(GLO)- Năm học mới 2017-2018 sắp bắt đầu. Đây là niềm vui của con trẻ sau 3 tháng nghỉ hè nhưng lại là nỗi lo của nhiều gia đình nghèo đông con bởi chi phí cho năm học mới thực sự là gánh nặng với họ.
Một chiều trung tuần tháng 8, chúng tôi ghé gia đình ông Thưng (làng Hnap, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Năm học mới sắp đến, gia đình ông có 6 người con ở tuổi đến trường. Ông Thưng rầu rầu kể: “Thưm (SN 2002) là con đầu đang học lớp 6, Lẽn (SN 2003) học lớp 3 nhưng năm học này phải nghỉ học để nhường cho các em đến trường”. Tiếp lời chồng, bà Nưng bảo, vợ chồng mình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà chỉ có mấy trăm gốc cà phê mà lại đông con nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Gia đình ông Thưng-bà Nưng lo lắng khi các con chuẩn bị bước vào năm học mới. Ảnh: Đ.Y |
Cách đây 2 năm, được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 con bò giống nhưng nuôi đến giờ bò vẫn chưa đẻ bê con. Đầu năm học này, cháu thứ ba lên lớp 4, cháu thứ tư lên lớp 3, cháu thứ năm vào lớp 1 và cháu thứ sáu học mẫu giáo, vì thế 2 cháu lớn phải bỏ học giữa chừng. “Nghĩ thương 2 con nhưng vợ chồng mình đi làm thuê được 300.000 đồng/ngày; những ngày không có ai thuê thì lại ở nhà. Nếu 2 cháu đầu không nghỉ học thì vợ chồng mình không biết xoay xở thế nào để có tiền lo sách vở, quần áo và đóng góp đầu năm cho các con”-bà Nưng nói.
Ở vùng nông thôn, thu nhập của nhiều người dân chỉ trông vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng năm nay, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh nhiều nên đời sống của nhiều hộ rất khó khăn, mùa tựu trường vì vậy trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Chị Hồ Thị Thúy (làng Khối Yố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) không khỏi lo lắng khi năm học 2017-2018, nhà chị có 3 con đi học: cháu lớn học lớp 6, cháu thứ hai học lớp 1 và cháu út bắt đầu vào mẫu giáo. Vợ chồng chị không có đất sản xuất, công việc làm thuê không ổn định, thu nhập bấp bênh nên cùng với việc trang trải sinh hoạt hàng ngày, các khoản mua sắm, đóng góp đầu năm học cho các con đi học trở thành gánh nặng với gia đình chị.
Chị Thúy cho biết: “Tôi vừa phải vay mượn 2 triệu đồng, nhưng chỉ vừa đủ sắm cho các cháu những vật dụng cần thiết như: quần áo, dép, cặp sách, bút vở. Sắp tới còn phải đóng các khoản tiền như học phí, quỹ các loại, bảo hiểm… tổng cộng lên tới vài triệu đồng mà tôi chưa biết xoay xở ra sao. Nhìn các con háo hức được đi học bao nhiêu thì tôi lại lo lắng bấy nhiêu. Để có thêm tiền lo cho các con, vợ chồng tôi lại phải vay mượn anh em, sau rồi chịu khó làm lụng trả dần”.
Cũng vì chi phí mua sắm đầu năm học mới cho con khá tốn kém nên những ngày này, trên một số con đường ở TP. Pleiku, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đi gõ cửa từng nhà để xin quần áo, giày dép, dụng cụ học tập, sách giáo khoa cũ cho con. Chị Myênh (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) than thở: Mấy hôm nay, không có ai kêu đi làm nên mình tranh thủ lên Pleiku xin được nhiều thứ cho con để đỡ phải mua. Nhà đông con đi học đành phải làm vậy chứ đi mua không có tiền. Biết được hoàn cảnh nên nhiều gia đình ở thành phố đã để dành đồ cho chị em chúng tôi. Bởi ngoài tiền mua sắm dụng cụ học tập, quần áo, đóng góp nên những nhà có 3-4 đứa con đi học ở chỗ mình thường cho 1-2 đứa nghỉ ở nhà vì không lo nổi tiền.
Không chỉ ở vùng nông thôn, việc lo cho con vào năm học mới cũng là nỗi niềm trăn trở của nhiều phụ huynh nghèo ở TP. Pleiku. Chị Mai Thị Thái (hẻm Phạm Ngũ Lão, TP. Pleiku) có 2 con chuẩn bị lên lớp 6 và lớp 9, cho biết: “Chưa biết các khoản phải đóng góp cháu thứ hai vào lớp 6 là bao nhiêu nhưng riêng tiền mua sắm đồng phục mới, giày dép, sách giáo khoa cho con đã hết gần 3 triệu đồng. Còn con lên lớp 9 chỉ lo mua sách vở, giày mới thôi, còn quần áo đồng phục tận dụng của năm trước cũng hết gần cả triệu đồng. Với những gia đình có điều kiện thì không sao, nhưng với những người lao động tự do như gia đình tôi thì việc phải lo nhiều khoản cho con thực sự là gánh nặng”.
Để chia sẻ với những khó khăn của các gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh, thời gian này, nhiều cơ quan, ban, ngành, cá nhân đã tổ chức các hoạt động thiết thực. Trên mạng xã hội, nhiều người đã đứng ra vận động những gia đình có quần áo đồng phục, sách giáo khoa cũ của con quyên góp để tặng cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, Phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) đã kêu gọi các doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm trao tặng học bổng, xe đạp tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường. Đến thời điểm này, Phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em đã kết nối với Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh, Bảo Việt Nhân thọ được 52 suất học bổng, trên 100 xe đạp cùng hàng ngàn cặp sách, vở cho học sinh. Cùng với đó, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường tránh tình trạng lạm thu đầu năm học nhằm giảm gánh nặng cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo có đông con đi học.
Đinh Yến