Nỗi niềm của một nghệ nhân Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi ghé thăm gia đình Nghệ nhân Dân gian Y Mip Ayun tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) vào dịp cuối năm. Trong ngôi nhà sàn cũ đơn sơ mang đậm nét đặc trưng của người dân tộc Ê Đê, chúng tôi được nghệ nhân Y Mip Ayun giãi bày tâm sự của mình trước hàng chục loại nhạc cụ dân tộc do chính mình chế tác và biểu diễn.

Biết chế tác nhạc cụ dân tộc từ nhỏ

Sinh ra và lớn lên giữa buôn làng Tây Nguyên, ngay từ nhỏ cậu bé Y Mip Ayun đã “ngấm” văn hóa bản địa từ lúc nào không hay. Từ “say” nhạc cụ của dân tộc mình đến “mê” và “ngấm vào máu thịt” nên ngay cả lúc chăn trâu, chăn bò, lúc nông nhàn, Y Mip Ayun thường mang các nhạc cụ ra thổi, chỗ nào không biết, chàng trai trẻ hỏi các bậc nghệ nhân đàn anh, để nắm rõ hơn mọi kỹ thuật của từng loại nhạc cụ, từ đing bút, tắc ta, chiêng kram, đàn gông, rồi đing pă, đing năm…
 

Nghệ nhân Y Mip Ayun giới thiệu nhạc cụ do mình chế tác. Ảnh: B.T
Nghệ nhân Y Mip Ayun giới thiệu nhạc cụ do mình chế tác. Ảnh: B.T

Với bản tính thông minh lanh lợi, siêng năng, chăm chỉ cộng với niềm đam mê chế tác, diễn tấu nhạc cụ nên Y Mip Ayun hơn hẳn những cậu bé khác và được đồng bào cũng như các già làng quý mến và đặt cho cái tên “nghệ nhân nhí” của buôn làng Ê Đê.

Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Y Mip Ayun cho biết: “Trước đây, cha mình cũng là người biết chế tác các nhạc cụ nên mình cũng học được ở ông được nhiều điều… Khi mới bắt đầu chế tác, mình mới chỉ học chế tác những loại nhạc cụ đơn giản, sau đó mình học chế tác các loại nhạc cụ khó hơn”.

Là nghệ nhân thực thụ

Không chỉ là người biết chế tác các loại nhạc cụ, Y Mip Ayun còn rất sành sỏi trong việc sử dụng các loại nhạc cụ này, khi lớn lên ông nhanh chóng được mọi người biết đến và mời tham gia Đội văn nghệ của tỉnh. Thời gian này Y Mip Ayun vừa có dịp đi biểu diễn, vừa có điều kiện để học hỏi những người đàn anh đi trước, từ đó bổ sung thêm cho mình những kinh nghiệm sử dụng nhạc cụ, hiểu rõ hơn đến từng “ngóc ngách” của các loại nhạc cụ. Do vậy đến năm 30 tuổi Y Mip Ayun đã biết chế tác trên 10 loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê từ đing bút, tắc ta, chiêng kram, đàn gông, rồi đing pă, đing năm…

Tiếng tăm của Y Mip Ayun đã vang khắp núi rừng Tây Nguyên. Ngoài việc tham gia thành viên đội chiêng ở buôn Kô Siêr, ông còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn của thành phố, của tỉnh Đak Lak mỗi khi tổ chức các lễ hội, đến tham gia biểu diễn ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, rồi biểu diễn ở các nước Đông Dương. Đặc biệt hơn ông còn là người được lựa chọn đi biểu diễn tại Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Ý…

Y Mip Ayun từng đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc tại Liên hoan Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Hòa tấu âm nhạc dân tộc TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2; giải nhất môn đánh chiêng của Buôn Ma Thuột năm 1997; huy chương vàng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc; huy chương vàng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ đing năm, đing pă, đinh bút, đinh tắc ta... Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.

Những nỗi niềm...

Trở về với cuộc sống thường ngày, ở tuổi 72 nghệ nhân Y Mip Ayun còn là người tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Ông còn được mời đi dạy đánh chiêng ở các buôn làng xa khác ở TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, huyện Lak, Krông Ana,... Tuy nhiên, đa phần các cháu là học để biết thôi “may ra các cháu cũng chỉ chơi được một số nhạc cụ đơn giản hoặc đánh bộ chiêng kram thôi, còn chuyện chế tác nhạc cụ thì ít cháu theo học lắm”.

Nghệ nhân Y Mip Ayun tâm sự: “Mấy năm gần đây do tuổi già đến cộng với cái bệnh nó hành hạ nên sức khỏe của mình giảm đi, cái mắt mờ rồi, cái tai không còn nhanh nữa, điều mình lo lắng đó là truyền thống văn hóa của dân tộc mình bị mai một, không có người kế tục, phát huy bởi hiện nay lớp trẻ “thiếu lửa”, thiếu đam mê về bản sắc văn hóa của dân tộc mình lắm, chúng thích đi hát karaoke, nhạc trẻ, chơi điện tử,… chứ ít chú ý tới việc học tập, lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc mình…”.

Khi hỏi về sự kế tục của các con, nghệ nhân giãi bày tiếp: “Điều càng khiến mình day dứt đó là sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái) nhưng không đứa nào chịu kế tục, học cách diễn tấu và chế tác nhạc cụ dân tộc của cha ông mình. Chúng không đam mê, hứng thú với nghề này như mình hồi xưa, con trai lớn của mình cũng chỉ biết đánh cái chiêng kram còn diễn tấu cũng như chế tác nhạc cụ thì không muốn học…”.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm