Ô nhiễm môi trường từ các lò giết mổ gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đô thị phát triển, nhiều lò giết mổ gia súc trên địa bàn thị xã Ayun Pa bỗng dưng lọt thỏm trong khu đông dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Làm thế nào để giải được bài toán này vẫn là nỗi nhức nhối cho các ngành chức năng của thị xã.

Ô nhiễm môi trường là vấn đề được cử tri thị xã Ayun Pa đặc biệt quan tâm trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp trong những năm qua. Mới đây, cử tri phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) cũng bức xúc nêu ý kiến rằng hiện nay các lò mổ heo ở đường Hoàng Văn Thụ không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

 

Một cơ sở giết mổ gia súc đã chủ động xây dựng hầm biogas để giữ gìn vệ sinh môi trường.                              Ảnh: L.V.N
Một cơ sở giết mổ gia súc đã chủ động xây dựng hầm biogas để giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh: L.V.N

Cử tri cấp thiết đề nghị thị xã sớm quy hoạch khu giết mổ gia súc tập trung ở xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường… Ông N.V.S.-một người dân trong khu vực này cho biết: “Không biết họ xử lý rác và nước thải thế nào nhưng mỗi sáng lại thấy xộc lên mùi hôi cực kỳ khó chịu. Nhiều người đi qua đoạn đường này đều phải bịt mũi, nói gì đến những hộ dân sống quanh đây. Mong rằng các cơ quan chức năng giải quyết làm sao đó để họ vẫn có thể tiếp tục kinh doanh nhưng phải đảm bảo vệ sinh cho bà con xóm giềng, chứ hôi thối thế này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, trên địa bàn hiện có 23 cơ sở giết mổ gia súc. Các cơ sở này hầu hết là các hộ gia đình giết mổ gia súc một cách manh mún, nhỏ lẻ tùy theo nhu cầu của thị trường. Trong 23 cơ sở này thì chỉ một phần có giấy đăng ký kinh doanh còn lại hầu hết đều tồn tại theo dạng tự phát. Ông Châu Văn Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa cho biết, sau khi nghe các ý kiến của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở này, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Công an thị xã, UBND các phường kiểm tra, vận động các cơ sở thực hiện những biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Theo đó, các ngành chức năng của thị xã đã yêu cầu các cơ sở này phải xây dựng hầm biogas, hoặc ủ phân bằng tro để dùng làm phân bón cho cây trồng, hoặc để tận dụng làm thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, qua kiểm tra lần đầu, các cơ sở không thực hiện nghiêm túc mà vẫn để tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra. “Phải đến lần kiểm tra thứ hai, mới có khoảng 20 cơ sở xử lý rác, nước thải theo yêu cầu tối thiểu nhất.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời chứ không thể giải quyết lâu dài được”-ông Tuấn cho biết. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại tổ dân phố 7, phường Sông Bờ) cho hay: “Nhà tôi làm nghề giết mổ heo được hơn chục năm nay rồi. Trước kia, không xây dựng hầm biogas thì mọi thứ rác và nước thải cứ xả trực tiếp ra bên ngoài. Sau này, gia đình đã đầu tư gần 20 triệu đồng để xây hầm biogas thì thấy vừa sạch sẽ, vệ sinh mà lại có nguồn khí đốt dùng cho sinh hoạt thoải mái. Tôi cũng không biết vì sao các hộ gia đình khác lại không xây dựng hầm biogas như thế này”.

Được biết, UBND thị xã Ayun Pa đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, tìm vị trí quy hoạch khu giết mổ gia súc tập trung cho thị xã để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, ông Châu Văn Tuấn chia sẻ, dự án này có thể cho hiệu quả về mặt môi trường, nhưng hiệu quả về mặt kinh tế sẽ không cao bởi nhiều lý do, đặc biệt là việc nhu cầu tiêu thụ thịt heo, thịt bò của thị xã và các huyện lân cận chưa thực sự cao. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, chủ trương xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung đã có, nhưng hiện các bên liên quan vẫn chưa tìm được vị trí phù hợp và nếu có tìm được thì cũng chưa biết sẽ lấy từ nguồn vốn nào để thi công?!

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm