Kinh tế

Nông nghiệp

Ở nơi này, dân trồng cây "vàng xanh" tên nghe lạ, trái bé tí ti mà bán 300 ngàn/kg

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiểu dự án “Nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu thông qua việc bảo tồn và sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa ở huyện Đông Giang”, tỉnh Quảng Nam đã đưa ớt A riêu - một loại nông sản vùng cao từ chỗ thu hái tự nhiên đến rộng rãi với thị trường.

Cơ hội và cánh cửa đang mở ra với ớt A riêu-loại đặc sản được ví như “vàng xanh” của núi rừng Quảng Nam.

Hỗ trợ sinh kế

Tại xã Mà Cooih (huyện Đông Giang), Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Mà Cooih và Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện tiểu dự án “Nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu thông qua việc bảo tồn và sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa ở huyện Đông Giang”.

 

Người dân huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) trồng ớt A Riêu dưới tán keo. Ảnh: H.L


Triển khai từ tháng 11.2018 - 8.2020, tiểu dự án hướng tới hỗ trợ đồng bào bảo tồn giống ớt A Riêu bản địa, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý kinh tế nông hộ, cải thiện tình trạng bình đẳng giới trong lao động sản xuất ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Cơ Tu.

Qua đó, kiện toàn năng lực sản xuất và quản lý của HTX Nông nghiệp Mà Cooih, thu hút thêm nhiều nông dân tham gia trồng ớt để nâng cao sản lượng. Từ đó, tạo thêm việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là những người đang sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng.

 

Trồng ớt A Riêu giúp người dân huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cải thiện sinh kế, tăng thu nhập. Ảnh: H.L


Ông Lê Viết Nhân-Điều phối viên Dự án Trường Sơn Xanh tại Quảng Nam cho biết, dự án phối hợp HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih và Trường Đại học Nông lâm Huế xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác ớt A Riêu dưới tán rừng keo và trên đất nương rẫy.

Đến nay đã tổ chức được 7 khóa tập huấn kỹ thuật, trong đó có 4 lớp nâng cao năng lực canh tác ớt trên nương rẫy và dưới tán keo 1 - 2 tuổi với 121 người tham gia (hơn 77% là nữ); 2 lớp tập huấn quy trình thu hoạch, chế biến và bảo quản ớt A Riêu cho 40 người (87,5% là nữ) và 1 lớp tập huấn truyền thông marketing với 10 người tham gia (80% là nữ).

Dự án hỗ trợ HTX thực hiện điều tra và đã quy hoạch được 317,58ha diện tích trồng ớt A Riêu trên địa bàn với bản đồ phân bố các khu vực trồng ớt. Hỗ trợ mở rộng và nâng cấp vườn ươm cây giống ớt A Riêu của HTX lên 500m2 với đầy đủ trang thiết bị, công suất 200 nghìn cây/năm.

Trong đó, phục vụ mục tiêu trước mắt là cấp đủ 180 nghìn cây giống cho 120 hộ gia đình trồng trên diện tích 10ha (bao gồm 5ha xen canh rừng keo và 5ha trên đất nương rẫy). Trên thực tế, vườn ươm này không những cấp 198 nghìn cây cho người dân theo cam kết mà còn cung cấp 63 nghìn cây giống tạo thêm một nguồn thu ổn định cho HTX.

Hướng tới đa dạng sản phẩm

Theo ông Lê Viết Nhân, qua thực tiễn cho thấy cây giống tốt, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ sống khá cao, sản lượng ớt dồi dào giúp đồng bào có nguồn thu nhập ổn định.

“Song không chỉ dừng lại ở đó, mục tiêu dự án hướng tới là hình thành vùng chuyên canh cây ớt A Riêu hàng hóa, đảm bảo đầu ra và thị trường về lâu dài cho sản phẩm; hình thành các tổ hợp tác sản xuất ớt hàng hóa, đa dạng các sản phẩm từ ớt A Riêu, thay vì hiện nay ngoài bán tươi chỉ có sản phẩm ớt muối truyền thống” - ông Nhân chia sẻ.

 Cũng theo ông Nhân, dự án còn hỗ trợ nông dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cụ thể, hỗ trợ HTX lập các điểm thu mua nguyên liệu tại thôn Cutchơrun và thôn A Sờ vào tháng 7.2019.

Dự án giúp kết nối HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih với các đại lý chuyên về nông sản, đặc sản địa phương để bước đầu xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm ớt A riêu tại Đà Nẵng và Tam Kỳ.

Tiếp đó, phối hợp với Agriterra - đơn vị thực hiện của dự án chuyên về nâng cao nâng lực HTX, tiếp tục tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, giúp HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih tiếp cận được thêm 15 cửa hàng, 3 siêu thị, và 2 hộ kinh doanh ở chợ.

 

Sơ chế, tạo sản phẩm ớt A riêu muối đưa ra thị trường. Ảnh: H.L


Chị Arất Thị Nhị (thôn A Roong, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) - một hộ dân được hỗ trợ từ dự án chia sẻ: “Tham gia dự án, tôi được học cách trồng và chăm sóc cây ớt A riêu, làm phân hữu cơ, rồi được cấp 1.500 cây giống và 10 bao phân vi sinh. Trước đây giá bán 270.000 đồng/kg, giờ bán cho HTX thì hơn 300.000 đồng/kg. Vừa rồi tôi thu hoạch tiếp một lứa ớt được 16kg, bán được 5 triệu đồng”.

Đáng nói, nhờ người dân áp dụng quy trình canh tác theo hướng tự nhiên, thân thiện với môi trường (chỉ sử dụng phân vi sinh, thuốc trừ sâu từ thảo mộc…) nên sản phẩm ớt rất an toàn đối với người tiêu dùng, qua đó góp phần giữ thương hiệu và giá trị sản phẩm.

 


Tin vui là ngày 10.1.2020, sản phẩm ớt A Riêu muối đã được xếp hạng 3 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Nam.

Tiếp đó, HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih đã xúc tiến việc đăng ký 2 sản phẩm thương mại cho ớt A Riêu muối chua và tương ớt A Riêu. Hiện hồ sơ đã gửi lên Cục Sở hữu trí tuệ và đang chờ cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu sản phẩm. Cơ hội và cánh cửa đang mở ra với loại đặc sản được ví như “vàng xanh” của núi rừng tỉnh Quảng Nam

https://danviet.vn/o-noi-nay-dan-trong-cay-vang-xanh-ten-nghe-la-trai-be-ti-ti-ma-ban-300-ngan-kg-20200731002404203.htm


Theo HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm