Phóng sự - Ký sự

Nỗi lo người trẻ lệch chuẩn-Bài 2: Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu xa hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với tốc độ lan truyền nhanh hơn cái chớp mắt, những nội dung dẫn đầu mạng xã hội bất kể tốt hay xấu chỉ cần đủ thu hút lượt thích, bình luận lập tức trở thành trào lưu. Để mình không lạc lõng trong đám đông, một bộ phận người trẻ sẵn sàng bắt trend (xu hướng), hóng chuyện…
Trend gì cũng đu
Nếu 5 năm trước đây, giới trẻ gần như chẳng mấy để ý đến nền tảng TikTok, thì hiện tại nền tảng này trở thành một trong những mạng xã hội thu hút giới trẻ hàng đầu. Đánh vào thị hiếu xem nghe nhanh, những video ngắn không quá 3 phút ngày càng cuốn hút một bộ phận bạn trẻ và tạo ra những trào lưu mới liên tục.
Thống kê công bố vào tháng 9-2022 của We are social (công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông và xã hội, trụ sở tại Luân Đôn, Anh) về người dùng TikTok tại Việt Nam năm 2022, cho biết, hơn 3 năm có mặt tại Việt Nam (kể từ tháng 4-2019), TikTok có 39,91 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam vào đầu năm 2022. Phạm vi tiếp cận quảng cáo của TikTok tại Việt Nam tương đương 55,4% cơ sở người dùng internet địa phương, có 53,5% đối tượng quảng cáo của TikTok tại Việt Nam là nữ, trong khi 46,5% là nam. Có mặt trên thế giới từ năm 2016, nhưng TikTok đã vượt qua Google để trở thành tên miền có lượng truy cập nhiều nhất thế giới năm 2021.
Việc tạo lập tài khoản với các thao tác dễ dàng và sáng tạo video nhanh chóng, đã khiến nội dung trên nền tảng này trở nên hổ lốn, từ mang tính giải trí đến kém duyên, phản cảm và độc hại. Có thể kể ra hàng loạt trào lưu lệch lạc trước đó nhưng vẫn thu hút hàng triệu lượt xem và tham gia từ một bộ phận bạn trẻ như: sex jokes (trò đùa tình dục), PR phim 18+, nhảy múa khoe thân, mặc áo khoe chân ngực, xu hướng làm video ghép nhạc khoe ảnh đi tù, ghép nhạc tôn giáo minh họa cho video có nội dung/bối cảnh dung tục... 
Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, những trào lưu kém duyên, phản cảm càng tăng nồng độ thành những trò nguy hiểm bất chấp: một cô gái ngồi trên băng chuyền hành lý ở sân bay và một cô gái nhảy múa tại bãi đáp máy bay… Mặc dù cả hai điều bị xử phạt theo quy định pháp luật, nhưng những video này trước đó đã cán mốc hơn 10 triệu lượt xem.
Tiếp đó là trào lưu “săn mây” khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo, vì hành động này gây ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay và tính mạng của hành khách. Đáng nói hơn là thí sinh chung kết của cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 cũng tham gia, sau khi dư luận lên tiếng, cô gái này đã xin lỗi và gỡ video, nhưng trước đó video của cô đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và hàng trăm ngàn bình luận tương tác.
Và báo động hơn khi những thử thách trên nền tảng này bắt đầu nguy hại đến trẻ em. Đầu tháng 8-2022, một em bé 12 tuổi người Anh qua đời vì tham gia thử thách “blackout challenge” (tạm dịch: thử thách ngạt thở) trên mạng xã hội TikTok với thử thách yêu cầu người thực hiện tự siết cổ tới khi bất tỉnh. Tại Việt Nam, dù chưa có sự việc đau lòng tương tự, nhưng vì không bỏ sót trend, nhiều tài khoản bất chấp sự an nguy của trẻ nhỏ. 
Với từ khóa tìm kiếm “dọa ma trẻ con” trên nền tảng TikTok có hơn 1 triệu video hiển thị từ những tài khoản người dùng trong nước, kèm theo đó là hàng loạt xu hướng được gợi ý theo như: hiệu ứng dọa con ma đằng sau, hiệu ứng ma bay dọa trẻ con, tiếng ma cười rùng rợn dọa trẻ em… Công thức chung của những video này là các em bé ở độ tuổi chưa vào lớp 1 là nhân vật chính, bị nhốt trong phòng tối một mình và đối mặt với những âm thanh, hình ảnh mặt nạ rùng rợn. Mang trẻ nhỏ ra để làm video theo trào lưu ghê rợn trên, chưa bao giờ là việc làm hay và thậm chí còn đáng bị lên án.
Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu hạn chế nền tảng TikTok, như Ấn Độ vào đầu tháng 10 vừa qua, hay tờ New York Time chia sẻ trong một bản tin, Phố Wall cũng bắt đầu có những quy định cảnh giác nhân viên khi dùng TikTok. Giám đốc điều hành một tập đoàn tại đây cho biết: “Các công ty đều có quy định nhân viên không nhắc đến tên cơ quan làm việc trên mạng xã hội. Họ không chia sẻ thông tin của nhân viên thì nhân viên cũng không nên đăng bài về họ. Và nhân viên làm việc ở đây cũng có nhiều người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội và họ luôn tự ý thức trong việc làm mờ hoặc không chia sẻ thông tin nơi mình đang làm việc cũng như hình ảnh đồng nghiệp”.
