Phóng sự - Ký sự

Ông 'Chánh cụt' đưa tre củ ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một người bình thường, mất hẳn một cánh tay đã đưa tre Đại Lộc (Quảng Nam) lên tầm thương hiệu mới: những củ tre tưởng chỉ có thể làm củi hay vứt đi đã biến thành đồ tinh xảo, đắt tiền...
 
Ông Chánh bắt đầu làm từ những gốc tre tưởng chỉ có thể làm củi và ghế tre dần thành hình dưới một bàn tay khéo léo của ông (ảnh phải) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Trước đó, Đại Lộc là vùng "rốn lũ" Quảng Nam. Người dân địa phương đã trồng những bờ tre tạo thành lũy, thành khiên chống lũ. Màu tre xanh bạt ngàn trên mảnh đất này.
“Nhiều người hỏi tôi một tay làm sao có thể cầm máy mài, máy đục để tỉa đồ mỹ nghệ được? Nhưng khi biết được giá trị đồ tre và đam mê thì mình có thêm động lực. Nếu biết làm, những cây tre Việt sẽ đi xa hơn, đem lại thu nhập lớn hơn cho người dân.

Ông Phan Văn Chánh

Xưởng tre bên thành lũy tre
Xã Đại Thạnh là vùng nông thôn nằm dọc hạ lưu sông Thu Bồn. Vào những ngôi làng ở xã này, dường như từ ruộng vườn, bờ ao cho tới các triền đất ven sông đều phủ bởi màu xanh của tre già.
Những người dân ở đây chặt tre làm cán cuốc, đan nong, thúng, làm củi đốt chứ hiếm ai nghĩ rằng một ngày nào đó tre trở thành những món hàng đắt tiền. Cho tới khi ông Phan Văn Chánh - người đàn ông mà dân Đại Thạnh đều biết bởi cái tên "Năm Chánh cụt tay" - tạo ra đủ thứ đồ dùng bắt mắt từ gốc tre: bàn ghế, tủ tivi, am thờ, giường chõng...
Nhà cũ của ông Chánh nằm sát mép sông Thu Bồn. Nhưng mới đây, từ bàn tay khéo léo của mình, ông đã cất được căn nhà khang trang nhờ bán được những món đồ từ cây tre. Chánh "cụt" từng là một người lành lặn, nhưng năm 1985 trong một lần đi làm công, cánh tay của ông bị máy ép cuốn đứt. Cái tên "Chánh cụt" có từ đó.
Mất hẳn một cánh tay, Chánh "cụt" trở về khu vườn của mình đốn tre đan nong, thúng, sàng kiếm sống. Năm 2006, sông Thu Bồn xảy ra trận lũ lớn. Những rặng tre già nằm hai bên bờ sông bị đánh bật gốc. Tình cờ dọn vườn, ông Chánh nhặt lên một cùi tre có hình dáng lạ mắt. Cuộc đời ông thay đổi hẳn từ khoảnh khắc này...
Những món đồ tre của Chánh "cụt" tới nay không riêng gì các đại gia trong nước đặt mua mà có nhiều khách nước ngoài khi về xưởng, được chứng kiến sự hóa thân kỳ diệu của cây tre hình hài khắc khổ, đã xuống tiền mua số lượng lớn. Ông Chánh nói hầu như làm không xuể, đơn đặt hàng quá nhiều trong khi ông chỉ có một cánh tay.
Đổi "vận" cho tre
Ông Chánh kể rằng khi gặp gốc tre sau trận lũ 2006, ông đã ngồi mất hai ngày để nghĩ ra tác phẩm. Củ tre sần sùi, nhiều lõm sâu được ghép nối, chắp thêm các chi tiết, ông muốn biến những mẩu tre khúc khuỷu thành bộ bàn ghế đặt trong phòng khách. Mất cả mấy tháng trời, từ bản vẽ ban đầu, bộ bàn ghế thành hình và nằm lộng lẫy giữa căn nhà trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai nghĩ những củ tre vô tri lại biến thành tác phẩm nghệ thuật đẹp như vậy.
Ông Chánh chụp hình sản phẩm đầu tay này để đăng lên Facebook. Bước ngoặt kể từ đây. Những hình hài lạ lẫm của cùi tre, gốc, củ tre mảnh khảnh được chắp nối, đục đẽo để ra đồ bắt mắt, thuyết phục người xem. Họ tìm tới nhà ông Chánh, cùng ông đi dọc sông Thu Bồn xem tre, chứng kiến quá trình "hóa thân" kỳ diệu của cây tre nghèo trên vùng bồi lắng ven sông.
Giai đoạn 2012 trở đi, xu hướng sử dụng các mặt hàng mỹ nghệ, đồ dùng thường ngày bằng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường bắt đầu nở rộ. Ông Chánh được nhiều người ở xa biết tới và đơn hàng cũng đến dồn dập. 
Từ "Chánh cụt", ông được người ta gọi là "nghệ nhân" đồ tre. Một ngày, qua lời giới thiệu của bạn bè, một trụ trì ngôi chùa lớn tại Bình Định tìm tới và bị thuyết phục bởi những bộ bàn ghế, nôi tre, chõng đưa... trong xưởng của ông Chánh.
Vị tu hành này đặt mua 10 bộ giường. Nhưng đây chưa phải là đơn hàng "khủng" nhất mà ông được nhận. Có vị khách du lịch thấy hình ảnh đồ tre của ông trên mạng đã xuống tiền đặt mua hàng chục bộ để "biếu người thân".
Xưởng của ông lúc nào cũng kín gốc tre nhưng tuyệt nhiên không có một món đồ nào hoàn thiện được bày ra, bởi hàng vừa xong thì khách đã tới lấy sạch. Ông nhận thêm người về để dạy nghề, muốn đưa cây tre vùng mình đi xa hơn nhưng không một ai trụ được lâu. 
"Họ không có đủ tình yêu và sự đam mê, lòng kiên trì với tre. Nhiều thợ mộc lành nghề tới học thêm đồ tre nhưng một thời gian họ cũng bỏ vì làm tre quá khó" - ông Chánh tâm sự.
 
Bộ bàn ghế tre đẹp, rất được ưa thích - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Mấy năm trước, đồ gốc tre của ông Chánh lại gây tiếng vang khi được một hội đồng hương xa quê của huyện Đại Lộc - nơi ông sinh sống, đặt mua một bộ bàn ghế. Ông hì hục cầm cuốc ra bờ sông đào bới củ tre hàng tuần trời, về ghè chặt rồi nhấn xuống bùn non để ngâm. Rồi ông phơi sấy, chế tác thành bộ bàn ghế đầy tinh xảo, kỳ công. 
Người sở hữu món đồ này đã trả ông hơn 30 triệu đồng, nhưng số phận bộ bàn ghế lại "lên đời" khi về tới TP.HCM. Thấy quá lạ và quá đẹp trước sự hóa thân thần kỳ của tre, mọi người đã đề nghị được đưa ra đấu giá. Món đồ được chốt giá tới 120 triệu đồng, và tiền được ủng hộ lại quê hương.
Vợ chồng ông Chánh được ban tổ chức đặt vé máy bay mời vào tham dự chương trình đấu giá và kể chuyện hành trình đưa gốc tre già Đại Lộc ra bên ngoài. Mẩu chuyện đã làm rung động những người xa quê bởi hơn ai hết, họ hiểu sự cằn cỗi của quê hương đã tạo ra những mầm sống nhiều góc cạnh. Chỉ cần một bàn tay chắp nối, cặp mắt tinh tế nhìn ra giá trị, thứ đồ bỏ đi đôi khi có thể hóa thành vô giá.
Tre vào nhà hàng, resort
Hôm chúng tôi tới, ông Chánh đang hì hụi tỉa đục để giao bộ giường tre cho khách nước ngoài. Ở Hội An, Đà Nẵng, rất nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang thay vì sử dụng vật liệu thép, kính, sắt để làm đồ trang trí thì nay xu hướng phổ biến là xài đồ tre. Thương hiệu đồ tre của "Chánh cụt" cũng được biết đến nhiều và mang phong cách đặc trưng.

Ông Chánh cho biết nguyên liệu chủ yếu của các món đồ mình chế tác là tre củ (phần dưới gốc tre, thường chìm đốt, phủ chằng chịt rễ bên ngoài). Để tre đạt độ cứng, cho ra chất lượng tốt nhất, ông chỉ đi đào củ vào tháng 11 và tháng chạp. Lúc đó tre không ra măng, thân đạt độ cứng tốt nhất. Tre sau khi đào lên được đem nhấn chìm dưới bùn non 2-3 tháng cho chắc, chống mối mọt. Sau đó được sấy khô, đục đẽo các bộ phận để ghép thành bàn ghế, chõng, giường, bàn trang điểm...

Thái Bá Dũng (TTO)

Có thể bạn quan tâm