Kinh tế

Nuôi cá lồng trong hồ chứa: Hướng đi triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm các loại cá nước ngọt trong lồng ở các hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả khá, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương trong phát triển kinh tế.

Hồ thủy lợi Ia Năng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) có diện tích mặt nước khá lớn. Vì vậy, ông Phạm Mẫn (thị trấn Ia Kha) đã mạnh dạn đề xuất UBND huyện cho gia đình xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá lồng trong lòng hồ. Tháng 5-2017, được sự đồng ý của cơ quan chức năng, ông nhờ những người có kinh nghiệm nuôi cá lồng đến kiểm tra lượng nước, độ phèn, pH trong hồ và mời các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản tư vấn giúp đỡ. Sau đó, ông đầu tư trên 150 triệu đồng thuê thợ từ Đà Nẵng vào làm 12 lồng, mỗi lồng có diện tích khoảng 24 m2 và mua các loại cá giống như: rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, trê về nuôi. Đến nay, cá sinh trưởng, phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 4-5 lạng/con, dự tính sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết sắp tới.

 

Mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa của một hộ dân ở huyện Ia Grai. Ảnh: N.D
Mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa của một hộ dân ở huyện Ia Grai. Ảnh: N.D

Ông Mẫn cho biết: Nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy lợi có nhiều thuận lợi, chỉ cần cho cá ăn thức ăn phù hợp. Dự ước vụ thu hoạch sẽ cho sản lượng khoảng 4 tấn/lồng. Nếu giá cả tốt và mô hình thử nghiệm này thành công, gia đình sẽ nhân rộng thêm số lồng trong thời gian tới.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, tổng diện tích mặt nước trên địa bàn huyện hiện nay là trên 402 ha. Trong đó, diện tích mặt nước của các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi, hồ đập vừa và nhỏ khoảng 362,6 ha. Năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính bằng lồng trong  lòng hồ tại huyện Ia Grai và Chư Pah. Trong đó, huyện Ia Grai triển khai tại lòng hồ thủy điện Phan Vũ (xã Ia Grăng) và hồ Đội 6 (Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Châm, xã Ia Tô). Sau thời gian nuôi thử nghiệm, đến nay, các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế khá. Đặc biệt, cá nuôi lồng tại huyện Ia Grai đạt năng suất cao hơn so với mô hình nuôi tại huyện Chư Pah.

Bà Lê Thị Mỹ Nhung-Phó Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính bằng lồng trong hồ thủy điện và thủy lợi trên địa bàn huyện Ia Grai cho kết quả khá tốt. Cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng, năng suất khá cao. Đơn cử như hộ ông Trần Đức Tín (xã Ia Tô), cá đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg/con. Từ thành công này, thời gian tới, ngành Thủy sản tỉnh sẽ tuyên truyền cho các địa phương phát triển mô hình nuôi cá lồng trong các hồ chứa, vì hiệu quả kinh tế cao, xoay vòng vốn nhanh, thời gian nuôi ngắn, thịt cá ngon hơn so với nuôi trong ao.

 

Năm 2017, sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện Ia Grai đạt 160 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác tự nhiên 98 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 62 tấn.

Còn theo ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Các mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện bước đầu phát triển tốt, hầu hết các loại cá sinh trưởng, phát triển bình thường, người nuôi yên tâm sản xuất. Thành công này mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Mới đây, một số đơn vị thủy điện trên địa bàn huyện đã đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người dân mở rộng mô hình. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp người dân hưởng lợi, cải thiện cuộc sống.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm