Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Biếu tặng quà Tết lãnh đạo, vì sao phải cấm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên thực tế, tình trạng "biếu xén" vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, khó kiểm soát.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều địa phương đồng loạt ban hành các văn bản quy định cấm biếu tặng quà cáp cho lãnh đạo. Tuy nhiên, tính hiệu quả và sự phù hợp của quy định này vẫn là chủ đề tạo tranh luận.

Điều đầu tiên có thể khẳng định việc ban hành các quy định cấm biếu tặng quà cáp cho lãnh đạo dịp Tết là cần thiết, chính đáng.

Bởi, đây là biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tục lệ biếu quà Tết tuy xuất phát từ truyền thống tốt đẹp nhưng đã bị biến tướng thành hình thức "đút lót", "mua chuộc" trong môi trường công vụ. Nhiều trường hợp, giá trị quà tặng lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, vượt xa ý nghĩa thăm hỏi, chúc Tết thông thường.

Bởi, quy định này góp phần xây dựng môi trường công vụ trong sạch, minh bạch. Khi không còn tình trạng "biếu xén", quan hệ giữa cán bộ công chức với người dân và doanh nghiệp sẽ trở nên bình đẳng, đúng đắn hơn, dựa trên nguyên tắc phục vụ chứ không phải "có đi có lại".

Bởi, việc cấm biếu tặng giúp giảm áp lực về mặt tài chính không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiết kiệm, chống lãng phí để kịp thời lo cho dân!

Về mặt tích cực, quy định cấm "biếu xén" đã tạo được sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của cán bộ công chức và người dân. Nhiều đơn vị đã nghiêm túc thực hiện, từ chối nhận quà Tết dưới mọi hình thức. Điều này góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, vì dân phục vụ.

Tuy nhiên, phải nói thẳng rằng, trên thực tế, tình trạng "biếu xén" vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi và khó kiểm soát. Thay vì tặng quà trực tiếp, nhiều người chuyển sang biếu tặng qua người thân lãnh đạo; chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng (giao dịch ngầm); góp vốn đầu tư "ma" vào các dự án bất động sản…

Những điều trên không nói vo mà có minh chứng hẳn hoi qua các "đại án" xảy ra tại Tập đoàn FLC, tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, tại Bệnh viện Bạch Mai, tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á… Quà cáp trong nhiều vụ án là biệt thự, đất đai, đồng hồ, túi xách tay, tiền mặt…

Đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều vụ việc khác có thể chưa bị phát hiện do thủ đoạn "biếu xén" ngày càng tinh vi, khó chứng minh mối liên hệ giữa quà tặng và hành vi vi phạm.

Nhiều người viện dẫn rằng, việc cấm đoán quà cáp là đi ngược với truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt. Tục lệ biếu quà Tết thể hiện sự quan tâm, tình cảm và lòng biết ơn - những giá trị văn hóa được trân trọng trong xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa tặng quà xuất phát từ tình cảm chân thành với hành vi "biếu xén" vụ lợi. Trong môi trường công vụ, ranh giới này thường bị xóa nhòa, tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực. Do đó, quy định cấm biếu tặng không phải là đi ngược truyền thống, mà là bảo vệ ý nghĩa đích thực của văn hóa tặng quà.

Quy định cấm "biếu xén" quà cáp dịp Tết không đơn thuần là một khẩu hiệu hay phong trào, mà là biện pháp cần thiết trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Tuy còn những hạn chế trong thực thi, nhưng nếu cơ quan hữu trách xây dựng được cơ chế giám sát hiệu quả, khuyến khích tố giác các hành vi vi phạm, có chế tài xử phạt nghiêm minh, cải thiện chế độ đãi ngộ cán bộ công chức để họ không bị cám dỗ bởi các khoản "biếu xén", thì tình hình sẽ khác.

Hy vọng lúc đó, Việt Nam có một nền hành chính công trong sạch, hiệu quả, tự tin tiến vào kỷ nguyên mới!

Theo QUỐC HY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm