Phóng sự - Ký sự

Ống kính kể chuyện đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Văn hoá truyền thống của người dân tộc bản địa Tây Nguyên được các nhiếp ảnh gia thu vào ống kính. Nét đẹp tiềm ẩn, nguyên sơ nơi vùng đất này được bung ra tại những triển lãm ảnh. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đã chạm đến cảm xúc, trái tim của công chúng yêu nghệ thuật.

Người “say” văn hoá cổ truyền

Bộ 8 ảnh có chủ đề “Quy trình chế biến rượu cần của người Ê đê” của tác giả Đinh Văn Nam khiến du khách ngỡ ngàng trước một Tây Nguyên kỳ diệu, bí ẩn, mộc mạc. Nhiều du khách Buôn Ma Thuột chia sẻ, ngoài tò mò và ấn tượng bởi “Quy trình chế biến rượu cần của người Ê đê” được tái hiện một cách chân thực, sinh động, họ còn bất ngờ khi biết tác giả bộ ảnh là một cán bộ sinh sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội.

Ông Đinh Văn Nam công tác tại Viện hoá học công nghiệp Việt Nam. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai công nghệ hóa học chi nhánh Viện hóa học công nghiệp Việt Nam. Ông đến với nghệ thuật từ đam mê nét đẹp văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. “Tôi không phải là dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chỉ là đam mê nghệ thuật, đam mê nhiếp ảnh, đam mê văn hóa vùng miền và văn hóa cổ. Bản thân muốn tìm tòi giữ gìn văn hóa các dân tộc, đi sâu và tìm hiểu về nghệ thuật nhiếp ảnh”, ông Nam nói.

Bộ ảnh “Quy trình chế biến rượu cần của người Ê đê”

Bộ ảnh “Quy trình chế biến rượu cần của người Ê đê”

Đây là lần thứ ba tác giả Đinh Văn Nam đến vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Lần đầu ông vào khảo sát, mảnh đất này đã tạo ấn tượng đặc biệt với ông bởi sự hùng vĩ của cảnh sắc, nét độc đáo về văn hóa. Đến đây, ông ở trong ngôi nhà dài truyền thống tại một buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chủ nhà thân thiện mến khách. Ông cảm nhận đời sống văn hóa của người Êđê rất đặc biệt khi tiếp cận vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của họ. Trong các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng, rượu cần là thức uống không thể thiếu. Làm ra một ché rượu cần ngon đãi khách quý hay dâng cúng là cả một quy trình ủ rượu công phu, với nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Người phụ nữ thường dậy sớm, chuẩn bị sẵn các nguyên liệu. Để có ché rượu ngon quan trọng nhất là khâu ủ men rượu. Men ủ được họ chế biến theo bí quyết riêng. Lượng men cho vào ủ rượu phải vừa đủ. Sau đó, hỗn hợp được trộn chung với vỏ trấu sạch để không bị vón cục, cơm rượu lên men đều. Khoảng 1 đến 2 tuần có thể thưởng thức. Rượu cần để lâu hương vị ngon, uống đượm hơn.

Ông Đinh Văn Nam bên tác phẩm “Quy trình chế biến rượu cần của người Ê đê”

Ông Đinh Văn Nam bên tác phẩm “Quy trình chế biến rượu cần của người Ê đê”

Ông muốn phục dựng nét văn hóa này bằng hình ảnh để đưa đến công chúng, người xem hiểu hơn về văn hóa của người Êđê. Khi thực hiện bộ ảnh, tác giả Đinh Văn Nam được các nghệ sĩ Tây Nguyên hỗ trợ, từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành hơn 1 tuần.

Tác phẩm đậm chất Tây Nguyên được mở ra với đôi tay uyển chuyển, nét mặt ửng hồng của những người phụ nữ dưới tia nắng lấp lánh đang miệt mài các công đoạn ủ rượu cần. Ta như cảm nhận hương vị thơm nồng phảng phất. Tác giả đã nắm bắt khoảnh khắc khác nhau, ghi nhận những vẻ đẹp khuất lấp vốn có của vùng đất Tây Nguyên, đủ để ánh mắt yêu nghệ thuật của công chúng chạm đến.

Tác phẩm “Quy trình chế biến rượu cần của người Êđê” đoạt giải nhì tại Cuộc thi ảnh với chủ đề: “Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk hội nhập và phát triển” do Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk phát động. Với tác giả Đinh Văn Nam, đó là niềm phấn khởi, tự hào, vì thành quả nghệ thuật của ông được công nhận.

Thoát thai từ văn hoá rừng

Bộ ảnh “bảo tồn văn hoá cồng chiêng”

Bộ ảnh “bảo tồn văn hoá cồng chiêng”

Gần 10 năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Tuấn Ninh gây ấn tượng với du khách bằng những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên và đặc biệt là phong cảnh, con người quê hương huyện Lắk. Tại triển lãm lần này, ông mang đến một luồng gió mới qua tác phẩm “Quy trình chế biến cà phê”. Bộ 8 ảnh phản ảnh khá đầy đủ về quy trình chế biến cà phê quy mô lớn, hiện đại của một doanh nghiệp hàng đầu trong hoạt động xuất khẩu cà phê của tỉnh. Với thể loại ảnh bộ có kỹ thuật thể hiện tốt, sắp xếp trình tự và bố cục ảnh hợp lý, tác phẩm này mang về cho ông giải nhất.

Nhiếp ảnh gia Tuấn Ninh bắt đầu bước vào con đường đam mê săn ảnh từ năm 2014, ông đã gặt hái được khá nhiều thành công. Năm 2017, tác phẩm “Sức sống đại ngàn” vinh dự đoạt giải nhất. Tại triển lãm lần này, ngoài giải nhất ông còn ẵm giải 3 từ tác phẩm “Bảo tồn văn hóa cồng chiêng”.

Cuộc thi ảnh với chủ đề: “Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk hội nhập và phát triển” được Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk phát động tháng 3/2023. Sau thời gian phát động, ban tổ chức nhận được 1.322 tác phẩm của 102 tác giả đến từ 21 tỉnh, thành trong cả nước. Qua nhiều vòng chấm, Ban Giám khảo đã chọn ra bộ ảnh triển lãm gồm 92 tác phẩm (14 ảnh bộ và 78 ảnh đơn) của 43 tác giả. Ban giám khảo đã chọn được 13 tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất để trao giải. Triễn lãm trưng bày tại TP Buôn Ma Thuột đến hết tháng 10/2023

Bộ ảnh “Bảo tồn văn hóa cồng chiêng” gồm 5 ảnh đơn được ông xây dựng trong thời gian 2 năm, từ khi bảo dưỡng chiêng đến sinh hoạt cộng đồng của đồng bào M’Nông. Theo ông, nếu chụp bộ ảnh này trong một ngày cũng sẽ thực hiện được nhưng ông muốn ghi lại khoảnh khắc chân thực, diễn ra một cách tự nhiên và thực tế nhất. Trong 2 năm lang thang các buôn làng, ông chắt lọc những tấm hình đặc biệt, tại các lễ hội ông luôn bám sát chớp lấy khoảnh khắc.

Bộ ảnh hiện lên, trong không gian huyền ảo xuất hiện những thế hệ lớn lên từ nền văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên. Ánh mắt rạng ngời của thiếu nữ cùng bà lau chùi bụi bám trên báu vật gia truyền. Đó là hình ảnh hai cụ già với nụ cười hạnh phúc đang chỉnh âm cho bộ chiêng.

Bức ảnh đưa người xem đắm mình trong một không gian lễ hội truyền thống với đôi tay điêu luyện tấu chiêng của nghệ nhân và nhịp chân uyển chuyển của các thiếu nữ bên ánh lửa bập bùng. Tác giả Tuấn Ninh thể hiện thành công mong muốn về ý thức bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc M’Nông nói riêng, cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung.

Tác giả Tôn Thất Tuấn Ninh
Tác giả Tôn Thất Tuấn Ninh

Sau bao năm tháng lặn lội sáng tác về đề tài Tây Nguyên, ông đã thu vào ống kính hàng nghìn bức ảnh với những khoảnh khắc khác nhau tạo nên sự đa dạng, đem nét đẹp tiềm ẩn, nguyên sơ của người Tây Nguyên thoát thai từ “văn hóa rừng” giới thiệu đến công chúng. Qua cách chọn khung cảnh, tư thế, và cảm xúc, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của ông thể hiện được chiều sâu, cốt cách của nhân vật.

Với niềm đam mê cháy bỏng của một trái tim nghệ sĩ, những tác phẩm ảnh nghệ thuật của ông bằng cái nhìn mới lạ, sâu sắc mang lại cho người xem những cảm nhận phong phú, đa chiều khi thưởng thức.

Có thể bạn quan tâm