Phóng sự - Ký sự

Pagang kala, cọc dấu quyền năng sinh tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một tổ ong rừng mới được phát hiện. Alăng Lai, chàng trai Cơ Tu ở xã Jơ Ngây (Đông Giang) vớ lấy một nhánh cây gần đó, chẻ phần đầu, đặt thêm một đoạn cây khác nhỏ hơn theo hình chữ thập, rồi cắm thẳng xuống đất. Vị trí Alăng Lai đánh dấu này là gốc cây có đàn ong làm tổ nhằm thông báo với mọi người về… quyền sở hữu của mình, theo phong tục văn hóa Cơ Tu.
Cọc dấu được Alăng Lai cắm cạnh gốc cây nơi phát hiện tổ ong rừng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cọc dấu được Alăng Lai cắm cạnh gốc cây nơi phát hiện tổ ong rừng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Alăng Lai nói với tôi, kinh nghiệm quan sát cho thấy tổ ong vừa phát hiện còn nhỏ, chưa đủ thời gian khai thác. Vì thế, bằng ký hiệu này sẽ giúp tổ ong được giữ lâu, ngăn việc khai thác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của ong rừng.

“Như tổ ong này, mình là người phát hiện trước. Nếu chưa khai thác, sẽ làm ký hiệu để người sau biết là tổ ong này đã có chủ, từ đó không tự ý khai thác, xâm phạm gây mất đoàn kết cộng đồng. Người Cơ Tu gọi đó là pagang kala hoặc clặ zdư” - Alăng Lai chia sẻ.

1. Alăng Lai thuộc thế hệ người trẻ Cơ Tu khá am hiểu văn hóa cộng đồng. Câu chuyện “người sở hữu” quà tặng của mẹ thiên nhiên, qua lời kể của anh hiện rõ sự rành mạch, mang triết lý nhân văn sinh động về cuộc sống cộng đồng.

Alăng Lai nói, đó là nét đẹp truyền thống, thể hiện sự tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau. Sống chung dưới bàn tay bảo bọc của mẹ rừng, người ta tin rằng, những người làm việc xấu sẽ bị phạt vạ bởi mắt thần quyền năng, cuộc sống chịu nhiều cực khổ, cay nghiệt.

Vùng cao đang vào mùa “săn” mật ong rừng. Những chuyến đi phía núi, cứ thế dài thêm theo nhịp đời mưu sinh. Như món quà quý được mẹ thiên nhiên ban tặng, hành trình “săn” mật ong rừng cũng lắm gian nan, vất vả.

Nhiều chuyến đi, với Alăng Lai và anh em trong làng, có khi là về tay không vì “một vài tổ ong đã có chủ”. Luật bất thành văn, khi phát hiện có ký hiệu của người đi trước, mặc nhiên không ai được quyền xâm phạm. Đạo lý đó được người Cơ Tu truyền dạy con cháu, như quy ước chuẩn mực về phẩm giá con người trước bản năng sinh tồn.

Người Cơ Tu rất trọng chữ tín. Vì thế, pagang kala như một biểu thị về sự tôn trọng con người, cũng như đề cao vai trò và nguyên tắc cộng đồng.

“Ngày xưa muông thú còn nhiều, người Cơ Tu thường mưu sinh bằng việc săn bắt. Có một quy định mà sau này thành luật riêng cộng đồng, là người ngoài làng hoặc không phải chủ nhân của những chiếc bẫy, chiếc kẹp thì nhất định không được tháo dỡ, mang con thú về. Đó là sự tối kỵ, làm trái với luật làng. Nếu bị phát hiện, không những bị quở mắng, mà còn phải nộp phạt, xin lỗi công khai trước cộng đồng” - Alăng Lai nói trên đường chúng tôi trở ra từ rừng.

2. Hôm trước, tôi ngồi với già Alăng Đàn (ở thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) để nghe ông giải nghĩa về những câu lý Cơ Tu. Dưới ngôi moong truyền thống, câu chuyện bất ngờ lan sang văn hóa giữ rừng, cách ứng xử của người Cơ Tu với mẹ thiên nhiên.

Ông Đàn nói, ngày trước, mặc dù diện tích rừng còn rộng, muông thú còn nhiều nhưng người vùng cao khai thác rất chừng mực. Bởi người vùng cao quan niệm, rừng như người mẹ chung nên phải ra sức bảo vệ, nhất là lối ứng xử tôn thờ quy luật tự nhiên.

Già Alăng Đàn khẳng định tục pagang kala vẫn tồn tại trong cộng đồng vùng cao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Già Alăng Đàn khẳng định tục pagang kala vẫn tồn tại trong cộng đồng vùng cao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Điều đó giải thích vì sao người vùng cao thường ít tác động đến rừng già. Ngay cả việc cần chặt cây gỗ để dựng nhà cửa, làm chuồng trại hay công trình cộng đồng cũng đều thông qua hội đồng già làng. Chính già làng là người quyết định mọi công việc, sau khi tham khảo hết ý kiến của cộng đồng. Như nét đẹp truyền đời, tục pagang kala thể hiện tinh thần cố kết, nhường nhịn nhau trong lối sống cộng cư miền núi.

“Khi một người nào đó cắm cây làm dấu, tức là thông báo với mọi người về sự có mặt của họ, ngầm khẳng định quyền được làm chủ về một sự việc nào đó. Có thể là tổ ong, bụi mây hay một thân cây gỗ mọc sâu trong rừng. Điều đặc biệt, cọc dấu này được cộng đồng tôn trọng và đồng ý” - già Alăng Đàn nói.

Câu chuyện của ông Đàn, bất chợt làm tôi nhớ lúc ngồi với già làng Y Kông cách đây ít tháng. Người vợ mất sau thời gian chống chọi với bệnh tật, sắc mặt của già Y Kông dù đã có nhiều khởi sắc, song vẫn hiện rõ sự trầm tư của một lão làng. Hôm đó, ông kể về chuyện cây dó bầu ở những cánh rừng của xã Ba.

Trên tay, cầm sẵn một pho tượng đã úa màu khói bếp, được tạc từ trầm. Hàng chục năm trước, nhiều cánh rừng ở xã Ba, quê hương của già Y Kông, người ta phát hiện có trầm. Chính xác là cây dó bầu, mọc rải rác trong rừng sâu.

Nhưng, vì câu chuyện này, mà đến bây giờ già Y Kông vẫn luôn day dứt. Ông nói, đó là những tháng năm ông mắc phải sai lầm, khi dẫn đường cho người lạ đi cưa cây dó, lấy trầm.

Những vết cắt vạt sâu vào thân cây dó ngày càng nhiều, như cách làm dấu của cộng đồng vùng cao. Như thế, đồng nghĩa với việc nơi này đã có dấu hiệu sở hữu của những người đến trước, theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu, người tới sau không được xâm phạm. Chính điều đó vô tình khiến cây dó bầu dần biến mất khỏi cánh rừng xã Ba, như bây giờ.

3. Có lần, tôi hỏi mẹ, bây giờ người Cơ Tu ở quê núi có còn giữ văn hóa pagang kala nữa không? Mẹ tôi cười, nói đó là truyền thống tốt đẹp nên không thể mất đi. Cuộc sống sinh tồn dưới cánh rừng Trường Sơn càng khiến người vùng cao tôn trọng hơn quy tắc cộng đồng.

Những cọc dấu không chỉ là thông báo về những phát hiện, mà xa hơn và tồn tại cho đến bây giờ, trở thành những ký hiệu riêng trong phân chia ranh giới làng, ranh giới đất sản xuất, đất ở được cộng đồng tôn trọng.

Từ ngàn xưa và cho đến bây giờ, người vùng cao vẫn thường dùng những ký hiệu hoặc địa hình tự nhiên để tạo ranh giới. Điển hình nhất là hàng cây, bụi tre, con suối… được quy ước theo lệ làng.

Cách người Cơ Tu làm dấu khẳng định... “chủ quyền”. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cách người Cơ Tu làm dấu khẳng định... “chủ quyền”. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Mẹ tôi kể, ngày trước, người Cơ Tu thường canh tác chủ yếu trên cánh rẫy ở sâu trong rừng già. Trước mùa phát rẫy, từng hộ dân lặn lội vào trong rừng sâu, tìm kiếm mảnh đất phù hợp để làm khu sản xuất mới.

Trên mảnh đất được chọn, họ dùng cọc gỗ để làm ký hiệu clặ k’tiếc - hàm nghĩa đất đã có chủ. Vị trí đó, nếu người khác trong làng muốn phát rẫy, phải xin phép và có sự đồng ý của “chủ đất” mới được quyền canh tác.

Câu chuyện pagang kala, qua lời kể của mẹ còn mang thêm ý nghĩa khác, là thông báo sự việc bất bình trong cuộc sống. Khi hoa màu của một hộ dân nào đó trong làng bị trâu bò, heo phá hại, người ta sẽ mang những phần bị hư hại đó cắm ở sân gươl để thông tin cho cả làng biết, từ đó ý thức hơn trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ký hiệu clặ zdư còn được dùng rộng rãi trong việc thông báo khúc sông, đoạn suối được chọn để nuôi cá tự nhiên, tránh sự xâm phạm của người khác.

Thẳm sâu trong đôi mắt của mẹ, tôi cảm giác được điều gì đó rất lạ. “Bây giờ đất chung không còn nhiều nữa. Lợi ích kinh tế đang khiến những mâu thuẫn cộng đồng ngày càng phức tạp hơn. Tập tục pagang kala biết đâu sau này cũng sẽ mất dần, lúc đó tình đoàn kết cũng không còn được như trước nữa” - mẹ tôi nói với sự trăn trở của một cụ bà từng trải.

Miên man trong câu chuyện của mẹ, tôi nghĩ xa hơn về những cuộc tranh chấp, xung đột đất đai diễn ra thời gian qua ở miền núi. Không còn sự “nhường nhịn” như trước đây nữa, vì cơm-áo-gạo-tiền, nhịp sống mới đang ngày dần đổi khác và tình người cũng khác đi. Nhưng, dù sao, điều an ủi tôi lúc này, là những bất ổn đó, không quá lớn như chuyện được kể dưới xuôi…

Có thể bạn quan tâm