Nỗi lo của một xóm trọ công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều vừa xuống sau dãy nhà trọ công nhân của nhà máy Hoàng Anh Gia Lai (tại thôn Hàm Rồng, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) cũng là lúc công nhân nhà máy vừa tan ca. Họ rảo bước về phía phòng trọ một cách lặng lẽ.
Quần áo phủ đầy bụi đá, cầm trên tay hai quả mướp đắng, anh Trần Văn Sĩ cười gượng: “Bữa tối của gia đình tôi đấy. Nhìn vậy thôi chứ cũng gần 8.000 đồng chứ không rẻ đâu. Nhưng tôi cũng đang mua nợ, cuối tháng có lương mới trả”. Thực đơn cho bữa ăn của anh chị chỉ đơn giản như vậy. Ăn qua bữa rồi vợ anh lại phải đi tăng ca tới 23 giờ mới về. 
Bếp ăn “vắng” thực phẩm. Ảnh: Trần Dung
Bếp ăn “vắng” thực phẩm. Ảnh: Trần Dung
Anh Phùng Văn Mạnh (làm cùng với anh Sĩ) cũng đang lao đao trước cơn “bão giá”. Cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương của người thợ cắt đá. Vất vả, lo toan hằn sâu trên gương mặt vốn khắc khổ của anh. Anh Mạnh tâm sự: “Tiền ăn mỗi tháng gia đình tôi chỉ có 1.300.000 đồng. Cuối tháng còn phải nợ tiền nhà, tiền điện. Còn phải khổ nhiều lắm”.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy thực đơn chính của bữa ăn công nhân chỉ là rau muống, tép, chả cá… Lương chưa thấy tăng nhưng tiền nhà đã tăng, nước uống cũng tăng thêm 3.000 đồng/bình 20 lít. Ti vi, quạt máy cũng hạn chế sử dụng vì giá điện đang tăng đến chóng mặt. Để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn, ngoài việc “thắt lưng buộc bụng”, họ còn phải cố gắng tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Chị Phùng Thị Loan bày tỏ: “Vợ chồng phải làm tăng ca, hai đứa con vừa lên ba phải gửi nhà trẻ 800.000 đồng/tháng. Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, không biết có trụ nổi không?”.
Gần một tháng nay, cả xóm trọ của công nhân bỗng dưng xuất hiện khói bếp. Đó là căn bếp củi tự chế của công nhân xóm trọ. Sở dĩ, mỗi buổi chiều công nhân xếp hàng ra nấu cơm bằng bếp củi là vì giá gas tăng quá cao. Đối với những công nhân ở xa nhà máy, việc đi lại là mối lo hàng đầu. Chị Ngọc Lan- công nhân nhà máy đá Hàm Rồng cho biết: “Nhà tôi ở Chư Sê, mỗi ngày đi làm phải mất tới 20.000 đồng tiền xăng. Xăng cứ tăng như hiện nay thì lương công nhân sao chịu nổi”.
Vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền đang hàng ngày siết chặt lấy đời sống người công nhân. Dường như sự khó khăn, thiếu thốn đang ngày càng hiện hữu trong từng công xưởng, từng xóm trọ và trên từng gương mặt đầy lo toan của họ.
Trần Dung
    

Có thể bạn quan tâm