Nỗi lo trong mùa mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiếm hơn 50% tổng chiều dài đường bộ của tỉnh Gia Lai, với kết cấu mặt đường chủ yếu là đường đất, lại thường xuyên bị cày xới bởi các phương tiện giao thông và ảnh hưởng những yếu tố bất lợi từ địa hình, địa chất, vì vậy mỗi khi bước vào mùa mưa bão, nhiều con đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh lại trở thành bãi lầy.
 

 Con đường vào các xã vùng sâu huyện Kông Chro trở thành bãi lầy trong mùa mưa. Ảnh: Lê Anh
Con đường vào các xã vùng sâu huyện Kông Chro trở thành bãi lầy trong mùa mưa. Ảnh: Lê Anh

Toàn tỉnh có tổng chiều dài đường bộ 10.234 km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ dài 505 km, 11 tuyến tỉnh lộ dài 537 km, đường đô thị 915 km, đường huyện 1.632 km, đường chuyên dùng 1.035 km và đường liên thôn, liên xã dài 5.610 km. Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có vai trò là cầu nối quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Trong 5 năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư 1.500 tỷ đồng để nâng cấp và mở mới được hơn 203 km đường bộ, nâng cấp hơn 1.349 km, 30 cây cầu được xây dựng 1.952 cống các loại.

Tuy nhiên, mức đầu tư ấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của giao thông tỉnh. Hiện nay, kết cấu mặt đường trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là đường đất (chiếm 53%). Địa hình phức tạp với nhiều đồi núi, sông, suối… cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông, nhất là các xe tải nặng, xe độ chế chở nông sản nên những tuyến đường đất này thường xuyên bị tàn phá. Mỗi khi bước vào mùa mưa bão, những con đường liên thôn, liên xã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa.

Huyện Kông Chro có tổng chiều dài đường bộ là 327 km, trong số đó, kết cấu mặt đường có hơn 190 km là mặt đường cấp phối và đường đất. Trong cơn bão số 10 và 11 (năm 2013), mưa lớn kéo dài hơn nửa tháng, mực nước sông Ba lên cao khiến đường vào các xã bị sạt lở, hệ thống ngầm tràn ngập lớn làm giao thông bị ách tắc. Cả huyện có đến 8 xã (14 xã, thị trấn) bị chia cắt, muốn đến trung tâm huyện, người dân phải lội bộ và có nguy cơ tiếp diễn trong mùa mưa bão năm nay.

 

Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh

Tại huyện Đak Đoa, tuyến đường gần 20 km từ ngã ba xã Đak Sơ Mei đến xã Hà Đông dù mới trải qua những cơn mưa đầu mùa nhưng trở nên lầy lội, tình trạng sạt lở đất bắt đầu diễn ra. Những năm qua, huyện đã dồn toàn lực để đầu tư cho tuyến đường này (từ trung tâm huyện vào xã Hà Đông) hơn 70 tỷ đồng, nhưng với địa hình phức tạp, nhiều đồi dốc và vực sâu, nên hàng năm mỗi khi bước vào mùa mưa là trở thành “đầm lầy”.

Cùng chung nỗi ám ảnh trên còn có các tuyến đường vào xã Ia Mơr, Ia Lâu (huyện Chư Prông), Ia Kriêng (huyện Đức Cơ), Hà Tây (huyện Chư Pah), đường nối 2 xã Ia Hlôp (huyện Chư Sê) và Ia Vê (huyện Chư Prông) và rất nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã khác của tỉnh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các tuyến đường này được phân cấp cho các địa phương quản lý, nguồn quỹ bảo trì rất hạn hẹp nên chỉ đủ để khắc phục một số đoạn xung yếu. Trong khi đó, hầu hết các địa phương khó khăn về kinh tế nên chưa thể mạnh tay đầu tư khắc phục, sửa chữa hoàn toàn. Ông Trịnh Văn Thọ-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Những năm qua, dù đã được đầu tư xây dựng, nhưng hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa phần các tuyến đường này, kết cấu mặt đường là đường đất, cùng với đó trên tuyến có nhiều suối, ngầm… nên dễ bị tác động, tàn phá của thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão. Do nguồn vốn còn hạn chế nên công tác bảo trì và làm mới gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mật độ giao thông khu vực nông thôn cũng đang tăng nhanh, khiến hạ tầng giao thông xuống cấp. Việc khắc phục tình trạng này không chỉ trong một sớm, một chiều vì cần có nguồn vốn lớn…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm