Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Phú Thiện tiếp cận với nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Hội Nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ tổ chức Hội thảo về giải pháp sản xuất nông nghiệp sạch. Hội thảo trang bị cho nông dân nhiều thông tin hữu ích, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.

Trong những năm qua, huyện Phú Thiện chú trọng triển khai công tác quy hoạch, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, khuyến khích sử dụng những cây-con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Tiến Dinh-thành viên Ban Chỉ đạo khoa học nông nghiệp-cây công nghiệp Tây Nguyên (Viện Nông nghiệp Việt Nam) giải đáp thắc mắc của bà con nông dân. Ảnh: Vũ Chi


Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy nhiều hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu vô hình trung gây lãng phí, làm thoái hóa đất, đẩy chi phí sản xuất lên cao, hiệu quả kinh tế giảm sút.

Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm giúp bà con nông dân hiểu rõ hơn về các quy trình sản xuất, thổ nhưỡng, dinh dưỡng cũng như các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân nhận biết, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng cách, làm tăng năng suất cây trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Tại hội thảo, hơn 100 hội viên nông dân được GS. Nguyễn Trọng Tấn-chuyên gia hóa-sinh Trường Đại học OHIO (Mỹ) và PGS-TS. Phạm Tiến Dinh-thành viên Ban Chỉ đạo khoa học nông nghiệp-cây công nghiệp Tây Nguyên (Viện Nông nghiệp Việt Nam) giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về một số bệnh thường gặp trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, các chuyên gia còn hướng dẫn bà con giải pháp sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, trong đó, đi sâu phân tích về kỹ thuật canh tác, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Lại Quang Huấn (làng Ia Chă Wău, xã Chư A Thai) nêu câu hỏi: “Nhà tôi có 5 ha cây ăn quả gồm xoài và nhãn. Lần gần nhất cây ra hoa rất nhiều, sau đó rụng như trút, khiến năng suất giảm hẳn. Xin các chuyên gia giải thích hiện tượng và biện pháp khắc phục”.

Còn ông Nguyễn Văn Chung (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol) thì nêu thắc mắc: “Mặc dù bón phân lân và đạm nhiều nhưng một số diện tích lúa của gia đình bị vàng lá, lép hạt, dẫn đến năng suất thấp”. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi về bệnh đốm lá trên cây rau, nám vỏ ở cây ăn quả hay nhanh thoái hóa giống ở heo cũng được đặt ra cho các chuyên gia.

Trả lời các câu hỏi của bà con nông dân, PGS-TS. Phạm Tiến Dinh cho rằng: Hiện tượng sử dụng phân bón vô tội vạ, thiếu kinh nghiệm của nhiều bà con nông dân gây lãng phí trong sản xuất nông nghiệp. Đất tại một số khu vực trên địa bàn huyện rất kén lân, dẫn đến tình trạng lân không tan, vón cục trên ruộng. Cây trồng, đặc biệt là cây lúa bị vàng lá, lép hạt là do thiếu đạm nhưng bón đạm lại không ăn.

Với những trường hợp này, bà con nên pha thành dung dịch và phun qua lá. Thực tế chứng minh rằng, cây chỉ có thể hấp thụ 40% chất dinh dưỡng qua rễ. Còn nếu phun qua lá, cây hấp thụ đến trên 90%. Đối với các loại cây ăn quả, theo PGS-TS. Phạm Tiến Dinh, bà con nên tuyệt đối kiêng tưới nước trong thời kỳ cây ra hoa để tránh hiện tượng rụng hoa hàng loạt.

Theo các chuyên gia, đối với những loại cây giống ăn quả, khi mua về, bà con không được đem trồng ngay mà phải để trong bóng mát ít nhất 10 ngày. Bởi trong quá trình vận chuyển, rễ cây bị xê dịch, dao động nên cần có thời gian để phục hồi. Sau 10 ngày đem trồng, tỷ lệ cây sống rất cao. Quy luật này cũng được áp dụng nếu muốn duy trì khả năng sinh sản trên động vật.

“Bà con không nên sử dụng các biện pháp kích dục quá sớm, phải tuân thủ quy luật phát triển tự nhiên, đặc biệt để chúng có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục thể lực sau quá trình vượt cạn”-PGS-TS. Phạm Tiến Dinh khuyến cáo. Ngoài ra, các chuyên gia còn tận tình hướng dẫn bà con cách tận dụng phế phẩm từ rau, củ, quả làm phân bón hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất, nâng cao năng suất cây trồng.

Ông Nguyễn Quang Hà (buôn Plok, xã Ia Ake) chia sẻ: “Với nông dân chúng tôi, những hội thảo như thế này là vô cùng bổ ích, giúp có thêm nhiều kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp sạch. Hy vọng sau đợt này, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức thêm những hội thảo đầu bờ, giải quyết tình trạng cây trồng bị sâu bệnh, giúp bà con khắc phục thiệt hại, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện-cho biết: Hội thảo góp phần giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững. Qua đó, bà con tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm