Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân đua nhau trồng cà phê năng suất cao nhưng lợi nhuận thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng giá cà phê bán ra nhưng người trồng năng suất cao lời ít hơn người trồng năng suất thấp do chi phí cao.



Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp kiêm Trưởng đại diện Công ty Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, cho biết như trên tại tọa đàm về phát triển cà phê bền vững tổ chức ở TP HCM nhân Ngày Quốc tế Cà phê (1-10).

Theo ông Ngọc, Việt Nam hiện là nước trồng cà phê đạt năng suất cao nhất thế giới với mức bình quân 2,7 tấn/ha, trong khi các nước Đông Nam Á khác như: Indonesia 0,6 tấn/ha, Philippines 0,7 tấn/ha, Thái Lan 1 tấn/ha. Trong chương trình Nescafé Plan nhằm phát triển cà phê bền vững do Tập đoàn Nestlé thực hiện thì năng suất cà phê tại Việt Nam là 4,5 tấn/ha, Indonesia 1 tấn/ha, Philippines 0,8 tấn/ha, Thái Lan 1,7 tấn/ha.

"Nhiều nông dân Việt Nam có thể đẩy năng suất cà phê lên 7-10 tấn/ha nhưng chúng tôi không khuyến khích điều này mà khuyến cáo họ nên duy trì năng suất khoảng 4,5 tấn/ha để bảo đảm mục tiêu bền vững. Thông qua nhật ký nông hộ được số hóa, chúng tôi ghi nhận có những nông dân trồng cà phê giá thành chỉ 14.000 đồng/kg trong khi có người trồng giá thành đến 30.000 đồng/kg. Khi truy lại chi phí sản xuất mới phát hiện nông dân trồng giá thành cao do chạy đua năng suất lên 7-8 tấn/ha, bón đến 6 tấn phân/ha trong khi chúng tôi khuyến cáo chỉ bón 1,7 tấn/ha. Điều này dẫn đến cùng một giá cà phê bán ra là 33.000 đồng/kg nhưng người trồng năng suất cao lại lời rất ít trong khi người trồng cà phê năng suất thấp lợi nhuận cao" – ông Ngọc phân tích.


 

Nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên tham gia chương trình Nescafé Plan
Nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên tham gia chương trình Nescafé Plan


Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước với diện tích hơn 200.000 ha (chiếm hơn 1/3 cả nước – PV), sản lượng khoảng 470.000 tấn/năm. Đây là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn lợi lớn, ổn định cho nông dân.

"Chúng tôi khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng cà phê ở những vùng không có lợi thế như: không đủ nước tưới, đất không phù hợp, đất mỏng, độ dốc cao để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Nông dân sẽ nhìn vào thị trường để quyết định cây trồng nào phù hợp. Ưu điểm của cà phê là khi giá thấp, người dân có thể phơi khô chờ tăng giá trong khi cây ăn quả phải bán ngay và chưa có nhà máy chế biến sâu. Do vậy, những vùng trồng cà phê có lợi thế vẫn được duy trì"-ông Hiển thông tin.

Theo Ngọc Ánh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm