Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Tơ Tung đầu tư máy móc chiết xuất tinh dầu sả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, một số hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư máy móc chiết xuất tinh dầu sả để cung ứng cho thị trường. Hoạt động này đã tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, giúp nâng cao thu nhập gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (xã Tơ Tung, huyện Kbang) đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và hệ thống nồi chiết xuất tinh dầu sả bằng hơi nước. Ảnh: Ngọc Minh

Năm 2018, gia đình ông Phạm Văn Tuyết (làng Đồng Tâm) được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang (TP. Pleiku) hỗ trợ giống sả Java và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ông Tuyết đã phá bỏ một số diện tích cây trồng năng suất thấp để chuyển sang trồng 4 ha sả Java theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, vườn sả cho thu hoạch 5-6 đợt lá, năng suất bình quân hơn 10 tấn lá/ha. Ông Tuyết cho biết: “Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến thời điểm thu hoạch, vì nhiều lý do, Công ty không thu mua lá sả cho các hộ dân. Trước tình hình đó, đầu năm 2020, tôi đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua nồi chưng cất tinh dầu sả”.

Nói về quy trình chiết xuất, ông Tuyết cho hay: Đầu tiên thu hoạch lá sả tươi, loại không quá già hoặc quá non để đảm bảo cho lượng tinh dầu nhiều nhất. Nếu mùa nắng, lá sả cắt xong phơi ngay tại ruộng, còn mùa mưa mang về nhà hong khô hoặc sấy, nhặt hết các loại cỏ dại, lá tạp. Khi lá sả héo, độ ẩm còn 50% so với ban đầu thì cho vào nồi nấu. Bình quân 1 tấn nguyên liệu thu được 9 lít tinh dầu sả; giá bán 350-500 ngàn đồng/lít.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (cùng thôn) trồng 6 ha sả. Năm 2019, chị đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và lắp đặt hệ thống nồi chiết xuất tinh dầu sả bằng hơi nước có sức chứa 1 tấn lá/mẻ. “So với nồi nấu truyền thống, hệ thống nồi chiết xuất tinh dầu sả bằng hơi nước có cơ chế vận hành dễ, ít tốn công, một lần sản xuất ra số lượng lớn, từ đó giảm chi phí công lao động, thời gian. Chưng cất bằng hơi nước nên hàm lượng tinh dầu được chiết xuất tối đa mà vẫn giữ nguyên được hương thơm. Ngoài ra, tinh dầu qua hệ thống lọc hiện đại nên chất lượng, màu sắc cũng tốt hơn”-chị Hương so sánh. Để đảm bảo công suất, chị còn liên kết, thu mua lá sả cho bà con trên địa bàn với giá 2.000 đồng/kg. Năm 2021, cơ sở của chị cung ứng ra thị trường 5.000 lít tinh dầu sả, mang lại doanh thu khoảng 1,8 tỷ đồng.

Nhờ đa dạng sản phẩm, năm 2021, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương (làng Đồng Tâm, xã Tơ Tung, huyện Kbang) đạt doanh thu khoảng 1,8 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Minh


Theo chị Hương, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tinh dầu sả khá lớn. Ngoài dùng để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, làm đẹp, tinh dầu sả còn là nguyên liệu thích hợp để sản xuất các sản phẩm nước rửa tay diệt khuẩn, nước lau sàn nhà. “Ngoài bán sản phẩm cho một số công ty dược, tôi còn đóng chai bán lẻ. Nhờ đa dạng sản phẩm mà việc tiêu thụ dễ dàng hơn”-chị Hương chia sẻ.

Hiện cơ sở sản xuất của chị Hương tạo việc làm thời vụ cho 20-30 lao động địa phương với mức thu nhập 200-300 ngàn đồng/người/ngày. Anh Đinh Hụi (làng Kuk) cho hay: “Ban đầu, tôi tham gia cắt, vận chuyển và bỏ lá sả vào nồi nấu. Sau này quen việc, chị Hương bố trí tôi đứng vận hành và sắp xếp lá sả vào nồi. Tôi gắn bó với công việc này từ năm 2019 đến nay, thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/tháng”.

Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Năm 2018, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang xây dựng nhà máy chế biến, cung cấp giống sả Java và cam kết bao tiêu nguyên liệu cho người dân ở các xã phía Tây của huyện. Tuy nhiên, Công ty đã không thực hiện được như dự kiến. Phần lớn người dân đã chuyển sang cây trồng khác, chỉ còn hơn chục hộ ở xã Tơ Tung duy trì trồng sả Java. Đặc biệt, một số gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nồi chưng cất tinh dầu vừa tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm, đồng thời bảo tồn giống cây trồng, nâng cao giá trị cây sả, tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

 

 NGỌC MINH 

Có thể bạn quan tâm