Thời sự - Bình luận

Phải tiêu 80.000 tỉ đồng mỗi tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiêu tiền hóa ra cũng không dễ. Như ở ta, hơn 240.000 tỉ đồng sẽ phải tiêu bằng hết trong vòng 3 tháng cuối năm nay.

 

Rất nhiều dự án đang ì ạch trong khi tiền không tiêu nổi. Ảnh minh hoạ/Nhã Chi
Rất nhiều dự án đang ì ạch trong khi tiền không tiêu nổi. Ảnh minh hoạ/Nhã Chi



Tiêu tiền là cách nói dân dã cho việc giải ngân.

Nói chúng ta không biết tiêu, hay tiêu không nổi đều đúng. Con số đây: Đến ngày 30.9, mới có 218.550 tỉ đồng được tiêu, có nghĩa là chưa tiêu được một nửa kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Và 240.000 tỉ đồng sẽ phải tiêu trong 3 tháng cuối năm. Thủ tướng vừa khẳng định rồi: Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi quyết tâm rất cao mới làm được.

Một đồng vốn đầu tư công là một đồng tiền cái. Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đặng Bích Lâm tính toán: Cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước.

Tính chất “đồng tiền cái” còn ở chỗ: Yếu tố vốn, giai đoạn 2016-2020, đóng góp đến 53,3% tăng trưởng kinh tế. Tức là còn “cao hơn đóng góp của yếu tố lao động”.

Nhưng trình độ tiêu tiền ở ta rất tệ. Về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, Hệ số ICOR (Hệ số phản ánh số đồng vốn đầu tư cần thực hiện để tăng thêm 1 đồng GDP), giai đoạn 2016 - 2019 hệ số này chỉ là 6,13, thấp hơn giai đoạn trước (6,25%). Đã đành dịch bệnh ảnh hưởng đến... mọi thứ. Nhưng suốt 9 tháng mới tiêu được non nửa kế hoạch thì nếu tiêu tiền là một nhiệm vụ, chúng ta đã không hoàn thành nhiệm vụ. Để đồng tiền cái, tiền mồi... nằm trong kho thay vì để nó “sinh đẻ”, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, hôm qua (28.9), đã yêu cầu tạo điều kiện cho các bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công một cách quyết liệt, đến mức yêu cầu tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến. Đến mức hồ sơ giấy tờ chỉ cần gửi qua đường công văn, không phải cầm hồ sơ trực tiếp “chạy" lên Trung ương để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà, nhất là trong bối cảnh rất cần tiết kiệm lúc này.

Thủ tướng cũng yêu công khai tiến độ giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ quan, địa phương trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng để khen chê kịp thời, phân minh, nếu không sẽ dẫn đến trì trệ.

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh hôm qua nói một ý: Dự án chuẩn bị sơ sài nên khó khăn khi giải ngân, lãnh đạo địa phương thì giao hết cho các ban quản lý, ban quản lý gặp vướng mắc thì cứ để đấy và trông chờ.

Nguyên nhân của việc không tiêu được tiền, không phải là không có tiền, mà - nghe ra có vẻ lạ lùng - vì thiếu trách nhiệm tiêu tiền của người phải tiêu, vì không muốn tiêu, vì khó tiêu.

Có lẽ, nếu gắn việc tiêu tiền vào “cái ghế” của từng bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố... thì mới thoát ra được tình trạng “tiền cái nằm đống trong kho”, trong khi nền kinh tế khát từng xu, dân thì thiếu việc làm.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-tieu-80000-ti-dong-moi-thang-958457.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm