Phóng sự - Ký sự

“Ông đồ” thời nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật thư pháp. Ở đó, họ thỏa đam mê với con chữ, tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống và góp phần truyền đi thông điệp tích cực qua nghệ thuật biểu hiện ngôn từ.

Viết để thỏa đam mê

Bị mê hoặc bởi những nét thư pháp lúc bay bổng nhẹ nhàng, khi lại chắc chắn, dứt khoát, nhiều năm trước, chị Trần Tuyết Hạnh-Giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) đã lên mạng tìm hiểu, rồi mua dụng cụ về tự học. Nhưng rồi niềm đam mê ấy của chị đã bị gián đoạn bởi nhiều lý do. Mãi đến năm 2023, qua bạn bè giới thiệu, chị tham gia Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku. Được những người đi trước hướng dẫn, niềm đam mê tiếp tục được nhen nhóm.

“Dù chỉ viết để thỏa đam mê song mình đặt ra quy tắc và nghiêm khắc thực hiện. Mỗi ngày, mình đều dành ít nhất 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để luyện viết chữ và chỉ thấy hài lòng khi có sự tiến bộ. Quan trọng hơn cả, mình thấy hạnh phúc khi được cầm bút. Mọi căng thẳng, mệt mỏi hay ưu phiền đều tan biến; tinh thần thoải mái, hiệu suất công việc cũng tốt hơn”-chị Hạnh tâm sự.

Đam mê thư pháp từ rất lâu nhưng hơn 1 năm trở lại đây, chị Trần Tuyết Hạnh-Giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) mới có cơ hội thỏa sức với con chữ. Ảnh: P.D

Đam mê thư pháp từ rất lâu nhưng hơn 1 năm trở lại đây, chị Trần Tuyết Hạnh-Giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) mới có cơ hội thỏa sức với con chữ. Ảnh: P.D

Theo chị Hạnh, thư pháp là môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên trì và khổ công rèn luyện. Từ việc cầm bút ra sao, viên bút thế nào đều phải học một cách nghiêm túc. Tiếp đến là luyện cho thành thạo các nét cơ bản, sau đó mới đến ghép các nét chữ theo bố cục, đảm bảo sự hài hòa, cân đối và thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo.

“Thư pháp cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Mình mới chỉ nắm bắt được các bước cơ bản nên vẫn còn phải học, phải rèn nhiều. Học để viết đúng, viết đẹp. Học để sáng tạo nên những bức thư pháp, thư họa mang đậm dấu ấn cá nhân”-chị Hạnh cho hay.

Ở tuổi 21, bạn trẻ Ngô Thị Kim Trúc-Bí thư Chi Đoàn thôn 2 (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đã có 5 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp. “Trước đây, gia đình em sống ở tỉnh Đak Lak. Tết năm nào em cũng được mẹ dẫn lên chùa xin thẻ chữ “Con ngoan trò giỏi”. Mỗi năm một thẻ và em luôn mang theo bên mình để nhắc nhở bản thân phải chăm ngoan, học giỏi. Lớn lên, em càng hiểu hơn ý nghĩa của thư pháp cũng như mỹ tục xin chữ đầu năm và muốn được theo học”-Trúc trải lòng về lý do đam mê thư pháp.

Biết sở thích của con gái nên khi thấy tịnh xá Ngọc Như (huyện Chư Păh) mở lớp, mẹ xin cho Trúc vào học. Nhờ thầy dìu dắt cộng với sự động viên, khích lệ của mẹ, Trúc ngày càng tiến bộ.

Đam mê và kiên trì, suốt những năm THPT, Trúc luôn sắp xếp thời gian để theo học thư pháp. Ngoài học ở tịnh xá Ngọc Như, Trúc còn tham gia lớp học miễn phí ở tịnh xá Ngọc Cổ (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Với năng khiếu hội họa, Trúc đã tạo cho mình màu sắc riêng trong từng bức thư pháp và thư họa.

Giới thiệu về bức thư họa với chữ Tâm họa hoa sen kèm 2 câu thơ: “Tâm nhàn muôn sự thông ba cõi/Một tiếng cười khan ấm đất trời” vừa hoàn thiện theo yêu cầu của khách hàng, Trúc giải thích: “Một số người sẽ dùng họa làm điểm nhấn cho chữ nhưng em lại thích theo tỷ lệ 50:50, cân đối, hài hòa giữa họa và tranh”.

Chị Ngô Thị Kim Trúc (bìa trái)-Bí thư Chi Đoàn thôn 2 (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) thường được mời tham gia các sự kiện viết tặng thư pháp. Ảnh: P.D

Chị Ngô Thị Kim Trúc (bìa trái)-Bí thư Chi Đoàn thôn 2 (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) thường được mời tham gia các sự kiện viết tặng thư pháp. Ảnh: P.D

Còn Trung tá Nguyễn Chí Vinh-Trưởng ban Tuyên huấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đến với thư pháp bằng một lý do rất khác. Anh theo dõi trang Facebook Thư pháp Lão trọc-một “ông đồ” trẻ ở Đà Nẵng và thấy thích nội dung mang đậm triết lý nhân sinh trên mỗi bức thư pháp. Thích nội dung và cách bài trí không gian thư pháp của Lão trọc, anh tìm học, nắm bắt nguyên lý vận bút (khởi bút, hành bút, thu bút). Đến nay, anh đã có 10 năm theo đuổi môn nghệ thuật này.

Anh cho rằng, thư pháp là phương tiện thể hiện nội tâm, chỉ cần nhìn chữ sẽ biết tâm trạng của người viết. Đến với thư pháp, anh tìm thấy sự nhẹ nhàng, khoan thai trong tâm hồn và bản thân cũng trở nên điềm tĩnh, chỉn chu hơn trong mọi việc. Nghệ thuật thư pháp mang lại cho anh nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, nhân sinh.

Lan tỏa nét đẹp truyền thống

Vào dịp Tết đến xuân về, anh Vinh đều dành thời gian để viết thư pháp. Anh viết những câu đối để trang trí trong không gian gia đình; những câu chữ ý nghĩa tặng bạn bè, người thân với mong muốn điều may mắn, hạnh phúc, tài lộc đến với họ.

Anh còn thiết kế và viết thư pháp lên từng chiếc phong bao lì xì để tặng trong dịp Tết như một cách thể hiện sự quan tâm, tấm lòng với bạn bè, người thân. “Khi bạn bè đón nhận, dành tặng những lời ngợi khen và treo thư pháp ở những vị trí trang trọng trong nhà, phòng làm việc, bản thân cũng thấy vui”-anh Vinh bộc bạch.

Bạn Ngô Thị Kim Trúc đang miệt mài viết thư pháp. Ảnh NVCC

Bạn Ngô Thị Kim Trúc đang miệt mài viết thư pháp. Ảnh NVCC

Từng mở lớp dạy viết thư pháp miễn phí tại tịnh xá Ngọc Cổ và là người hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku, ông Trần Ngọc Dũng chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, nghệ thuật thư pháp được nhiều bạn trẻ quan tâm. Có những em mới học lớp 5, nhà khá xa trung tâm nhưng vẫn kiên trì theo học. Một số trường THCS, THPT cũng quan tâm, tạo sân chơi để học sinh tìm hiểu, làm quen với nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc tiếp nối và phát huy nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt”.

Không chỉ đơn giản là phương pháp viết chữ đẹp, thư pháp chữ Việt còn được hiểu là hình thức nghệ thuật biểu hiện ngôn từ. Ẩn sâu trong mỗi nét chữ là suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của người viết. Bằng tài năng cùng với nỗ lực rèn luyện không ngừng, thư pháp và thư họa của bạn Ngô Thị Kim Trúc đã được nhiều người đón nhận. Thỉnh thoảng, Trúc được các cơ quan, đoàn thể địa phương mời tham gia viết chữ tại một số sự kiện.

Thời gian gần đây, Trúc còn nhận được một số đơn đặt hàng về những bức thư pháp, thư họa làm quà tặng sinh nhật, mừng nhà mới, khai trương... Cô gái trẻ nghiêm khắc với bản thân, cẩn thận, chỉn chu trong từng nét chữ. Chỉ khi thật sự hài lòng với tác phẩm, Trúc mới giao cho khách để nhận về niềm vui, niềm hạnh phúc nho nhỏ.

Thư pháp chữ Việt theo Trúc không có khuôn mẫu nhất định, quan trọng là sự cân đối, hài hòa trong từng nét chữ cũng như tổng thể bức họa. Do đó, Trúc vẫn nỗ lực mỗi ngày luyện từng đường bút cong, tròn, thẳng, cách điệu mang giá trị tượng hình, tạo ra tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.

Sau hơn 1 năm theo đuổi đam mê và luôn tự nghiêm khắc với bản thân để tiến bộ mỗi ngày, chị Hạnh cũng đã tự tin tham gia các sự kiện viết chữ, tặng chữ do Câu lạc bộ thư pháp chữ Việt Pleiku tổ chức. “Ngoài viết thư pháp trên giấy, mình có thể tự tin viết chữ trên các vật trang trí. Dịp Tết vừa rồi, mình viết chữ, viết câu đối trang trí không gian của gia đình. Một số bạn bè, người thân khi đến chơi nhà cũng ngỏ ý xin chữ. Mình vui vì được sống với đam mê và hạnh phúc khi lan tỏa những điều tích cực đến với mọi người”-chị Hạnh bày tỏ.

Ngoài ra, chị Hạnh cũng dùng chính niềm đam mê của bản thân làm món quà để động viên, khích lệ học sinh nỗ lực hơn trong học tập.

“Đối với những học sinh có thành tích tốt, mình khuyến khích bằng việc tặng chữ viết. Các em rất hào hứng! Có em còn bày tỏ mong muốn theo học. Mình hy vọng bản thân sẽ tốt hơn mỗi ngày để truyền cảm hứng tích cực đến với mọi người, đồng thời góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp”-chị Hạnh cho biết.

Có thể bạn quan tâm