Kinh tế

Nông nghiệp

Nông nghiệp Tây Nguyên: Cần khích lệ tinh thần, văn hóa doanh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ khi xác định được động lực văn hóa-tinh thần, tiền vốn và khoa học công nghệ mới giúp nông nghiệp Tây Nguyên vươn tới thành công.
Như đã đề cập trong các bài viết trước, Tây Nguyên đang lãng phí tiềm năng nông nghiệp của mình khi tự phát của các nông hộ là chủ đạo trong phát triển. Những cây trồng dẫn đầu cả nước về năng suất và sản lượng, vẫn chưa thực sự đem lại thành công cho nông dân, thậm chí khiến họ phá sản.
Trong khi đó, các Công ty nông lâm nghiệp nhà nước đa số không theo kịp thời cuộc, đánh mất vai trò dẫn dắt của mình. Phần nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động chụp giựt, càng gây nhiễu cho nông nghiệp Tây Nguyên.
Khi phân tích về những thành công bền vững mà một số doanh nghiệp và nhà nông ở Tây Nguyên đã đạt được, chúng ta có thể thấy rằng, chỉ khi xác định được động lực văn hóa-tinh thần, tiền vốn và khoa học công nghệ mới giúp nông nghiệp Tây Nguyên vươn tới thành công.
Đề cao văn hóa nông nghiệp, khích lệ tinh thần doanh nhân
Dù đã xây biệt thự khang trang ven Quốc lộ 26, ông Lê Hải Đăng, thôn Phước Thành, xã Ea Yong, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk lại dành đa số thời gian trong căn nhà rẫy cách đó 2 km, vui cùng bầy gà nuôi thả dưới tán cà phê, dưới bóng phủ mát rượi của những cây sầu riêng 15 năm tuổi, quả sai kín cành.
 
Ông Cao Văn Nguyên lãi hơn 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng bơ chất lượng cao xen cà phê.
Năm 2018 vừa qua, từ đàn gà ông Đăng thu được hơn 30 triệu đồng, từ cà phê thu được 20 triệu. Nhưng từ sầu riêng của khu vườn 12.000 mét vuông, nhận khoán của Công ty Cà phê Phước An, đều đặn mỗi năm ông thu được từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Ông Đăng cho biết, có được kết quả này chính là từ sự hỗ trợ của Công ty bởi quyết định đưa sầu riêng về trồng xen trong vườn cà phê từ năm 2004, đã giúp nhiều hộ công nhân thoát cảnh khốn khó.
“Người trồng chỉ đơn thuần với cây cà phê sẽ rất vất vả. Hộ nào trồng thêm sầu riêng sẽ cho hiệu quả khả quan hơn. Gia đình đã mua được mấy cái ô tô, 3 đứa con đều được học hành thành đạt”, ông Đăng tâm sự.
Bên cạnh việc tạo điều kiện để các hộ công nhân có thu nhập cao, thành tựu có ý nghĩa lớn hơn mà Công ty Cà phê Phước An tạo được chính là một thế hệ người làm nông có khát vọng, có tầm nhìn, biết ứng dụng công nghệ mới. Như ở buôn Dung, xã Ea Yông, nơi có nhiều bà con dân tộc Ê đê làm công nhân, hầu như ai cũng biết sử dụng điện thoại thông minh để quét mã, truy suất nguồn gốc hạt giống, phân bón, nông dược, tránh sử dụng nhầm hàng giả.
Sẵn bệ đỡ vững vàng về kinh tế, họ mạnh dạn kết hợp thêm chăn nuôi, hữu cơ hóa vườn cà phê, tiên phong trồng các giống cây ăn trái nổi tiếng của thế giới như bơ Booth, bơ Hass, bơ Gem hay sầu riêng Musang King…
Anh Y Thơm Niê, buôn trưởng buôn Jung 2 tự tin, với đà phát triển như hiện tại, kinh tế của các gia đình sẽ còn mạnh hơn nữa. “Hộ nào có vườn cây sầu riêng sẽ có kinh tế rất khác biệt. Năm nay tất cả thôn uôn tập trung vào đầu tư cho cây sầu riêng và một số cây khác có giá trị kinh tế cao như cây bơ Booth. Bên cạnh đó, bà con cũng không quên chăm sóc cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác cùng trên một đơn vị diện tích để nâng cao giá trị kinh tế”, anh Y Thơm Niê chia sẻ.
Doanh nghiệp mạnh - nông dân giàu và giỏi cũng là đặc điểm dễ thấy tại các doanh nghiệp thành công ở tỉnh Lâm Đồng. Công ty Đà Lạt Hasfarm chuyên về hoa, HTX Anh Đào, HTX Xuân Hương, chuyên về rau củ quả, đều mang tới cho các thành viên của mình và các nông hộ tham gia liên kết, mức thu nhập ổn định 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Cùng với lợi ích vật chất, nông dân được doanh nghiệp rèn luyện về tư duy nông nghiệp bài bản và văn hóa đề cao chất lượng.
Ông Hà Duân, một hộ sản xuất rau xanh lâu năm tại TP Đà Lạt cho biết, tham gia liên kết đồng nghĩa với rời bỏ lối làm tự do, tự phát, quen thuộc với việc lập kế hoạch, tuân thủ quy trình, đảm bảo chất lượng.
“Khi liên kết với HTX các hộ dân được học tập, hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quy trình sản xuất, nguồn vốn nếu bị thiếu sẽ được HTX hỗ trợ thêm. Sản phẩm sản xuất ra sẽ được HTX bao tiêu hoàn toàn nên các hộ dân hoàn toàn yên tâm. Doanh thu từ đó so với trước đây đã tăng gấp 2 lần”, anh Duân cho hay.  
Trong khi các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp Nhà nước ở Tây Nguyên dần trở nên lạc hậu về mô hình hoạt động, thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác có sự vươn lên đáng ghi nhận. Sau 17 năm thực hiện Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, 10 năm thực hiện nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến nay, các doanh nghiệp ở Tây Nguyên liên kết, thu mua hầu hết sản lượng sữa bò, mật ong, và mía cây của các nông hộ; đa phần sản lượng sắn củ và mủ cao su, 17% sản lượng chè búp tươi, 10% sản lượng hoa…
Ông Nguyễn Công Thừa, Tổng Giám đốc HTX Anh Đào, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, với những cải thiện cả về cả cơ chế chính sách và thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi để đầu tư nông nghiệp một cách bài bản.
“Chủ trương của Đảng và Nhà nước cùng những cơ chế thuận lợi đang tạo điều kiện cho các HTX, các doanh nghiệp và những người nông dân hình thành nên chuỗi liên kết. Người sản xuất được hỗ trợ vốn cũng như quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, không còn phải sản xuất tự phát như trước”, ông Thừa thừa nhận.
Câu hỏi đặt ra là trên nền tảng cơ bản là thuận lợi, tại sao kết quả doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Tây Nguyên còn kém rất xa yêu cầu của thực tế? Tại sao làm ăn tự phát và ngụp lặn trên thị trường tự do vẫn là con đường chủ yếu của 1 triệu hộ dân, 2 triệu ha đất sản xuất? Tại sao nhiều doanh nghiệp, nông dân đã dốc vốn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, nhưng sự thành công chỉ duy trì một vài mùa, còn sau đó là khó khăn chồng chất?
Thực tế ở những doanh nghiệp hàng đầu cũng như những doanh nghiệp thất bại tại Tây Nguyên cho thấy, công nghệ, tiền vốn chỉ có thể đem tới thành công khi có sự thấm nhuần văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Vì lợi ích 10 năm trồng cây”, “Ăn cây nào rào cây ấy”, suốt 25 năm qua, Đà Lạt Hasfarm đã hết lòng hết sức với nghề trồng hoa và bán hoa. HTX Anh Đào đã tận tâm tận lực với nghề trồng rau và bán rau trong gần 20 năm, xây dựng liên kết thủy chung, uy tín với nông dân. Công nhân Công ty cà phê Phước An, có hơn 10 năm tận tụy trồng sầu riêng, với kỳ vọng thật khiêm tốn là giá sản phẩm chỉ 6 triệu đồng/1 tấn.
Văn hóa-tinh thần là động lực của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là điều đã được nêu từ rất sớm, trong nghị quyết 26/2008 của Bộ Chính trị: “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân”. 
Trong giai đoạn mới, động lực văn hóa-tinh thần nêu trong Nghị quyết 26 được hiểu và thực hiện với cả doanh nghiệp và hợp tác xã và hiểu rộng ra toàn nền kinh tế. Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hết lòng cổ vũ động lực ấy và khẳng định, văn hóa-tinh thần sẽ tạo nên những doanh nghiệp mạnh, HTX mạnh và nền kinh tế vững mạnh.
“Tôi kêu gọi củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền thông qua môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng; thông qua vun đắp tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, HTX năng động hơn sẽ tạo nên một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Trước áp lực phải cạnh tranh quốc tế gay gắt, yếu tố văn hóa, tinh thần trong nông nghiệp ở Tây Nguyên bắt đầu được thể hiện cụ thể. Trong sản xuất, bộ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh đã được triển khai trên diện rộng. Trong hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới, những cam kết rõ ràng đã được đặt ra, đó là HTX phải có tham vọng vươn cao, có nỗ lực lâu dài và sẵn sàng chia sẻ năng lực …
Nếu chính sách như vậy được các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng thời với việc vun đắp những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, kiên quyết ngăn chặn tình trạng đầu cơ dự án, vụ lợi đất rừng, tích cực gạn đục khơi trong, nông nghiệp Tây Nguyên sẽ sớm thể hiện ra tầm vóc của mình, trở thành lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhóm Phóng viên (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm