Phóng sự - Ký sự

Nông nghiệp sạch của người vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những tộc người thiểu số ở Quảng Bình như Khùa, Mày, Trì, Thổ (huyện Minh Hóa), Ma Coong, A Rem (huyện Bố Trạch) có thói quen canh tác nông nghiệp không thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Nó bắt nguồn từ việc tôn trọng, bảo vệ tự nhiên.

Từ chối thuốc từ sâu

Ở rẻo cao xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Bắc cho biết: “Tôi từ trung du lên công tác, được phụ trách mảng nông nghiệp. Mùa vụ nào tôi cũng chứng kiến bà con không hề nhắc đến thuốc trừ sâu, hay bất cứ dòng thuốc diệt cỏ nào. Điều mà ở dưới quê tôi xem “bảo bối” để đẩy đuổi sâu bọ, cỏ hại xâm lấn lúa thì trên này bà con không bao giờ dùng”.

Ông Hồ Phong, một nông dân ở đây, nói: “Những cái rẫy của mình rộng như cánh đồng miền xuôi. Chỉ là rẫy nằm trên núi, ở xa nhỏ bé, nhưng đi trên rẫy cũng bở hơi tai đấy. Bà con canh tác không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học mà lúa rẫy bản địa vẫn lên, vẫn cho cái ăn. Rồi trồng ngô, sắn hay cây thuốc cũng vậy, đều phải tự nhiên”. Dưới chân dãy núi Giăng Màn, nền nông nghiệp của những tộc người Khùa, Mày, Sách, Trì, Thổ cũng thật sự rất sạch bởi không hề có một dòng thuốc hóa học nào được bà con sử dụng. Họ muốn giữ đất sạch như xa xưa.

 Rẫy của người A Rem giữa những cánh rừng, thu hút chim chóc tiêu diệt sâu bọ bảo vệ mùa màng
Rẫy của người A Rem giữa những cánh rừng, thu hút chim chóc tiêu diệt sâu bọ bảo vệ mùa màng



Người Ma Coong ở cách xa Giăng Màn cả trăm cây số cũng có chung cách làm nông nghiệp bằng phong vị bản địa. Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), đánh giá: “Trước đây cũng có cán bộ khuyến nông lên giới thiệu các dòng thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhưng bà con không ưng cái bụng vì mùi khó chịu. Họ canh tác dựa vào trời, chứ tuyệt đối không dùng thuốc hóa học. Hơn 3.000 người Ma Coong không hề có ý thức sử dụng thuốc hóa học nên giờ đất sạch lắm”. Còn phía xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch), nơi người A Rem sinh sống, dù tộc người nhỏ bé nhưng cây cối, sản vật từ hạt lúa, hạt giỗi đều có môi trường rừng tinh khiết. Người A Rem có tập quán từ chối thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Với họ, cái gì sinh ra bằng bàn tay và môi trường tự nhiên, cái đó quý và tốt. Những năm cuối thế kỷ XX, nhiều cán bộ dưới xuôi lên đánh giá ở đây tư duy còn lạc hậu, nhưng nay nhìn lại, phải thừa nhận đó là sự tiến bộ.

Biết dựa vào thiên nhiên

Dĩ nhiên nền nông nghiệp của những tộc người ấy đã không hề lấy năng suất làm quan trọng. Ông Đinh Lầu (xã Tân Trạch) cho biết: “Quê mình vẫn thiếu ăn. Mỗi năm vẫn nhận trợ cấp gạo từ Nhà nước, các đoàn hảo tâm, nhưng không phải vì thế mà chấp nhận phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cho nương rẫy. Nó có lý do cả. Cúng Giàng mùa lúa mới, cúng tổ tiên vật phẩm đều làm từ hạt gạo, hạt nếp rẫy; tuy màu không đẹp, nhưng bát cơm, đĩa xôi đưa lên cúng phải thật tự nhiên, sạch sẽ. Xưa như thế nào thì nay phải thế”.

Còn ông Hồ Phong, người Khùa, phân tích: “Một thời cán bộ dưới xuôi nói dân vùng cao mình nhờ trời là trật cả. Không phải nhờ trời mà là phân tích kinh nghiệm từ tổ tiên để lại. Vì ở rừng, sâu bọ đã có vô số thiên địch tiêu diệt chúng. Dựa vào tự nhiên, đồng bào hiểu mình đang cần gì và tự nhiên có gì. Vụ mùa ra hoa thì có các đàn ong tự nhiên thụ phấn, rất nhiều đàn bướm cũng hỗ trợ người dân, chúng giúp người dân làm rẫy khi hoa lúa bản địa nở ra”.

Anh Phạm Văn Bắc cho biết thêm: “Năm nay lúa rẫy của bà con đạt 40 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, nhờ những kỹ năng bản địa và áp dụng mô hình hữu cơ mới nên đạt năng suất như thế. Hạt lúa dài chắc mẩy, mùi thơm rất lâu chứ không như hạt lúa ruộng nước. Khi làm ra, nó trở thành đặc sản, bán giá đắt gấp 3 lần lúa gạo miền xuôi, nhưng người ta vẫn mua vì cái sạch”.

Người Khùa, Mày, Ma Coong, A Rem, mỗi gia đình có từ 3-4 hoặc 5 cái rẫy. Họ trồng rẫy theo phong cách quay vòng. Mùa này trồng rẫy này, mùa sau trồng rẫy khác. Mấy cái rẫy được chia đất cố định, có sổ đỏ nên không ai phá rừng. Ông Đinh Lầu nói: “Làm thế để khi trở lại rẫy cũ như cái vòng tròn, rẫy cũ ấy có đủ chất dinh dưỡng, không cần phải bón phân hóa học làm gì, mùn cây cỏ chết đi, côn trùng thay xác chết đi, thân lúa rẫy mấy mùa trước chết đi trở thành chất dinh dưỡng cho mùa rẫy trở lại. Đây không phải phá rừng như người ta từng suy nghĩ oan cho dân bản, mà đây là tập quán canh tác do cha ông các tộc người trên núi dày công suy nghĩ mới có được cách này”.

Mang sản vật sạch về xuôi

Anh Phạm Văn Bắc là cán bộ trung du lên rẻo cao Trọng Hóa làm lãnh đạo trong chương trình đưa trí thức trẻ về làm lãnh đạo xã. Cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản, anh Bắc biết bà con tôn trọng tự nhiên. Trằn trọc nhiều năm trời, anh Bắc cùng dân bản sàng lọc dòng lúa bản địa chịu được hạn của nắng, chịu đủ nước của mưa rừng để gieo vụ vào tháng 5 và đến tháng 10 âm lịch thu hoạch. Năm nay, anh Bắc mừng húm khi thông báo giống bản địa của người Khùa, Mày… đã cho năng suất rất cao; hạt chắc mẩy, thơm lừng. Thương lái miền xuôi đã lên đặt tận rẫy, giá tốt nhất. Tuy nhiên, anh Bắc vẫn muốn mở rộng thêm diện tích canh tác bằng các loại giống lúa rẫy bản địa để tăng thêm sản lượng, từ đó tạo ra sản phẩm lúa rẫy sạch cung cấp ra thị trường.

Bên xã Tân Trạch, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã, nói: “Địa phương vừa được nhà nước cấp cho hơn 250ha đất để người A Rem canh tác. Khi có đất làm thêm rẫy, bà con đề xuất cán bộ tư vấn trồng rẫy bằng giống bản địa chịu được thổ nhưỡng, đất đai khí hậu vùng đá vôi, tuyệt đối không được đưa thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi những cách làm tăng năng suất lúa rẫy và các sản vật khác. Từ đó, không chỉ cung cấp đủ lương thực cho bà con mà còn đem về bán cho người miền xuôi”.

Minh Phong (sggp)

Có thể bạn quan tâm