Nông dân đòi nhà máy đền bù vì thu hoạch mía bị sót

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Một nông dân ở huyện Krông Pa đã đòi Nhà máy Đường Ayun Pa (Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) phải đền bù vì máy thu hoạch mía của đơn vị này để sót hàng chục tấn mía trên cánh đồng.

Ngày 23-2, trên mạng xã hội facebook xuất hiện những đoạn clip với nội dung Nhà máy Đường Ayun Pa dùng máy để thu hoạch mía cho nông dân ở huyện Krông Pa nhưng mía bị sót lại rất nhiều trên cánh đồng. Theo tìm hiểu của P.V, ruộng mía trên là của gia đình chị Trương Thị Thương (tổ dân phố 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa).

 

Hàng chục tấn mía của gia đình chị Thương còn sót lại trên cánh đồng. Ảnh: V.N
Hàng chục tấn mía của gia đình chị Thương còn sót lại trên cánh đồng. Ảnh: V.N

Trao đổi với P.V, chị Thương cho hay, từ năm 2017, gia đình chị trồng 2 ha mía có ký hợp đồng đầu tư với Nhà máy Đường Ayun Pa. “Mía được trồng bằng máy và được tưới nước nên phát triển đều nhưng có một số đoạn bị nghiêng ngả vì gió lớn. Đến ngày thu hoạch, cán bộ của Nhà máy có xuống xem ruộng mía và nói rằng sẽ đưa máy xuống chặt. Gia đình tôi đồng ý và hỏi lại rằng khu vực mía bị nghiêng do gió như vậy có thu hoạch được không thì họ bảo không sao rồi đưa máy vào chặt với giá thỏa thuận là 190 ngàn đồng/tấn”.

Theo chị Thương, đêm 22-2 vừa qua, Nhà máy đã đưa máy đến thu hoạch 2 ha mía của gia đình chị. Sau khi thu hoạch xong, phía Nhà máy báo với gia đình chị là sản lượng đạt hơn 120 tấn. Thấy sản lượng quá thấp so với dự tính và mặt bằng chung của những ruộng mía xung quanh, chị Thương đã ra ruộng kiểm tra thì phát hiện thân mía bị bỏ lại la liệt. Sau đó, một thanh niên trong khu vực đã quay clip về việc này và đăng tải lên mạng xã hội facebook.

Bức xúc vì lượng mía sót nhiều, gia đình chị Thương đã giữ máy chặt mía lại, đồng thời báo chính quyền địa phương để yêu cầu Nhà máy đền bù thỏa đáng. “Mía xung quanh đây nhà nào cũng đạt hơn 100 tấn/ha dù không được tưới. Mía nhà tôi có tưới nước mà tính ra chỉ được hơn 60 tấn/ha thì thiệt thòi quá. Nếu như vậy, chúng tôi lỗ nặng. Ngay cả có đền bù thì có lẽ cũng chỉ hòa vốn chứ không có lãi”-chị Thương chia sẻ. Đến ngày 24-2, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đã đến ruộng mía của gia đình chị Thương kiểm tra và thống nhất phương án đền bù. Theo đó, các bên đã thống nhất khối lượng mía còn sót lại trên ruộng là 75 tấn và phía Nhà máy sẽ đền bù 70% khối lượng mía này, tương đương với 52,5 tấn.

Ngày 26-2, trao đổi qua điện thoại với P.V, bà Vũ Thị Lan-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, khẳng định, sau khi xuống kiểm tra tại ruộng thì những thông tin đăng tải trên mạng xã hội là không chính xác. “Mía trên ruộng không còn nhiều, chỉ khoảng hơn 10 tấn nhưng Công ty vẫn đền bù theo khối lượng đã thỏa thuận như trên để người dân biết thiện chí của Công ty. Thực tế, theo điều tra nông nghiệp, 2 ha này chỉ đạt khoảng 110 tấn, mà đã thu hoạch về Nhà máy là hơn 120 tấn”-bà Lan nói. Cũng theo bà Lan, việc sót mía cũng không phải do máy vì máy thu hoạch các ruộng khác đều không xảy ra chuyện này. Lý do được đưa ra là vì ruộng mía của gia đình chị Thương không bằng phẳng, nhấp nhô và mía bị đổ ngược chiều so với chiều chặt của máy nên đã xảy ra việc sót mía.  Công ty vẫn khuyến khích việc thu hoạch mía bằng máy vì sẽ giúp chặt sát gốc hơn, lá mía cũng được tận dụng để cải tạo đất ruộng.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm