"Nóng"vì cát tăng giá từng ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngành xây dựng ở khu vực Bắc Tây Nguyên (gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum) suốt mấy tháng qua đang “nóng” từng ngày vì lượng cát xây dựng cực kỳ khan hiếm. Giá cát đội từng ngày từ 45.000 đồng/mét khối tại bãi về tới người tiêu dùng lên 230.000-250.000 đồng/mét khối tại Gia Lai (tăng gần 100.000 đồng/mét khối so với năm 2013). Một trong những nguyên nhân chính là tỉnh Kon Tum, địa phương cung cấp cát xây dựng chính cho cả Gia Lai đã ngưng gia hạn cấp phép 18/20 giấy phép khai thác cát trên địa bàn (để thực hiện theo Luật Khoáng sản và Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản).

Lén lút hay công khai?

Hiện tại, toàn TP. Kon Tum chỉ có Công ty TNHH Nguyên Hưng được phép khai thác cát (ở xã Ngọc Bay) với công suất 30.000 mét khối/năm. Với số lượng trên thì bình quân mỗi ngày doanh nghiệp chỉ khai thác được khoảng 100 mét khối (khoảng 5 xe), quá ít so nhu cầu thực tế. Vì nguồn cung cho cát xây dựng quá ít nên bất chấp việc chính quyền TP. Kon Tum nghiêm cấm khai thác những ngày qua, các đầu nậu vẫn ngang nhiên khai thác trái phép. Dọc con sông Đak Bla chảy qua TP. Kon Tum các điểm khai thác cát trước đây dù đã bị cấm nhưng công việc vẫn diễn ra như thường.

 

Khai thác cát trên sông Đak Bla. Ảnh: Cao Nguyên
Khai thác cát trên sông Đak Bla. Ảnh: Cao Nguyên

“Thành phố đã làm quyết liệt với hàng loạt giải pháp như chôn trụ bê tông (không cho xe vào bãi), hỗ trợ lực lượng dân quân ở các phường trong địa bàn thành phố cắt cử theo dõi. Ngoài ra, thành phố xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, ngăn chặn bằng mọi biện pháp, trong đó có giao cho Công an thành phố một chuyên đề riêng… nhưng ban đêm họ vẫn lén lút khai thác cát”-ông Hồ Văn Đà-Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum khẳng định. Nói là vậy nhưng thực tế tại hiện trường thì hoàn toàn khác.

Bãi Barađi (gần cầu treo Kon Klor) thuộc TP. Kon Tum chiều 14-5, khi phóng viên vào thì các hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra bình thường, hàng loạt xe chở cát tải trọng lớn vẫn tấp nập ra vào bãi. Bản thân người viết dù không biết bãi nhưng chỉ cần đi theo các dấu vết nước đổ ra do xe chở cát chảy, từ đầu đường Bắc Cạn đi vào thì có thể đến được các bãi khai thác cát trên địa bàn. Tại đây, bè hút cát vẫn hoạt động, trên bãi có cả máy xúc. Chỉ trong vòng 15 phút mà đã có 4 xe tải-biển kiểm soát từ Gia Lai lên đã xuất bãi và vô tư lưu thông vào thành phố. “Mỗi xe chở được khoảng 20 mét khối. Họ canh giờ chạy, chờ tối là sẽ qua trạm cân (ở đèo Sao Mai) để về Gia Lai”-một lái xe khẳng định. “Bãi này còn nhỏ, anh qua bên Chư H’reng nó mới lớn”.

Tại dọc sông Đak Bla ở làng Hroi, xã Chư Hreng, cách thành phố khoảng 4 km tình trạng khai thác cát nơi đây khá nhộn nhịp. Đầu lối vào bãi, TP. Kon Tum đã dựng cả một tấm biển nghiêm cấm khai thác cát sỏi nhưng cũng chỉ làm cho có. Theo phản ánh của người dân sống quanh đây thì người ta khai thác cát hàng ngày. Chẳng thấy ai bắt. Xe cát chở ầm ầm-một người dân phản ánh. 15 giờ ngày 15-5, giữa sông, một bè đang hoạt động với 2 thanh niên. Máy hút cát trực tiếp dưới dòng sông trước khi đưa lên bờ qua hệ thống ống dẫn bằng nhựa, dài khoảng 50 mét từ bè lên bờ. Trên bờ, cát được bơm lên chất thành từng đống. Mặc dù khi phóng viên đến chụp hình nhưng bè trên vẫn nổ máy hoạt động vô tư. Trên bờ, một dãy nhà được xây khá kiên cố với 4 phòng nghỉ. Trong phòng có cả hệ thống ống dự trữ. Ngoài chòi mắc cả điện để hoạt động ban đêm. Theo phản ánh của một người làm công nơi này (không nói tên) thì đoạn sông này có 5 điểm khai thác. Hiện tại có 3 điểm hoạt động. Chỉ cách khoảng 500 mét trên dòng sông Đak Bla thì chúng tôi thấy có 1 máy múc, 3-4 máy hút cát đang nằm trên sông.

“Việc khai thác cát quanh khu vực cầu Đak Bla vẫn còn. Đây là khai thác trái phép. Thời gian qua TP. Kon Tum và các ngành dù đã nỗ lực ngăn chặn khai thác cát trái phép nhưng vẫn không chấm dứt được. Hiện nay lượng cát khai thác không đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng cho cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, nhất là với TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chính vì vậy đã gây ra tình trạng khan hiếm và đẩy giá lên cao”-ông Võ Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum thừa nhận.

Dài cổ mà chờ    

 

Ảnh: Cao Nguyên
Ảnh: Cao Nguyên

Cuối năm 2013, UBND tỉnh Kon Tum đã có chủ trương không gia hạn hoặc cấp phép mới khai thác cát, sỏi trên địa bàn đối với những khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Tỉnh cũng đã làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (26-9-2013); tổ chức rà soát, lựa chọn các điểm khai thác trong quy hoạch, qua đó xây dựng quy trình quản lý cấp phép khai thác cát, sỏi rút gọn, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương… Tuy nhiên đến nay, việc tiến hành đấu giá cấp phép quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn chưa thể triển khai được.
 

Trước thực trạng trên, ngày 7-5, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Công thương “khẩn trương cung cấp Sở Tài nguyên và Môi trường số liệu trữ lượng ước tính (của cát) để phục vụ tổ chức đấu giá”. Nhưng “hiện nay Sở Công thương vẫn chưa chính thức ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác thăm dò vì liên quan đến vấn đề thủ tục về tài chính theo quy định (phê duyệt dự toán, nguồn kinh phí thực hiện…) (Công văn số 527/SCT-KHTC ngày 9-5-2014 của Sở Công thương). 

Tuy nhiên, Sở Công thương cũng đã thỏa thuận với Liên đoàn Địa chất Trung trung bộ thực hiện công tác thăm dò cơ bản.  Đến nay đơn vị đã xác định 15 điểm khảo sát, có 5 điểm đã đánh giá được trữ lượng (sơ bộ khoanh được 4 thân quặng (khối trữ lượng địa chất) với tổng diện tích hơn 63 ha, tổng trữ lượng gần 122 ngàn mét khối). Tiếp đến ngày 12-5 vừa qua, trong phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh Kon Tum lại tiếp tục giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với TP. Kon Tum khẩn trương tham mưu cho tỉnh báo cáo với Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho phép khai thác tạm thời một số điểm cát để phục vụ nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở bức xúc trên địa bàn.

Khẩn trương là vậy nhưng theo kế hoạch của tỉnh (số 1015/KH-UBND do ông Nguyễn Đức Tuy-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký ngày 29-4-2014) thì phải đến tháng 7 này Sở Tài nguyên và Môi trường mới tiến hành bán hồ sơ đấu giá, trong đó có 5 điểm mỏ cát, sỏi. Sau đó đến tháng 8 và 11 sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở các điểm khác. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum thì việc chậm bán hồ sơ là do phải làm theo quy trình vì hiện tại vẫn chưa có số liệu trữ lượng chính thức cát để từ đó xây dựng kế hoạch đấu giá. Ngoài ra, cũng theo quy định thì sau khi bán hồ sơ và cho đến lúc đấu giá nếu nhanh nhất cũng phải mất 2 tháng sau thì mới triển khai đấu giá được.

Trong lúc chờ thêm nhanh nhất 4 tháng nữa mới đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì người dân ở 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai vẫn sẽ chịu cảnh giá vật liệu leo thang từng ngày. Trong lúc chờ đợi thì tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước vẫn ngày ngày bị “lén lút” khai thác trộm.

Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm