Thời sự - Bình luận

Phải bảo vệ cán bộ, đừng “3 không” vì... sợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu thay thế cán bộ năng lực yếu, không dám làm.

Cụ thể, ông Trần Sỹ Thanh giao Sở Nội vụ Hà Nội tham mưu công tác kiểm tra hoạt động công vụ để kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc, không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm; chủ động phát hiện những khâu yếu, bộ phận yếu, cán bộ yếu để chấn chỉnh, củng cố tăng cường hoặc thay thế kịp thời, nâng cao chất lượng giải quyết công việc. 

Đây là sự chỉ đạo rất thực tế, kịp thời, không riêng gì Hà Nội mà tất cả địa phương khác trên cả nước phải nhanh chóng triển khai.

Bởi lẽ, thực tế thời gian gần đây cho thấy, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Thậm chí, có trường hợp đùn đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…

Hãy lưu ý đến con số này: Năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời, tức là trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản; hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố.

Không riêng gì TPHCM, con số thống kê ở các địa phương khác trong cả nước cũng không hề nhỏ. Con số đó cho thấy sự bất hợp lý, cho thấy việc “sợ” hoặc đùn đẩy nhau trong xử lý công việc.

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Thời gian qua, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu chấm dứt tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm. Thủ tướng từng nói “ai không làm, đứng sang một bên”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thực trạng này chưa được khắc phục một cách hiệu quả, đồng bộ.

Nói cụ thể hơn, là thời gian qua đang có tình trạng “ba không” trong đội ngũ cán bộ các cấp, đó là: “Không nói; Không tham mưu, đề xuất; Không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng".

Vì sao? Đơn giản, là vì “sợ”. Vậy nên để khắc phục tình trạng trên phải tạo ra môi trường an toàn cho cán bộ khi thực thi công vụ.

Gần đây nhất, tháng 4.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đây là cơ sở để bảo vệ những cán bộ luôn đặt lợi ích chung lên trên hết. Vậy nên, các địa phương khác hãy có những chỉ đạo mạnh mẽ như Hà Nội và một số tỉnh thành khác đã làm, không thể để những cán bộ “ba không” làm xói mòn lòng tin của người dân.

Có thể bạn quan tâm