Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nông dân Chư Sê trồng thử nghiệm cây sachi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt, cà phê liên tục xuống giá trong thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai) đã chuyển sang trồng thử nghiệm cây sachi. Dù bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế song chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân chưa nên nhân rộng loại cây trồng mới mẻ này.
Cuối năm 2017, Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên (trụ sở tại tỉnh Kon Tum) triển khai mô hình khảo nghiệm trồng cây sachi trên địa bàn xã Ia Blang (huyện Chư Sê) với diện tích 3 ha, có 10 hộ dân tham gia. Bên cạnh hỗ trợ 50% giá trị cây giống, Công ty còn hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ tham gia mô hình.
Gia đình anh Nguyễn Viết Quyền (thôn Vinh Hòa, xã Ia Blang) có 5 sào cà phê và 5 sào hồ tiêu. Từ năm 2015 đến nay, vườn hồ tiêu anh liên tục nhiễm bệnh rồi chết sạch. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi khác thì anh Quyền biết đến cây sachi và đăng ký tham gia mô hình trồng khảo nghiệm loại cây này. Tháng 2-2018, trên diện tích 1 sào hồ tiêu đã chết, anh Quyền xuống giống 200 cây sachi. Sau một thời gian thử nghiệm, anh Quyền nhận thấy cây sachi dễ thích nghi với môi trường, chịu hạn tốt, ít dịch bệnh, thời gian ra quả chỉ sau 6-8 tháng và cho thu hoạch quanh năm. Bên cạnh đó, với giá bán từ 50 ngàn đồng đến 140 ngàn đồng/kg như thời gian qua, gia đình anh vẫn có lãi. “So với cây hồ tiêu, trồng sachi tốn ít công hơn, chi phí đầu tư cũng thấp. Nếu trồng hồ tiêu, mỗi năm chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng/sào, còn sau hơn 1 năm trồng sachi (bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 10-2018), tôi đã thu được 18 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi đang mở rộng trồng sachi trên 4 sào hồ tiêu chết còn lại”-anh Quyền cho biết.
 Anh Quyền bên vườn sachi đang cho thu nhập của gia đình.                    Ảnh: H.T
Anh Quyền bên vườn sachi đang cho thu nhập của gia đình. Ảnh: H.T
Ông Lương Hoàng Phương-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Blang-cho hay: Khi tham gia mô hình trồng khảo nghiệm cây sachi, người dân trên địa bàn xã đã tận dụng đất vườn hồ tiêu chết. Qua theo dõi, có khoảng 30% số cây sachi bị chết do nhiễm bệnh sâu đục thân và bị úng nước do trồng ở địa hình thấp. Diện tích còn lại phù hợp với thổ nhưỡng nên phát triển tốt và chỉ sau 6-8 tháng đã cho thu hoạch với giá bán dao động từ 50 ngàn đồng đến 140 ngàn đồng/kg. Đến nay, hầu hết các hộ tham gia mô hình đã lấy lại được vốn đầu tư, một số hộ đã có lãi.
Trước hiệu quả kinh tế do cây sachi mang lại, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê cũng tự mua hạt giống về ươm trồng mặc dù chưa xác định được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Được người quen giới thiệu về cây sachi, anh Nguyễn Phúc Nhật (thôn 1, xã Ia Hlốp) tìm hiểu thêm thông tin trên mạng rồi quyết định mua 1 tạ hạt giống về trồng thử nghiệm. Sau khi ươm cây, tháng 6-2018, anh Nhật bắt đầu trồng 600 cây sachi xen canh trong 3 sào hồ tiêu mới trồng. Sau 6 tháng, sachi bắt đầu cho quả. Đến nay, anh đã thu được 1 tạ hạt khô; bán cho thương lái với giá 40.000-65.000 đồng/kg. “Trước mắt, tôi cũng chỉ dám trồng thử một ít. Tôi dự tính sẽ tiếp tục theo dõi loại cây trồng này thêm một thời gian nữa, nếu hiệu quả khả quan thì mới nhân rộng”-anh Nhật bày tỏ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Các hộ dân tham gia mô hình trồng khảo nghiệm cây sachi đã tận dụng được những điều kiện sẵn có trên vườn hồ tiêu bị chết như trụ, công trình nước tưới… nên chi phí đầu tư ban đầu không đáng kể. Hiện diện tích sachi thực hiện theo mô hình trên đã cho thu hoạch, đạt năng suất, bước đầu thấy phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.
Ông Hợp cũng thông tin thêm, ngoài các hộ tham gia mô hình, nhiều người dân trên địa bàn huyện cũng trồng sachi tự phát với diện tích khoảng 40 ha, tập trung ở thị trấn Chư Sê và các xã: Ia Blang, Ia Pal, Ia Hlốp, Al Bá… “Thực tế, cây sachi vẫn đang trong quá trình trồng thử nghiệm. Do vậy, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân không đổ xô trồng tràn lan mà nên cân nhắc, nếu ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì hãy trồng, tránh cung vượt cầu, không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ kết quả khảo nghiệm chính thức và định hướng của tỉnh về cây trồng này trong thời gian tới”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nói.
 HỒNG THƯƠNG-MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm