Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phải thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tại buổi làm việc sáng 13-11 giữa đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy với Nhà máy Đường An Khê về tình hình hoạt động, sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu mía của Nhà máy.
 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Cùng dự có ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê và một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê đã báo cáo khái quát với đoàn công tác về tình hình hoạt động của Nhà máy. Theo đó, những năm qua, Nhà máy Đường An Khê luôn chú trọng đến công tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía bằng nhiều biện pháp. Từ 2.000 ha khi thành lập Nhà máy vào năm 2000, đến nay, diện tích vùng mía đã năng lên 26.000 ha. Nhà máy đã đầu tư trên 150 máy cày có công suất lớn, gần 1.000 thiết bị máy nông nghiệp và 4 máy thu hoạch mía liên hợp để đầu tư làm đất-trồng-chăm sóc-bón phân cho mía trên vùng nguyên liệu thuộc 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh; qua đó, từng bước chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp, hạ giá thành sản xuất, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía, đáp ứng nguyên liệu cho công suất ép 12.000 tấn mía/ngày và 18.000 tấn mía/ngày trong vụ ép 2016-2017.

 

Giám đốc Nhà máy Đường An Khê báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị với đoàn công tác. Ảnh: Hồng Thi
Giám đốc Nhà máy Đường An Khê báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị với đoàn công tác. Ảnh: Hồng Thi

Bên cạnh đó, Nhà máy đã xây dựng được nhiều cánh đồng mía lớn tập trung. Đến nay, diện tích thực hiện cánh đồng lớn trên toàn vùng mía là 1.076,3 ha với 793 hộ dân tham gia. Năng suất mía cánh đồng lớn bình quân đạt 120 tấn/ha, chu kỳ sản xuất 4 năm.

Với những kết quả đã đạt được, Nhà máy sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số thiết bị tiên tiến, phù hợp với đồng ruộng, phấn đấu đến năm 2018, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng trên 80% tổng diện tích trồng mía, đưa năng suất bình quân toàn vùng lên 75 tấn/ha năm 2016 (trong đó diện tích thực hiện cơ giới hóa đạt năng suất bình quân ổn định trên 90 tấn/ha); dự kiến đến vụ 2017-2018, có khoảng 5.000 ha mía cánh đồng lớn. Thêm vào đó, Nhà máy còn xây dựng Xí nghiệp cơ giới nông nghiệp, Trung tâm giống mía tại An Khê để phục vụ phát triển nguyên liệu và đưa vào hoạt động cuối năm 2015; đầu tư Nhà máy điện sinh khối An Khê (1.800 tỷ đồng), hoàn thành tháng 12-2016; xây dựng Nhà máy Bio-Ethanol với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 12-2018…


Ngoài ra, Nhà máy cũng đưa ra một số kiến nghị như: ưu tiên bố trí các nguồn vốn thực hiện cánh đồng lớn ở các huyện, thị xã; thực hiện các ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp và nông dân; chỉ đạo tập trung nguồn lực khác của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà máy đường An Khê để hội nhập; hỗ trợ công tác an ninh trật tự từ đồng mía đến khu vực Nhà máy; ban hành tiêu chí cánh đồng mía lớn theo thực tế của tỉnh; chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất mía tập trung theo mô hình cánh đồng lớn cũng như xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã có những trao đổi, phân tích, đề nghị liên quan đến khó khăn trong phát triển cánh đồng mía mẫu lớn; việc thực hiện an sinh xã hội và ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước), hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở… của Nhà máy đối với địa phương.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã ghi nhận những kết quả, đóng góp cho tỉnh Gia Lai mà Nhà máy Đường An Khê đã làm được. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhấn mạnh: Nhà máy nên minh bạch và khách quan khi đánh giá chữ đường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà máy và người trồng mía; cần tham gia tích cực hơn nữa vào an sinh xã hội của địa phương; xây dựng mỗi cánh đồng mẫu lớn phải đạt diện tích từ 15 ha trở lên; đồng thời, không để xảy ra ô nhiễm môi trường như thời gian qua, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy Đường An Khê trong hoạt động; Sở Nông nghiệp và PTNT cần nhanh chóng nghiên cứu bổ sung Quyết định 681 về quy hoạch vùng nguyên liệu mía càng sớm càng tốt. Riêng 4 địa phương phía Đông tỉnh, phải nhận thức đầy đủ lợi ích cánh đồng mía mẫu lớn để từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện; đặc biệt, cùng với Nhà máy phải tìm mọi cách triển khai cánh đồng mía mẫu lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số để họ thoát nghèo nhanh và bền vững. Đến cuối năm 2016, địa phương nào có số lượng cánh đồng mía mẫu lớn nhiều sẽ được Tỉnh ủy biểu dương và khen thưởng.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm