(GLO)- Vài năm trở lại đây, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai liên tiếp xuống thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp và nhân công luôn ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của đa số nông dân. Thêm vào đó, nguy cơ hạn hán, mất mùa thường trực khiến nhiều nông dân e ngại đầu tư cho sản xuất vì sợ lỗ.
Giá nông sản lao dốc
Ông Phạm Dần (làng Bông, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Gia đình tôi hiện có 4.000 trụ hồ tiêu kinh doanh và 4,5 ha cà phê. Những năm trước, giá hồ tiêu cao nên tôi còn đầu tư chăm sóc vì biết sẽ có lãi. Còn hiện nay, giá hồ tiêu xuống thấp, dao động ở mức 42.000-43.000 đồng/kg nên đầu tư sẽ bị lỗ. Cũng may là nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đúng cách nên vườn hồ tiêu của gia đình tôi không bị chết nhiều như của các hộ khác”. Cũng theo ông Dần, không chỉ hồ tiêu rớt giá thảm hại mà cà phê cũng đang trong tình trạng tương tự. Hiện tại, giá cà phê chỉ còn 32-33 triệu đồng/tấn nhân khiến người trồng hết sức khó khăn. Bởi lẽ, với mức giá này, sau khi thu hoạch cà phê, nông dân chỉ đủ trả tiền công và vật tư nông nghiệp, thậm chí bị lỗ.
Nông dân huyện Chư Pah tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: N.D |
Ngoài hồ tiêu, cà phê, giá hạt điều cũng giảm mạnh. Những năm trước, giá hạt điều thô đạt 45.000-50.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 30.000-32.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Ba (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) buồn bã nói: “2 năm trước, giá hạt điều ở mức cao đã kích thích người dân đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên, năm nay, giá hạt điều giảm sâu nên chúng tôi không khỏi hụt hẫng. Với mức giá này, sau khi trừ tiền thuê công nhặt điều cũng chỉ còn đủ vốn đầu tư. Như gia đình tôi mới bán hạt điều xong, sau khi trừ chi phí cũng chỉ thu về được hơn 40 triệu đồng từ 2,5 ha”.
E ngại đầu tư vì sợ lỗ
Vài năm trở lại đây, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh liên tiếp lao dốc gây nhiều khó khăn cho nông dân trong việc tái đầu tư sản xuất. Đã vậy, giá vật tư nông nghiệp, công lao động lại tăng so với những năm trước khiến nhiều hộ nông dân hiện nay không muốn tái đầu tư sản xuất bởi sợ bị lỗ.
Bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nói: “Giá cả các mặt hàng nông sản thấp như hiện nay khiến hầu hết nông dân đều gặp nhiều khó khăn vì không có tiền tái đầu tư cho vụ mới. Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ khi gần 3 ha cà phê kinh doanh trong vụ thu hoạch vừa rồi vừa mất mùa lại mất giá nên đến giờ mới chỉ bón phân được một đợt chứ đúng ra đã phải 2-3 đợt. Hiện tại, gia đình tôi tự tưới nước, làm cành chứ không thuê công lao động như trước bởi mức giá thuê 200 ngàn đồng/người/ngày còn phải nuôi ăn thì sẽ không có lãi”.
Có cùng suy nghĩ này, ông Phạm Dần cho biết: “Các mặt hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên nói chung đang rớt giá. Với mức giá hồ tiêu, cà phê như hiện nay, gia đình tôi không dám đầu tư nhiều vì sợ lỗ nặng. Thay vào đó, gia đình tập trung giữ vườn cây phát triển ổn định, chờ giá cả thuận lợi mới dám đầu tư trở lại”.
Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như cao su, hồ tiêu… một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, “vàng đen”… giờ đây lại đang trở thành nỗi lo của nhiều nông dân bởi giá cả xuống thấp, đầu tư nhiều không thu được bao nhiêu, thậm chí lỗ vốn. Vì vậy, hầu hết nông dân đều mong giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực sớm ổn định trở lại để cuộc sống đỡ vất vả hơn.
NGUYỄN DIỆP