(GLO)- Hầu hết học viên đang điều trị tại Cơ sở tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh (xã Trà Đa, TP. Pleiku) đều thể hiện quyết tâm hoàn lương sau khi được các thầy-cô giáo ở đây cảm hóa, giáo dục.
Khát vọng hoàn lương
Chúng tôi đến Cơ sở tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở) đúng vào ngày phát động Tháng Hành động phòng-chống ma túy năm 2017. Sau những tiết mục văn nghệ của các học viên là phần trao giải cuộc thi báo tường. Trong số 13 bài báo tường với chủ đề “Hy vọng”, những lời tâm sự của các học viên nữ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người có mặt hôm ấy.
Học viên trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ảnh. Đ.Y |
Trịnh Thị Thanh H.-một trong những người tự nguyện vào Cơ sở cai nghiện ma túy chia sẻ với giọng buồn buồn: “Em đã tốt nghiệp đại học, có một công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc với cô con gái thông minh, xinh đẹp năm nay tròn 3 tuổi. Nhưng cuộc đời lắm éo le! Gia đình em đang hạnh phúc thì chồng bỗng dưng bồ bịch lăng nhăng, em khuyên mãi mà vẫn chứng nào tật ấy. Vậy là chúng em chia tay. Cú sốc tâm lý quá lớn khiến em không làm chủ được bản thân. Rồi bị bạn rủ rê, em đã sa vào con đường nghiện ma túy. Vào Cơ sở điều trị đã 6 tháng, được các thầy-cô giáo, anh chị quản lý quan tâm giúp đỡ, động viên nên em luôn cố gắng học tập thật tốt để sau khi hết thời gian trở về nhà sẽ tìm một việc làm ổn định, đoạn tuyệt với ma túy”.
Cũng như H., học viên Đinh Văn L. (SN 1981) vào Cơ sở cai nghiện đã được 15 tháng. Nghĩ lại những tháng ngày vật vã với ma túy, L. tưởng rằng cuộc đời sẽ chẳng còn ý nghĩa. “Nhưng khi vào cơ sở, tôi thấy môi trường ở đây rất tốt để những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Tôi đã nhận ra được giá trị của cuộc sống. Nếu sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và biết quyết tâm vượt lên thì mọi cám dỗ của cuộc đời sẽ không bao giờ khiến mình sa ngã. Sau khi hết thời gian ở Cơ sở, tôi sẽ làm lại cuộc đời, tìm một việc làm”-anh L. bày tỏ quyết tâm.
Hết lòng với học viên
Có dịp tâm sự với các cán bộ, thầy-cô giáo và các anh chị quản lý ở Cơ sở mới hiểu hết được những khó khăn và cả tâm huyết của họ. Dù thu nhập hưởng theo mức lương hành chính (có những nhân viên bảo vệ chỉ nhận mức lương hệ số 1,5) song bằng trách nhiệm, tâm huyết với nghề, họ vẫn luôn đem hết kinh nghiệm, tình thương để điều trị, cảm hóa, giáo dục các học viên trở thành người tốt, công dân có ích cho xã hội khi tái hòa nhập cộng đồng. Ông Trịnh Đình Tài-nhân viên Phòng Y tế của Cơ sở cho biết: “Ngoài điều trị theo phác đồ y tế, tôi còn thường xuyên tìm các loại thuốc điều trị ma túy tổng hợp, có như vậy mới giúp các học viên nhanh chóng lấy lại thăng bằng trong cuộc sống”.
Ngoài giúp các học viên điều trị, hàng ngày, để giúp họ vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần mà cơn nghiện ma túy dày vò, các thầy-cô giáo ở đây đã quan tâm chăm sóc, giáo dục học viên bằng tình cảm như chính người thân trong nhà. Bà Huỳnh Thị Hoài Thanh (giáo viên của Cơ sở) cho rằng: “Để giúp các học viên nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống thì lao động là một liệu pháp của quy trình cai nghiện ma túy. Ngoài giúp họ hồi phục thể lực, tự tin hơn trong cuộc sống, lao động còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra giá trị kinh tế cho mỗi học viên”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở cho biết: “Thời gian gần đây, Cơ sở tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp các học viên tự tin trong việc học tập, rèn luyện sức khỏe để có một ý chí vững vàng, quyết tâm nói không với ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Hơn nữa, Cơ sở cũng đặc biệt quan tâm đến công tác “hậu cai nghiện”. Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, học viên nào có nguyện vọng xin việc làm, Cơ sở sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tìm việc cho các em”.
Đinh Yến