Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nuôi dưỡng ước mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều cuối tuần, đón con đi học về, cô con gái đang học lớp 4 của tôi sau một đỗi ngần ngừ bèn thủ thỉ: “Hôm nay, trong giờ sinh hoạt lớp, cô giáo hỏi chúng con có ước mơ gì, sau này lớn lên muốn theo nghề nào. Con nghĩ mãi mà chưa biết trả lời cô thế nào nên không giơ tay phát biểu được mẹ ạ!”. Tôi nhẹ nắm tay con, yên ủi: “Không sao đâu con, mình trả lời cô sau là được mà. Cũng là do mẹ chưa chia sẻ cùng con nhiều về câu chuyện của tương lai”.
Lời động viên dành cho con cũng là một sự nhắc nhớ cái sự mà tôi cho là thiếu sót của chính mình. Thật ra, không phải tôi chưa từng nói với con về ước mơ, chưa từng định hướng cho con về nghề nghiệp sau này, nhưng chỉ như một câu chuyện bất chợt vừa nghĩ tới.
Thoảng hoặc, tôi có kể cho con nghe một đôi chuyện nghề của mình hoặc của bạn bè. Và, trong những câu chuyện thường nhật sau đó, tôi gợi nhắc với con ước mơ cũng như việc nuôi dưỡng ước mơ. Nhưng thú thật, tôi vẫn muốn cô gái 9 tuổi của mình được thỏa sức mộng mơ, tưởng tượng, thoải mái suy nghĩ, lựa chọn; bởi ngày mỗi ngày đi qua, con sẽ còn được mở rất nhiều cánh cửa cuộc sống để đón nhận biết bao điều mới mẻ, hấp dẫn, tươi đẹp.
Tôi chợt nhớ về ước mơ đầu tiên, về những năm tháng tuổi thơ của mình. Ngày ấy, tôi cũng học lớp 4, bằng đúng tuổi con gái tôi bây giờ. Đó là năm tôi thi đậu trường chuyên của huyện, đi trọ học xa nhà và lần đầu tiên được theo học thầy.
Thầy chủ nhiệm của chúng tôi không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là một người cha thực thụ, chỉ bảo cho những đứa trẻ đang học thành người từng chút một, từ cách đi đứng, nói năng. Riêng tôi, có lẽ vì hoàn cảnh gia đình hơi khác biệt, chịu sự thiệt thòi hơn so với các bạn nên được thầy quan tâm chăm sóc nhiều hơn.
Và, cũng từ ngày đó, trong tôi nhen lên ước mơ trở thành cô giáo. Mà không chỉ riêng tôi, các bạn cùng lớp hầu như chung một ước muốn sau này sẽ là giáo viên-người gieo niềm tin, gieo tình yêu cho biết bao trái tim non trẻ. Rồi đến khi lên lớp 8, được hai vợ chồng thầy cô-một người là giáo viên chủ nhiệm, một người là Phó Hiệu trưởng dìu dắt, dạy bảo, tôi càng nung nấu quyết tâm phải học thật giỏi để trở thành giáo viên dạy văn, như cô. Rồi ước mơ ấy cũng thành hiện thực, nhưng tôi đã không đủ tinh tế, tâm sức... để đi theo nghề giáo.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Trở lại câu chuyện dang dở với con gái. Tối đó, chúng tôi dành thời gian nói chuyện với nhau nhiều hơn. “Thế ước mơ của các bạn là gì hả con?”. Nghe mẹ hỏi, con gái hào hứng kể: “Nhiều lắm ạ. Có bạn thích làm giáo viên, bác sĩ, họa sĩ; bạn muốn là người bán hàng hay chủ quán cà phê; còn có bạn muốn thành nhà sáng chế máy quét dọn rác nữa...”.
Hỏi chuyện kỹ hơn thì tôi được biết, một bạn trong lớp con có mẹ là công nhân vệ sinh môi trường, đó chính là cô bé muốn chế tạo ra chiếc máy dọn rác. Cô gái nhỏ của tôi thì tỏ ra khá băn khoăn và không hiểu vì sao bạn lại có ước mơ như thế, bởi trong suy nghĩ non nớt của con, quét rác là việc khá đơn giản, con cũng đã quét sân giúp mẹ, không có nhiều khó khăn, chỉ mỏi tay chút thôi...
Tôi liền phân tích để con hiểu công việc của những công nhân vệ sinh môi trường không đơn giản như chúng ta nhìn thấy hàng ngày; họ thường phải thức khuya dậy sớm, làm việc rất vất vả, nặng nhọc, thậm chí có khi còn đối diện với hiểm nguy. Bất cứ công việc nào cũng đáng quý, nghề nào cũng đáng được coi trọng.
Rồi tôi nói với con: “Ước mơ của bạn con chắc chắn được bắt nguồn từ lòng yêu thương mẹ, mong muốn mẹ vơi bớt vất vả. Mẹ tin rằng, bạn ấy sẽ luôn cố gắng trong học tập để biến ước mơ trở thành hiện thực. Và mẹ mong, con cũng như bạn, không chỉ có ước mơ mà còn biết phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình”.
THÁI BÌNH

Có thể bạn quan tâm