Nuôi 3 người con trưởng thành từ tiền làm thuê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm qua, với nghề phơi nông sản thuê, vợ chồng ông Lê Luyện (tổ 3, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã nuôi 3 người con học đại học thành tài, trong đó có một kỹ sư, một bác sĩ và một thạc sĩ sư phạm.
Vợ chồng ông Luyện sinh được 3 người con gồm: Lê Viết Tâm (SN 1990), Lê Thị Thùy Tuyên (SN 1992) và Lê Viết Tuyền (SN 1994). Vì hoàn cảnh hai bên nội ngoại đều khó khăn nên vợ chồng ông bà phải tự thân lập nghiệp. Chỉ có hơn 2 sào lúa không đủ ăn nên năm 2007, ông bà cùng 4 người bạn rủ nhau nhận phơi nông sản thuê cho các nhà máy, thương lái tại khu vực sân bay cũ.
 Quán ăn sáng của vợ chồng ông Luyện. Ảnh: T.C
Quán ăn sáng của vợ chồng ông Luyện. Ảnh: T.C
Ông Võ Xuân Thi-Tổ trưởng tổ 3, phường Đoàn Kết: Trước đây, gia đình anh Luyện thuộc diện khó khăn. Nhờ sự chăm chỉ, anh chị đã nuôi dạy 3 người con học hành đỗ đạt thành tài. Đây là tấm gương sáng về gia đình hiếu học để bà con trong tổ noi theo.
Hàng ngày, vợ chồng ông thức dậy từ 2 giờ 30 phút sáng để phơi lúa hay chạy máy cắt mì. Đến khoảng 13 giờ, nếu nông sản đã khô thì lo đóng bao ngay. “Lúa, bắp mình phơi theo bao, còn mì phơi theo tấn. Cứ khô là được tính tiền. Năm 2007, lúa khô chỉ được trả 2.500 đồng/bao. Hiện tại, giá được tính là 5.000 đồng/bao. Làm quần quật cả ngày cũng chỉ được khoảng 200 ngàn đồng. Bắp thì 9.000 đồng/bao nhưng phải phơi 2 nắng mới được một mẻ. Mì thì cao hơn một chút, tầm 130 ngàn đồng/tấn nhưng vất vả hơn vì phải đảm nhận từ khâu gọt mì, phơi khô và đóng bao”-ông Luyện cho hay. Góp thêm vào câu chuyện của chồng, bà Lê Thị Hồng chia sẻ: Vất vả nhất là những tháng mưa dầm, vừa mới đổ nông sản ra sân, thấy trời kéo mây xám xịt, vợ chồng lại tất tả thu gom. Nhiều hôm, ăn cơm cũng thấp tha thấp thỏm vì nếu bị ướt thì sẽ bị trừ tiền công. Những khi trái gió trở trời, đau nhức khắp người nhưng hai vợ chồng cũng vẫn động viên nhau cùng cố gắng vì chỉ một người ốm là bao phần việc sẽ đổ dồn lên vai người còn lại.
Bà Lê Thị Định-một người thu mua nông sản trên địa bàn thị xã Ayun Pa-nhận xét: “Phơi nông sản thuê là công việc không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi phải chăm chỉ, nhạy bén với thời tiết và đặc biệt là trung thực. Tôi thấy vợ chồng ông Luyện rất chịu thương, chịu khó và trách nhiệm trong công việc. Chưa bao giờ họ để hư hỏng hay hao hụt”.
Vất vả là vậy nhưng ông bà không nản chí, quyết tâm chắt chiu từng đồng tiền công cho các con được đến trường. Tuy nhiên, các con đang tuổi ăn, tuổi học tốn kém trăm bề nên gia đình luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Phải đến năm 2017, khi con cái đã trưởng thành, gia đình ông mới vươn lên thoát nghèo. Bà Hồng tâm sự: “Thời điểm khó khăn nhất là khi cháu thứ hai học lên thạc sĩ, còn cậu út thực tập. Vợ chồng phải chạy vạy khắp nơi để có tiền gửi cho con. Cũng may trời thương cho hai vợ chồng sức khỏe nên ngày tháng vất vả cũng dần qua đi”.
Hiện nay, 3 người con của ông bà đều đã học xong đại học và có việc làm ổn định. người con cả Lê Viết Tâm sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đã về công tác tại Nhà máy Đường Ayun Pa. Cô em gái Lê Thị Thùy Tuyên có trong tay tấm bằng thạc sĩ, hiện dạy học tại TP. Quy Nhơn. Trong khi đó, người con út Lê Viết Tuyền đang là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đak Lak). Thương bố mẹ vất vả, cả 3 người con vẫn thường dành dụm tiền lương phụ giúp gia đình. Trao đổi với P.V, anh Tâm chia sẻ: “Cha mẹ khổ vì mình nhiều rồi, giờ có tuổi, làm nặng không nổi nữa nên 3 anh em bàn nhau góp vốn và vay mượn thêm mở quán để cha mẹ bán đồ ăn sáng cho đỡ vất vả. Nhờ nấu ăn khéo, lại được bà con hàng xóm yêu mến nên quán ăn sáng của bố mẹ lúc nào cũng đông khách”.
 VŨ THỊ CHI

Có thể bạn quan tâm