(GLO)- 6 năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Ba đoạn chảy qua địa phận huyện Krông Pa luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng bởi tình trạng sạt lở mỗi khi mùa mưa bão về.
Phập phồng sống bên miệng “hà bá”
Sau trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 2009, mảnh đất rộng 1.800 m2 của gia đình chị Vũ Thị Phương (thôn Quỳnh Phụ 3, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) đã bị dòng nước “ngốn” mất, chỉ còn vỏn vẹn không đầy 20 m2 bao quanh ngôi nhà gỗ ọp ẹp. “Cứ nghe có bão hay mưa lớn là cả nhà tôi lại lo gói ghém đồ đạc qua gửi nhờ nhà hàng xóm trước, hễ nước dâng cao, nguy hiểm thì mẹ con dắt nhau chạy lũ luôn cho kịp”-chị Phương chia sẻ về cuộc sống hiện tại của gia đình mình.
Những đứa trẻ chơi bên những ụ đất bị dòng nước đánh sập ngay sau lưng nhà mình. Ảnh: L.H |
Rời vùng quê Thái Bình vào đây lập nghiệp từ năm 1986, nhà lại chỉ có 4 mẹ con đùm túm nhau, cuộc sống mưu sinh vốn đã vất vả khi thiếu vắng bàn tay người đàn ông trụ cột, nay lại ngày đêm nơm nớp nỗi lo sợ nhà cửa, tính mạng bị đe dọa bởi dòng nước sau nhà. “Nhà nước hỗ trợ chuyển đến nơi ở an toàn, mẹ con tôi đi ngay, chứ mùa mưa bão tới, đến giấc ngủ cũng không yên vì còn canh lũ mà chạy, khổ lắm!”-chị Phương bày tỏ.
Cùng tình cảnh, gia đình chị Ksor H’Ngat (buôn Hlang, xã Chư Rcăm) cũng lắm hôm mất ăn, mất ngủ lo lắng mỗi khi có mưa to. “Mỗi khi mưa lũ lớn, đất cứ sụp xuống từng mảnh, ăn vào sát gần nhà mình, nước cuốn trôi mất nhà cửa thì biết đi đâu? Sông mỗi năm một gần nhà, chẳng bao lâu nữa nhà mình sẽ là lòng sông thôi”-chị H’Ngat lo lắng. Vườn nhà chị H’Ngat trước đất rộng hơn 1 ha mà bị sông “nuốt” mất chừng 1 ha, bờ sông chỉ còn cách nhà 20 mét. Cũng theo chị chia sẻ, trước đây ruộng đất còn khá, cuộc sống không chật vật. Nay, ruộng đất bị cuốn trôi hết, kinh tế ngày càng eo hẹp. “Chồng mình thường xuyên đi làm ăn xa, con một đứa còn nhỏ, đứa sắp chào đời. Không biết mùa mưa lũ này, trời có thương để giữ được chỗ tá túc này không?”- chị H’Ngat than thở.
Theo ông Hà Văn Đường-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm hiện nay, sạt lở sông Ba đang là mối quan tâm hàng đầu của địa phương, vì nó tác động trực tiếp đến đời sống của 110 hộ dân đang sinh sống, canh tác tại các thôn, buôn ven sông Ba và suối Ia Rsai chảy qua địa bàn xã, bao gồm: buôn Hlang, buôn Jú, thôn Quỳnh Phụ 3, thôn Mới, Cầu Đôi, Quỳnh Phụ 2. “Mấy năm nay sông Ba liên tục biến đổi dòng chảy và cuốn mất nhiều diện tích đất của bà con. Xã đã lập danh sách 110 hộ đang ở trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, cần được di dời đến nơi an toàn”-ông Đường cho biết.
Bao giờ “gạo nấu thành cơm”?
Sông Ba đoạn chạy qua các xã Ia Rsai, Chư Rcăm có nhiều khúc cua, ngoặt khá hiểm hóc, tạo nên dòng xoáy có sức tàn phá dữ dội mỗi khi nước lũ dâng cao. Tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Chính quyền và ngành chức năng huyện Krông Pa đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất các cấp tìm phương án hỗ trợ cũng như giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, bởi nguồn vốn đưa về quá ít và nhỏ giọt nên tiến độ triển khai các dự án bị chậm.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, nêu: Riêng tại xã Ia Rsai, tổng mức đầu tư cho dự án di dời 170 hộ dân (835 nhân khẩu) vùng sạt lở ở 4 buôn: Pan, Puh, Chik, Kting dự kiến là 17,4 tỷ đồng. Nhưng hiện tại địa phương mới chỉ được cấp 8,2 tỷ đồng, chỉ đủ kinh phí hỗ trợ ban đầu là 10 triệu đồng/hộ trong diện di dời và thực hiện khâu lập dự án, đền bù, giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết tại khu vực tái định cư. Còn tại buôn Hlang, việc di dời dân còn khó khăn hơn bởi kinh phí chưa được phân bổ, địa phương mới lập dự án di dời, dù đã có chủ trương đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để đến năm 2016 ổn định hết số hộ trong diện di dời khỏi vùng sạt lở.
Bên cạnh đó, dự án xây bờ kè tại các khu vực xung yếu, sạt lở thường xuyên chạy qua địa bàn các xã Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Rcăm vẫn chưa thể đưa vào triển khai, vì chưa được cấp vốn. “Với tổng chiều dài khoảng 5 km, theo dự toán được lập từ năm 2013 thì kinh phí thực hiện dự án này sẽ hết khoảng 250 tỷ đồng. Bây giờ để thực hiện sẽ phải tốn tầm 400-500 tỷ đồng, do trượt giá”- ông Duyên nhấn mạnh.
Mối nguy hại của hàng trăm hộ dân đã và đang sinh sống, gắn bó bên dòng sông Ba đã quá rõ ràng. Mùa mưa lũ đã đến, với diễn biến thời tiết ngày càng thất thường như hiện nay thì không biết số phận những người dân đang sinh sống bên “miệng Hà Bá” sẽ ra sao?
Lê Hòa