Phóng sự - Ký sự

Nơi Thành đồng Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Như một giấc mơ, loáng cái, tôi đã có tròn nửa thế kỷ sống, chiến đấu và làm việc trên mảnh đất miền Đông “gian lao mà anh dũng”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt thắp hương các anh hùng liệt sĩ ở khu tưởng niệm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt thắp hương các anh hùng liệt sĩ ở khu tưởng niệm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN


Nhớ lại những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi đang học năm cuối cấp 3, chúng tôi có nhiều lựa chọn: vào đại học, đi nước ngoài, hay nhập ngũ đánh giặc? Chúng tôi đã có sự lựa chọn chuẩn xác. Học là chuyện của cả đời. Nay “nước có giặc thì đi đánh giặc!”. Thế là chúng tôi tạm biệt mái trường cấp 3 Hải Hậu thân yêu vào Nam. Trên đỉnh Trường Sơn, chúng tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là lớp đảng viên được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào Nam, chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn 2 (Trung đoàn 174 - Đoàn Cao Bắc Lạng) thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Bước vào Chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 4 năm 1972, đơn vị chúng tôi là mũi chủ công tiêu diệt Chi khu Lộc Ninh, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn làm cơ sở xây dựng thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...

Hồi còn nhỏ chúng tôi đã mê những ca khúc về chiến trường miền Đông Nam bộ như: Tình ca của Hoàng Việt, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng... Vào miền Đông, chúng tôi mang theo tâm trạng vừa lạ vừa quen đó. Quen tiếng suối róc rách, quen ánh lửa bập bùng trong ca khúc. Nhưng lạ với những trận B52 hủy diệt; lạ với rừng Tây Ninh trụi lá, nham nhở hố bom vừa trải qua đợt rải thảm chất độc màu da cam - dioxin. Thi ca thì mộng mơ, chiến trường thì khốc liệt. Chúng tôi quen với những trận tập kích và ngay sau đó là việc chôn cất đồng đội. Chúng tôi quen dần với khẩu ngữ chiến trường. Thay vì hỏi thăm đồng đội có khỏe không, thì hỏi rằng: Thằng ấy có còn không? Câu hỏi nghe chát chúa như chuyện trên Trời mà có thật.

Con đường dẫn đến toàn thắng thật nhiều gian nan khốc liệt. Sau khi giải phóng Lộc Ninh, chúng tôi có lệnh hành quân cấp tốc về Đồng bằng sông Cửu Long. Sau này mới biết, để chuẩn bị ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, Mỹ rút quân về nước, chúng ta cần mở rộng vùng giải phóng, cứu nhân dân thoát khỏi vùng địch nên phải nhanh chóng chớp thời cơ.

Với tầm chiến lược ấy, suốt mấy năm trời, từ tháng 6 năm 1972 đến tháng 4 năm 1974, Trung đoàn 174 được giao làm mũi chủ công tiến công Chi khu Long Khốt. Thực ra, căn cứ quân sự nằm trên xã Thái Bình Trung thuộc huyện Vĩnh Hưng này không phải là cứ điểm lớn của đối phương, nhưng đó là yết hầu, là địa danh có ý nghĩa chiến lược ở vùng biên giới phía Tây Nam này. Muốn đưa đại quân về Đồng bằng sông Cửu Long phải tiêu diệt được cụm cứ điểm dọc biên giới mà Long Khốt là trọng tâm.

Trận đầu diễn ra không suôn sẻ. “Áo chiến sĩ phơi nhòe đêm trăng” là thế. Có đêm trên cánh đồng Long Khốt, Gò Da, Thái Trị..., chúng tôi phải chôn cất hàng trăm đồng đội. Họ là những “Tân binh C” quân phục Tô Châu chưa bạc màu, môi đỏ như son và nước da học trò chưa rám nắng đã ngã vào lòng đất. Một đêm, tại căn cứ Long Khốt vừa chiếm được của địch, tôi trú chung hầm chiến đấu của chính trị viên đại đội 7 Kim Văn Bút. Trời tối, không nhìn rõ mặt người. Pháo của địch dội tới, tôi thấy nơi mình ngồi lạnh như có nước đá. Vừa cất tiếng thì chính trị viên Bút nói rằng: “Ấy chết, anh ngồi lên người cậu Thúy liên lạc rồi. Cậu ấy hy sinh đêm qua mà chưa đưa thi thể cậu ấy về tuyến sau được”.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ mà cái lạnh như nước đá ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Thúy là chiến sĩ liên lạc trẻ tuổi, đẹp trai, nhanh nhẹn. Mỗi lần tôi đến công tác tại đại đội 7, Thúy lo cho chúng tôi thật chu đáo, tận tình. Thế mà nay em đã trở thành người thiên cổ “Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai” (thơ Trần Mạnh Hảo). Không chỉ có chiến sĩ liên lạc Thúy ngã xuống. Những ngày sau đó, chúng tôi liên tục chôn cất đồng đội, trong đó có cả những cán bộ như chính trị viên tiểu đoàn Vũ, đại đội trưởng Lật... Long Khốt gai góc, khốc liệt rồi cũng có ngày ta làm chủ. Với cách đánh binh chủng hợp thành, đợt tấn công thứ 2 vào tháng 4 năm 1974, chúng tôi đã giải phóng được Long Khốt. Lại thêm một đêm nữa tôi ngủ tại Long Khốt, dưới làn pháo như bão dông từ gò Măng Đa dội tới. Khoảnh khắc giữa hai trận pháo là phút bình yên đến lạ thường. Chính trị viên tiểu đoàn Bùi Đức Trằn nói chiến sĩ liên lạc Phùng Ngọc Đồng dùng thuyền ba lá chở tôi du ngoạn trên sông Long Khốt. Tôi ngập tràn cảm xúc, như thể chưa bao giờ nơi đây có chiến tranh. Tôi đã có một đêm như thế. Và, sau này từ một người lính cầm súng, tôi trở thành một người lính cầm bút viết về đồng đội, viết về những tháng năm khốc liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, giải phóng và bảo vệ đất nước, có lẽ cũng bắt đầu từ những đêm như thế.

Những ngày này, Quân khu 7 đang chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập. Những lát cắt kỷ niệm của tôi với Trung đoàn 174 - Đoàn Cao Bắc Lạng thân yêu mà tôi vinh dự đã có một thời làm lính chợt ùa về. 75 năm, một chặng đường chưa phải là dài so với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc nhưng với mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” này thật đáng trân trọng, ghi nhớ. Điều trân trọng, ghi nhớ ấy có được bởi xương máu của biết bao thế hệ quân và dân Quân khu 7 - nơi địa linh sinh nhân kiệt, nơi Thành đồng Tổ quốc!

Theo TRẦN THẾ TUYỂN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm