tỉnh Quảng Nam cách đây 47 năm, bày tỏ nguyện vọng.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, làng phong Quy Hòa là một cộng đồng được tái sinh từ khu điều trị phong Quy Hòa qua nhiều thời kỳ. Cộng đồng này sống dựa vào nhau, ôm ấp che chở và nhận được nhiều phúc lợi từ Nhà nước và các đơn vị từ thiện. Vừa qua, để đáp ứng đời sống mới của các bệnh nhân phong, đơn vị đã kiến nghị lên Bộ LĐTB-XH xem xét tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ mới cho bệnh nhân phong như những người tàn tật và đặc biệt là tương lai mới của con em họ.
NGỌC OAI (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm