Thời sự - Bình luận

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Ô nhiễm không khí là thách thức với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới AirVisual, năm 2023 Việt Nam đứng thứ 22/134 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu và nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt quá 5-7 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ hàng ngàn công trình xây dựng đang thi công, cộng với sự tham gia giao thông của hàng triệu phương tiện cá nhân mỗi ngày khiến cho bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Tại TPHCM, đến trưa 3-12, nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được cao gấp 5,9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới. Ô nhiễm không khí khiến người dân phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm, thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp...

Bộ Y tế từng đưa ra một thống kê giật mình khi có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí, 25% trường hợp bị đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch, khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí… Thậm chí, mỗi năm ít nhất 70.000 người chết vì ô nhiễm không khí, trung bình cứ 7,5 phút lại có một người ra đi vì một căn bệnh nào đó do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Mặc dù ô nhiễm không khí với sát thủ thầm lặng mang tên “bụi mịn” đang khiến người dân bất an, nhưng người dân hiện vẫn đang thiếu sự cảnh báo cần thiết từ các cơ quan có chức năng. Nhìn sang Ấn Độ - quốc gia cũng đang được xếp hạng đặc biệt với tình trạng ô nhiễm không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe nhưng khi nhận được cảnh báo thì các nhà chức trách quốc gia này đã ban hành lệnh cấm trẻ em tới trường.

Dĩ nhiên, mỗi quốc gia sẽ xử lý vấn đề theo cách riêng, đi cùng với những giải pháp phù hợp. Nhưng điều quan trọng nhất là không được bàng quan, thiếu trách nhiệm trước những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, cũng như không lảng tránh trước những nhu cầu cần thông tin của người dân, để họ có cơ hội nắm bắt và phòng ngừa.

Công tác bảo vệ môi trường không khí cần được xác định là công việc chung của toàn xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần dành nguồn lực thỏa đáng triển khai thực hiện quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay; chủ động sáng tạo, quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung (kiểm soát nguồn thải lớn; hạn chế nguồn thải phân tán), đặc biệt là giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu bầu trời xanh - không khí sạch.

Bài học xử lý ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc là một ví dụ. Trong tương lai, các thành phố của Việt Nam sẽ xanh sạch trở lại nếu ngay từ bây giờ Nhà nước và nhân dân cùng nỗ lực thực hiện.

Theo THÀNH AN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm