Phóng sự - Ký sự

Ông Bí thư Huyện ủy và những chuyện lạ ở Mù Cang Chải: - Bài 1: Gầy dựng điểm tựa tin yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Nếu Yên Bái là một trong những tỉnh thành đầu tiên của cả nước đưa 'chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là giá trị cốt lõi' vào nghị quyết Đảng bộ tỉnh, thì ở huyện Mù Cang Chải - huyện xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh này, đang vươn lên như một điểm sáng để cụ thể hóa câu chuyện chỉ số hạnh phúc. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được thể hiện rất rõ từ những cán bộ đứng mũi chịu sào.

Ngày Quốc khánh 2-9 là lễ lớn của dân tộc. Điều đó ai cũng biết, nhưng với đồng bào các dân tộc thiểu số ở rẻo cao Tây Bắc, ngày này còn hơn một ngày lễ. Với họ, đó là Tết - “Tết Độc lập”. Đồng bào các dân tộc thiểu số ăn Tết Độc lập có khi còn to hơn người dưới xuôi ăn Tết Nguyên đán. Chứng kiến dịp Tết Độc lập vừa qua ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã cho chúng tôi cảm nhận điều bất ngờ đó.

Chỉ số hạnh phúc

Đầu tháng 8-2023, trận lũ ống kinh hoàng quét qua các xã Lao Chải, Khao Mang và đặc biệt là xã Hồ Bốn khiến nhiều hộ dân trở tay không kịp. Thế nhưng, cảnh ngổn ngang tan hoang sau lũ quét, những người dân trắng tay vì bị cuốn trôi nhà cửa… chỉ sau 1 tháng đã dần ổn định lại. Những hộ dân bị cuốn trôi nhà được hỗ trợ kịp thời để dựng lại nhà với nơi ở mới an toàn hơn; những ngôi trường bị lũ quét hư hại cũng được tu sửa cho con em kịp vào năm học mới. Trên gương mặt mọi người lại ánh lên nét rạng rỡ, cùng ùa ra đường vui Tết Độc lập. Nhìn không khí vui tươi ấy, chúng tôi không thể không bất ngờ trước sức sống can trường và mãnh liệt của người dân nơi đây!

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên trong “Ngày cuối tuần về cùng dân”. Ảnh: T.H

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên trong “Ngày cuối tuần về cùng dân”. Ảnh: T.H

Câu chuyện khắc phục nhanh hậu quả nặng nề của trận lũ quét để bà con vui đón Tết Độc lập ở Mù Cang Chải thật ra là cụ thể hóa một triết lý phát triển của Yên Bái mà nhiều năm qua chúng tôi luôn dõi theo. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, lần đầu tiên chúng tôi thấy trong nghị quyết đại hội tỉnh nhắc cụ thể: “Chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là giá trị cốt lõi”. Sau đại hội, trả lời báo giới về khái niệm chỉ số hạnh phúc, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy có câu trả lời đầy thuyết phục: “Yên Bái không cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình”.

Nhiều năm gắn bó với Tây Bắc, chứng kiến bao bận thiên tai lũ quét, lũ ống không còn là chuyện lạ, nhưng bước chuyển mình ở vùng đất xa xôi này những năm gần đây thật sự là điều kỳ lạ. Và Mù Cang Chải, huyện xa xôi, khó khăn nhất của Yên Bái là một địa phương đang nổi lên như một điểm sáng như thế. Mặc dù Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên luôn nói rằng sự phát triển đấy là công lao của cả Đảng bộ và nhân dân Mù Cang Chải, không nói nhiều về những gì mình đã làm được. Nhưng gắn bó với Tây Bắc nhiều thập niên qua, từ góc độ một người làm báo, tôi biết vai trò của người đứng đầu cực kỳ quan trọng và càng quan trọng gấp bội ở một huyện miền núi như Mù Cang Chải.

Thuyết phục từ việc làm cụ thể

Vốn là học viên của trường thiếu sinh quân, trưởng thành trong quân đội rồi thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi được giao giữ cương vị Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, Nông Việt Yên đã kết hợp được những tính cách đã rèn giũa ở cả hai môi trường. Khi nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, công việc đầu tiên mà anh bí thư trẻ tạo dấu ấn với bà con là hoạt động “Ngày cuối tuần về cùng dân”. Nông Việt Yên tâm sự, thanh niên ở các bản làng thừa nhiệt tình, giàu nhiệt huyết nhưng chưa phát huy hết được tiềm năng bởi thiếu sự tập hợp một cách thuyết phục. Thế là, những tháng đầu tiên ở cương vị mới, cứ cuối tuần, ông Bí thư Huyện ủy cùng đoàn thanh niên làm các công trình nho nhỏ nhưng hiệu quả để thu hút sự chú ý, ủng hộ từ dân bản. Trong số đó có việc bê tông hóa nhiều tuyến đường trên địa bàn.

Những bản làng trên rẻo cao Mù Cang Chải nằm chênh vênh trên sườn núi. Con đường lên bản mùa khô không sao, nhưng ngày mưa sẽ khó an toàn khi đi xe máy. Để bê tông hóa được là không hề dễ dàng, cũng không thể trông chờ vào dự án mở đường với ngân sách nhà nước vì chi phí rất lớn. Thế là ông Bí thư Huyện ủy về bản, tập hợp thanh niên lại và nói rõ: “Giờ huyện sẽ cấp xi măng, thiếu chúng tôi sẽ xin tài trợ, các bạn đoàn viên xuống suối gùi cát, ta làm con đường bê tông chỉ rộng 1m đủ cho xe máy đi thôi, có làm được không?”. Không chờ các bạn thanh niên trả lời, ông tiếp: Chờ nhà nước đầu tư sẽ rất lâu, mỗi đường bê tông theo dự án thiết kế phải mất 2,4 tỷ đồng/km; 1 khối cát chở vào nơi xa như xã Chế Tạo chi phí đến 2 triệu đồng. Đường rộng 3m thì nền phải 5m, Mù Cang Chải muốn lo hết việc bê tông hóa đường bản nghĩa là phải làm tầm 600km đường như thế, làm sao đủ tiền! Phân tích rõ tình hình, ông kêu gọi đoàn viên thanh niên chủ động cùng làm với mình. “Với bà con nơi đây không thể nói lãnh đạo chung chung, phải cụ thể từng việc để bà con thấy”, ông Nông Việt Yên tâm sự. Vậy là những con đường như sợi chỉ, chỉ vừa lối 2 xe máy tránh nhau, nhưng dù mưa hay nắng xe máy vẫn leo phăm phăm bởi không lo bùn lầy trơn trượt!

Từng cây số đường về bản được đổ bê tông, trồng thêm cây xanh, từng homestay của các bạn trẻ được hỗ trợ xây dựng sẽ lan tỏa và gầy dựng nên điều cụ thể mà nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đề ra: “chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là giá trị cốt lõi”. Nhưng cũng như những quốc gia từng lấy chỉ số hạnh phúc làm triết lý phát triển, với người dân nơi rẻo cao này, sẽ thế nào nếu phát triển mà không giữ gìn được bản sắc? Những đột phá của ông Nông Việt Yên thực sự gây ấn tượng với chúng tôi khi đi về từng ngôi trường, thôn bản.

Biết thế mạnh của Mù Cang Chải là ruộng bậc thang, trong khi tiềm năng đất đai còn lớn, thế là ông Nông Việt Yên lên kế hoạch mở rộng diện tích ruộng bậc thang, đặt ra kế hoạch cho bạn trẻ ở các xã đoàn, thôn bản. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói: Ở miền xuôi, mở thêm ruộng chỉ là tăng sản lượng, còn ở Mù Cang Chải, mở thêm ruộng không chỉ thêm lúa gạo cho bà con mà còn để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Nói bảo vệ môi trường vì thực tế ở đâu có ruộng bậc thang, ở đó ít xảy ra sạt lở. Lần nào lên Mù Cang Chải, chúng tôi cũng tìm hiểu nhiều mô hình du lịch của các bạn trẻ người Mông ở đây và thật thú vị khi mô hình homestay của các bạn đều chung một điểm: luôn có hướng ngắm ra những vùng ruộng bậc thang lộng lẫy nhất, và ở đâu có nhiều ruộng đẹp sẽ thêm nhiều homestay mọc lên!

Trở lại với câu chuyện “cần cho bà con thấy hiệu quả từng việc cụ thể”, ông Nông Việt Yên chia sẻ: “Làm homestay cũng là một hướng đi mới, chúng tôi phát triển du lịch cũng nhờ vào lực lượng trẻ”. Chỉ vào bạn trẻ Giàng A Dê - người dẫn chúng tôi đi thực địa, ông nói: muốn làm homestay phải biết ngoại ngữ, biết sử dụng các tiện ích đặt phòng trên mạng, biết chuyển khoản eBanking, biết sáng tạo cách giữ chân du khách… Những đột phá ấy, nếu không phải là đoàn viên thanh niên thì không ai làm được cả.

Kể với chúng tôi về đổi thay từng ngày của Mù Cang Chải, ông không giấu được niềm vui: Cái được lớn nhất không chỉ là thu nhập, là đời sống kinh tế gia đình các bạn được nâng cao mà cái được lớn nhất là đã tác động vào tâm lý cộng đồng. Lực cản lớn nhất ở những vùng cao Tây Bắc không phải núi cao, lũng sâu, địa hình hiểm trở mà là tâm lý ỷ lại của bà con. Từ mô hình của các bạn trẻ, nhiều thanh niên trong huyện đang tạo ra mô hình kinh tế chủ động, hiệu quả. Vấn đề là tập thể lãnh đạo huyện phải thực sự sâu sát và tháo gỡ ngay vướng mắc. Ví dụ như việc giải quyết nguồn rau cho bếp ăn ở các trường nội trú (thực phẩm cung cấp cho bếp ăn các trường ở huyện phải đưa từ thành phố lên) chưa được khai phá trong khi việc trồng rau chất lượng cao ở Mù Cang Chải rất tốt. Vậy là nhiều mô hình trồng rau xanh của bạn trẻ cung cấp cho các trường học được phát huy. Nhưng muốn như thế thì bên cung cấp và tiêu thụ phải ngồi lại bàn bạc. Thế là lãnh đạo huyện vào cuộc.

Có thể bạn quan tâm