Suốt 30 năm qua, dù nắng dù mưa ông Điệp vẫn đẩy xe kem rong ruổi khắp Sài Gòn để kiếm tiền thuốc men cho vợ. Với ông, hạnh phúc đơn giản chỉ là sau mỗi ngày đi bán, về ăn cơm cùng vợ trong căn nhà nhỏ.
Trong con hẻm trên đường Võ Duy Ninh (quận Bình Thạnh, TP. HCM), ai cũng biết ông Đỗ Mộng Điệp với tên gọi “ông Ba bán kem”. Dù đã 78 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn đẩy xe kem đi ra các trường học trong khu vực để kiếm tiền thuốc men cho vợ.
Ông Điệp mang trong mình ba bốn thứ bệnh của tuổi già nhưng vẫn hàng ngày đi bán. |
Bán kem nuôi vợ bệnh
Một ngày giữa tháng mười, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Mộng Điệp tại số 113/68/7a đường Võ Duy Ninh. Lối vào nhà ông Điệp bé xíu, chỉ một người đi vừa, ngay cả chiếc xe kem là công cụ mưu sinh duy nhất ông Điệp cũng phải để ở ngoài đường. Sâu bên trong, căn nhà chưa đầy 15 mét vuông chỉ đủ kê cái bàn, cái võng rồi cái bếp là tới bức tường.
Trên bàn, dưới tủ là đủ thứ thuốc, ông Điệp cho biết ông vừa đi khám về, bác sĩ cho thuốc uống một tháng nên nhìn thôi cũng thấy ngán.
Gần 50 năm cưới nhau mà chưa một lần ảnh to tiếng với tui, suốt ngày cứ anh anh, em em chứ không nhăn nhó hay cáu gắt điều gì. Từ khi tui bị bệnh không đi bán được, nhìn ảnh lo lắng tui thấy sót lắm nhưng không biết có thể làm gì được. Có những ngày vợ chồng ăn cơm chan canh hoặc chan nước mì gói nhưng ảnh cũng không than trách lấy một câu. |
Ông Điệp kể, ông và bà Nguyễn Thị Kim Dân (69 tuổi) gặp nhau khi hai người còn làm ở Nha Trang. Khi đó, chạy loạn thời chiến nên bà Dân không có người thân, ông Điệp nhìn bà lại thấy ưng bụng nên dắt bà về xin phép cha mẹ ông cho hai người ở với nhau như vợ chồng.
Cuộc sống khó khăn, hai ông bà làm đủ nghề, đi từ Nha Trang đến Cà Mau làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ sống nên đến năm 1990, hai ông bà bàn nhau lên Sài Gòn mưu sinh.
Ông Điệp tâm sự: “Hồi mới lên Sài Gòn, bả đi bán vé số, còn tui đi bán kem, ở bờ ở bụi rồi cũng thuê được cái nhà. Sau dành dụm mua được miếng đất là chuồng heo phía sau nhà của một gia đình khác nên dựng chòi ở tạm. Hễ gió là ướt hết sạch, trong cũng như ngoài. Cách đây 10 năm, phường xây cho cái nhà tình thương này trên chính cái chuồng heo hồi đó luôn nè, may nhờ vậy mà có nơi che mưa che nắng”.
Vì đi bán vé số dạo trong thời gian dài, bà Dân bị đau đầu gối, uống thuốc tây riết rồi lại thêm bệnh đau tim, mờ mắt, đi lại khó khăn nên bà nghỉ bán, tất cả lo toan dồn lên vai ông Điệp.
Vậy là từ đó, ông Điệp đi bán đều đặn hơn, bất kể nắng mưa, ông đi đến khi nào bán hết kem mới về.
“Ngày trước còn khỏe đi được nhiều nơi lắm, ngõ ngách nào tui cũng len lỏi vô. Nhưng mấy năm gần đây, đi về là mệt quá thở không ra hơi nên tui chỉ bán ở hai trường học gần nhà. Cứ sáng đẩy đi chiều đẩy về, có ngày đến 7 giờ tối mới bán hết nhưng vẫn ráng, chứ bán không hết về chỉ còn cách đổ đi, hai ông bà già không lẽ ngồi ăn kem”, ông Điệp kể.
Vậy nhưng mấy ngày gần đây ông Điệp đổ bệnh, lại trúng mùa mưa, xe kem để ngoài đường mục nát và thủng, bánh xe cũng ngoặt qua một bên. Nhìn chiếc xe, ông xót ruột vừa sửa vừa nói: “Tui chỉ mong mau mau bớt bệnh để còn đi bán lại, chứ nghỉ lâu quá mất mối hết”.
Bà Dân bật khóc khi nghĩ về bệnh tình của hai vợ chồng. |
Hạnh phúc giản đơn
Nhìn ông chồng già ngồi móm mém nhai cơm chan canh, bà Dân tâm sự: “Gần 50 năm cưới nhau mà chưa một lần ảnh to tiếng với tui, suốt ngày cứ anh anh, em em chứ không nhăn nhó hay cáu gắt điều gì. Từ khi tui bị bệnh không đi bán được, nhìn ảnh lo lắng tui thấy xót lắm nhưng không biết có thể làm gì được. Có những ngày vợ chồng ăn cơm chan canh hoặc chan nước mì gói nhưng ảnh cũng không than trách lấy một câu”.
Từ ngày còn trẻ, bà Dân đã không có khả năng sinh con, bao nhiêu lời ra tiếng vào khiến bà đau lòng nhưng ông Điệp cũng không lấy đó làm buồn mà luôn động viên: “Con cái là thứ trời cho, ông bà không được trời cho con cái thì ráng nương tựa vào nhau lúc tuổi già”.
Bà Dân trải lòng, ông bán hết xe kem là lời được tám chục ngàn, vừa đủ mua gạo với thuốc men một ngày của bà. Từ ngày ông Điệp đổ bệnh, nhờ sự giúp đỡ của mọi người nên ông bà vẫn có cơm cháo qua ngày.
“Cầu cho tui đi trước ảnh chứ ảnh mà đi trước là tui cũng uống thuốc rồi chết theo thôi chứ ở lại đâu có ai chăm. Giờ nhà cửa này ai tới xin gì tui cũng cho hết, chứ giờ chồng bệnh vợ bệnh là không có ham cái gì hết…”, bỏ lửng câu nói bà Dân lấy tay quệt nước mắt rồi nhìn về phía người chồng.
Theo thanhnien