(GLO)- “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được đông đảo hội viên hưởng ứng. Toàn tỉnh Gia Lai có trên 85.000 hộ đăng ký và hơn 56.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Trong đó có 21.000 hộ sản xuất giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Rơ Mah Giáp-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai-cho biết.
Hơn 4.000 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên
Theo ông Rơ Mah Giáp, có được kết quả này là nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong những năm qua, từ đó nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su; thực hiện mô hình V.A.C, kinh doanh tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ có mức thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Đặc biệt có hơn 4.000 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.
Ông Pun (làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa) bên vườn cà phê năng suất cao của mình. Ảnh: Đ.Y |
Đơn cử như mô hình kinh tế đa ngành của ông Nguyễn Đức Tú (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Trên cùng một diện tích, ông Tú trồng chuối, cà phê, hồ tiêu, điều và chăn nuôi gà, heo, cá nước ngọt. Mỗi năm, ông thu nhập bình quân 800 triệu đồng. “Ban đầu, tôi suy nghĩ rất nhiều về việc nên trồng cây gì, nuôi con gì trên 4 ha đất này để có thu nhập cao nhất, thực hiện quay vòng lấy ngắn nuôi dài là như thế nào... Được Hội Nông dân tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan mô hình nuôi cá giống ở các địa phương khác, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích ao để ương cá giống phục vụ bà con địa phương, sau đó hình thành mô hình kinh tế đa ngành”-ông Tú cho biết. Với trang trại này, gia đình ông đã tạo điều kiện cho 3 lao động có việc làm với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên hỗ trợ giống cá và cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn mượn vốn để sản xuất.
Hộ ông Pun (làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa) là một trong những gương điển hình khác về phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia đình ông có 1 ha đất trồng cà phê mít. Thấy năng suất thấp nên ông chặt bỏ, sau đó dành thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những lớp tập huấn về kỹ thuật. Ông Pun chia sẻ: “Trồng cây công nghiệp quan trọng nhất là giống. Vì vậy, tôi đã về xã Ia Sao tìm vườn cà phê đẹp nhất, lựa cây tốt nhất mua giống đem về tự ươm trồng. Sau 3 năm, cà phê cho thu bói, đến nay 1 ha cà phê cho năng suất gần 7 tấn nhân/vụ”. Bán cà phê có tiền, ông Pun lại gom góp mua đất rẫy. Hiện gia đình ông có 3 ha cà phê, 800 trụ hồ tiêu, 1 ha lúa nước, mỗi năm sau khi trừ chi phí còn dành dụm cả tỷ đồng. Ông Pun nói: “Trồng hồ tiêu, cà phê là để tích lũy, làm giàu, tái đầu tư mở rộng sản xuất, còn trồng lúa là để lấy gạo ăn. Về khoản chi tiêu hàng ngày thì đã có máy cày, máy gặt đập vừa phục vụ việc sản xuất của gia đình, vừa làm dịch vụ cho bà con trong xã”.
Giúp nhau giảm nghèo bền vững
Bên cạnh thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân có kinh tế khá giả còn tích cực tương trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh đã tạo việc làm tại chỗ cho 443.280 lao động, trong đó có 214.620 lao động có việc làm thường xuyên, 228.660 lao động có việc làm theo mùa vụ. Cùng với đó, các hội viên có điều kiện còn giúp vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 200.442 lượt hội viên nông dân nghèo. Nhờ đó, đến nay đã có 986.876 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Nông dân Ia Grai thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T |
Sở hữu 7 ha cao su và 1.870 trụ hồ tiêu, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng, ông Amil (làng Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tôi mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thử nghiệm trước khi nhân rộng phát triển. Từ thành công của mình, tôi hướng dẫn các hội viên nông dân nghèo trong làng làm theo, rồi hỗ trợ giống cho họ trồng”. Trong khi đó, đi lên từ mô hình trồng cây lương thực và hoa màu, gia đình ông Kpă Krik (buôn Jư Ama Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) hiện có 7 ha mì, 1 ha thuốc lá, 1 cơ sở xay xát lúa cho thu nhập 700 triệu đồng/năm. Vững vàng về kinh tế, gia đình ông nhận giúp đỡ 5 hộ thoát nghèo. “Ngoài chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gia đình tôi còn giúp bà con tiền mua giống, vật tư phân bón, tới mùa thu hoạch mới hoàn trả lại”-ông Kpă Krik chia sẻ.
Không chỉ chia sẻ, hỗ trợ làm ăn, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp còn phối hợp xây mới, sửa chữa 80 căn nhà tình thương (30-50 triệu đồng/căn) để tặng hội viên nghèo, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Nhiều hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành hạt nhân đoàn kết, hòa giải có uy tín trong cộng đồng. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cũng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, tiêu biểu là cánh đồng mía lớn ở các huyện: Đak Pơ, Kbang, Ia Pa, Phú Thiện… với diện tích hàng chục, hàng trăm héc ta, nhờ đó thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Ông Rơ Mah Giáp-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đại diện cho người sản xuất bàn bạc thỏa thuận và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Qua đó, giúp hội viên nghèo tự tin áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”. |
Đinh Yến