Cũng phải, bởi ong ruồi làm lợi cho người nhiều lắm. Từ mật ong, sữa chúa, phấn hoa cho đến sáp ong, thậm chí cả… nọc ong cũng đều được sử dụng để làm thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm. Câu chuyện thần thoại Hy Lạp về chàng Icarus mưu toan vượt ngục bằng đôi cánh gắn… sáp ong đã minh chứng lịch sử gắn bó lâu đời giữa hai sinh thể người-ong!
Minh họa: Huyền Trang |
Tuy có nọc độc nhưng ong ruồi lại khá hiền lành, thân thiện. Do đó, chúng mới dễ bị con người “dụ khị” về ở chung mà… thu lợi. Con người chỉ cần tìm hiểu “tánh ý” chúng để nương theo, để kích thích, phát huy những tập tính có lợi và dè chừng, tránh né những điểm bất lợi có nguy cơ làm tổn thương mối quan hệ. Có thể ví von rằng, đây là mối quan hệ chủ-khách, con người là chủ, ong là khách. Đương nhiên chủ phải tôn trọng, tạo điều kiện để khách vui vẻ, tự nguyện mà lưu trú; không được… cưỡng bức, ép uổng hoặc trấn lột khách nếu muốn giữ gìn mối quan hệ được bền lâu.
Đã vậy thì ta cũng có thể ví von thêm: nuôi ong không khác mấy với chuyện làm… du lịch; yêu cầu của những “du khách” ong thực ra cũng không khác mấy với khách Tây, khách Hàn, khách Nhật…; đó là an ninh, môi trường, cảnh quan thiên nhiên và giá cả! Ai đã từng nuôi ong hẳn đều biết có ngàn lẻ một lý do để ong bỏ tổ, bốc bay chỉ nằm quanh quẩn trong 4 vấn đề trên: khu vực tổ bị ô nhiễm (môi trường); bị người khuấy phá, thiên địch tấn công (an ninh); nguồn thức ăn khan hiếm, kém chất lượng (thiên nhiên); bị khai thác, thu lợi quá mức (giá cả).
Tuy vậy, cũng có một lý do khiến ong bỏ tổ đi (bớt) mà không phải lỗi do con người, đó là hiện tượng ong chia đàn. Đây là phản xạ bản năng để phát triển nòi giống khi đàn ong quá đông-ong chúa cũ (với sự trợ giúp của ong thợ) sẽ tạo ra trong bánh tổ vài nụ ong chúa mới, sau đó dẫn phân nửa đàn ong rời tổ bay đi nơi khác mà sinh cơ lập nghiệp. Đàn ong còn lại lo chăm sóc các nụ chúa để ong chúa mới nở ra thay chúa cũ mà tiếp quản đàn ong. Đàn đông lên lại chia tiếp.
Vào mùa làm mật, nếu đàn ong sung sức, chúng có thể chia đàn đến vài ba bận; cứ mỗi lần chia, quân số lại hao hụt mất nửa. Chủ mà không cảnh giác theo dõi, có khi thấy khách vẫn vào ra, nhưng thực chất đến 3/4 số khách đã âm thầm… “lên phi cơ sang xứ khác” từ lâu. Xem như mùa ấy xôi hỏng bỏng không vì doanh thu sao có được khi khách không còn? Thế nhưng, nếu phát hiện, can thiệp kịp thời, hiện tượng ong chia đàn sẽ là lợi điểm rất lớn; bởi mỗi lần chia là xem như số đàn ong được nhân đôi. Đó là phương thức cực kỳ hữu hiệu để phát triển nghề nuôi ong theo xu hướng tự nhiên thay cho cách lùng bắt ong dại về nuôi, nhất là trong tình trạng nguồn ong dại trong thiên nhiên ngày càng khan hiếm do môi trường bị xâm hại nặng bởi lòng tham và sự vô ý thức của con người.
Ngày nay, người ta chọn giải pháp nhập giống ong ngoại (gốc gác từ Italia, thường gọi ong Ý) về nuôi. Ong Ý hiền lành, sản lượng mật dồi dào nên cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người đã “biết mùi” sản phẩm mật khai thác từ những con ong ruồi bản địa (ong rừng hay ong nuôi cũng thế) mới biết: Mật ong nội thơm ngon ăn đứt mật ong ngoại. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Chả trách, mật ong ruồi bản địa (thật) bán đắt tới đâu vẫn có người tìm mua. Người nuôi giống ong này luôn trong tình trạng “cháy hàng”, cung không đủ cầu bởi số lượng mật thu hoạch ít mà người đặt hàng lại đông. Ít nên quý cũng có phần, nhưng yếu tố quyết định vẫn là ngon. Của ngon có đâu nhiều. Chắc do cái “luật trời” ấy nên ong ruồi “nội” tự nhiên vẫn chỉ lác đác được nuôi với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ như một hình thức tăng gia kiếm thêm thu nhập. Hỏi vì sao không phát triển lớn, sẽ được trả lời: khó nuôi khó quản nếu số lượng lớn; mất nhiều công sức; sản lượng mật không cao... Đương nhiên rồi, phải có khó khăn, nếu không, sao nói người nuôi phải trân trọng những con ong ruồi như… khách quý.