Những chuyện lạ, nội dung gây sốc thậm chí phản cảm nhanh chóng lên “top” đầu, dọa ma trẻ em và từ khóa “khoe” trên nền tảng TikTok
Những chuyện lạ, nội dung gây sốc thậm chí phản cảm nhanh chóng lên “top” đầu, dọa ma trẻ em và từ khóa “khoe” trên nền tảng TikTok
Chưa thể tiền kiểm
Cũng như các nền tảng khác, TikTok cũng mở ra kênh kiếm tiền trực tuyến cho người dùng. Hơn 3 năm có mặt tại Việt Nam, hiện tại TikTok quy định người dùng có thể bật chế độ kiếm tiền nếu trên 18 tuổi, có hơn 10.000 người theo dõi và có ít nhất 100.000 lượt xem trong 30 video gần nhất.
Các video ngắn không quá 3 phút, được nhiều tài khoản đẩy lên liên tục để có thể tăng tương tác với người dùng. Từ những video bán quần áo, phụ kiện thời trang đến cả thực phẩm chức năng, gần như thả nổi và không có tiền kiểm, nhất là video giới thiệu sản phẩm hỗ trợ chức năng sinh lý, nội dung gần như chỉ có tên sản phẩm cùng hình ảnh các bạn nữ trong trang phục không thể ngắn hơn. Thậm chí có video gần như trần trụi, nhưng để lách những “tiêu chuẩn cộng đồng”của nền tảng trực tuyến, người làm nội dung che mờ đi vài điểm nhạy cảm trên khuôn hình và cứ thế tung hoành.
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn, phân tích: “Trên nền tảng TikTok, việc cắt ghép, lồng âm thanh, lời nói của người chơi vào các đoạn video chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến thông tin sai lệch, phản cảm, bạo lực... xuất hiện rất nhiều trên nền tảng này. Để đẩy lùi những nội dung độc hại này, cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát, phát hiện và yêu cầu mạng xã hội gỡ bỏ nhanh chóng những video có nội dung không tốt, đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc và pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em”.
Và để mình không lạc lõng trong đám đông, các trào lưu đình đám mỗi ngày, một bộ phận người trẻ gần như không bỏ sót bất kỳ trend nào. Đâu đó nhịp sống hiện đại, người ta không xa lạ gì và cũng không khó để bắt gặp hình ảnh người trẻ mắt dán vào màn hình điện thoại, tay lướt video và cười phá lên một mình. 
Bình giữ nhiệt cộng phí giao hàng hơn 500.000 đồng, nhưng chỉ dùng đúng một lần rồi hư; nhà không thiếu đồng hồ, nhưng vẫn mua thêm một cái để bàn gần 1 triệu đồng; và chẳng mấy khi nghe đài, nhưng đơn hàng đặt mua radio đã thanh toán hơn 800.000 đồng… Tất cả cũng chỉ vì những món đồ này, liên tục xuất hiện trong những video “on top” của TikTok. Với thu nhập khá thoải mái của một nhân viên truyền thông, việc chạy theo trend của TikTok được Phan Thanh Sang (32 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) hưởng ứng nhiệt tình: “Thật ra thì nội dung của video nhiều lúc cũng xàm xàm thôi, nhưng xem nhiều thì bị cuốn theo nó, thấy quảng cáo là phải mua theo trend mới chịu được”.
Công nghệ và mạng xã hội vẫn tiếp tục phát triển không ngừng và dù muốn hay không, nó cũng trở thành một phần của nhịp sống số. Người trẻ bị cuốn hút vào các nền tảng này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, lên tiếng trước các trào lưu độc hại và lọc cho mình những thông tin hữu ích thì phụ thuộc vào bản lĩnh và trải nghiệm của mỗi người.
Theo phân tích từ các chuyên gia truyền thông, không chỉ TikTok mà bất cứ nền tảng mạng xã hội nào cũng có những rủi ro với người dùng. Để mạng xã hội lành mạnh cần có những yếu tố như: ý thức người dùng, định hướng truyền thông, chính sách của nhà quản lý mạng xã hội và hành lang pháp lý của nước sở tại. 
Chị Nguyễn Lý Diệu Linh (chuyên viên truyền thông M.Q.) chia sẻ: “Cách đơn giản nhất để những tin tức, video độc hại hạn chế xuất hiện trong bản tin của chúng ta là người dùng bấm theo dõi những trang tin bổ ích. Vì thuật toán trên các nền tảng mạng xã hội phân tích sở thích người dùng dựa trên lượt thích, lượt xem, theo dõi… và đưa ra những gợi ý thích hợp. Và nếu vô tình tiếp cận nội dung không tốt, chúng ta có góp phần ngăn chặn bằng việc “báo cáo” nội dung, để các nền tảng mạng xã hội xem xét và hạn chế hoặc ngăn chặn sự xuất hiện của những nội dung không hay và tài khoản tạo ra nội dung đó”.
Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm