Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phấn đấu giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cấp ủy, chính quyền huyện Ia Pa (Gia Lai) đang phát huy có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ia Pa tích cực chỉ đạo, sử dụng các nguồn vốn chương trình, dự án đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông, công trình thủy lợi… để người dân sản xuất, đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi. Đến nay, tất cả các xã đều có đường giao thông đến trung tâm, ô tô cũng đã đến được nhiều thôn, làng; 15 trạm bơm điện trên địa bàn luôn đạt hiệu quả tưới trên 80% diện tích thiết kế, đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh.
Nhiều hộ dân trồng rau cho năng suất cao, ổn định thu nhập. Ảnh: Trần Đức
Để khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện sử dụng một phần nguồn vốn nêu trên và ngân sách địa phương để hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Với việc kiên trì chỉ đạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến nay các mô hình cánh đồng mẫu lớn (mía, mì và lúa), mô hình trồng gấc, gừng, cỏ chăn nuôi bò... đang phát huy hiệu quả, hình thành cách làm mới về hợp tác sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo của huyện là xã Ia Ma Rơn. Năm 2017, toàn xã có 190 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 6,26%. Ông Tăng Xuân Duẩn-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng hiệu quả các mặt hàng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: bò, dê, phân bón, giống cây trồng...”.
Chị Nay Hoa ở buôn Biah A, xã Ia Tul được giúp đỡ nuôi bò sinh sản đã thoát nghèo. Ảnh: Trần Đức
Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện là 27,85% theo tiêu chí đa chiều. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực hướng dẫn nông dân khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phấn đấu mỗi năm giảm 4-5% số hộ nghèo.
Tại xã Ia Tul, việc vận động người dân trồng mì cao sản được xác định là hướng đi giúp bà con thoát nghèo bền vững. Gia đình chị Nay HPhum (buôn Bi A, xã Ia Tul) nhiều năm qua là hộ nghèo, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào rẫy mì trên nền đất khô hạn, năng suất bấp bênh. Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, 3 năm qua, chị HPhum đã mạnh dạn đầu tư trồng mì cao sản, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Hai năm nay, từ số tiền tích lũy được, chị HPhum mua 5 ha đất trồng mì và tham gia mô hình trồng mì mẫu lớn cùng với 27 hộ dân khác trên cánh đồng rộng 30 ha tại xã Ia Tul, dưới sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện. Chị HPhum vui vẻ nói: “Trồng mì cao sản có tưới nước cho năng suất cao hơn 2 lần trồng theo cách cũ. Vụ vừa rồi tôi và các hộ dân khác tham gia mô hình đã thu nhập gần 20 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí. Nếu mô hình tiếp tục được nhân rộng sẽ giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo”.
Việc trồng mì cao sản luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, vận động nông dân trồng theo quy hoạch. Huyện đang cố gắng kết nối với Nhà máy Sản xuất tinh bột mì ở xã Pờ Tó để hỗ trợ nông dân trồng mì mẫu lớn và hướng đến mục tiêu lâu dài bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo dự kiến, huyện có thể phát triển diện tích mì lên 7.000 ha, riêng xã Ia Tul là 600 ha. Với diện tích này, nếu được mùa, được giá thì mỗi năm nông dân xã Ia Tul nói riêng, nông dân toàn huyện nói chung thu hàng chục tỷ đồng. Trao đổi với P.V về thông tin này, Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul Nguyễn Phi Loan vui mừng nói: “Mì cao sản sẽ cùng với cây lúa, con bò tạo ra sản phẩm hàng hóa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương giảm nghèo bền vững”.
Trần Đức

Có thể bạn quan tâm